![]() |
Kiểm nghiệm melamine tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Ngày 30-10, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - cố vấn kỹ thuật Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng (tiền thân là Trung tâm Đào tạo phát triển sắc ký TP.HCM) - cho biết có gần mười mẫu trứng được yêu cầu phân tích tại đây đều cho kết quả âm tính với melamine.
Ngoài trứng, công ty này cũng phân tích nhiều mẫu thịt heo của các cá nhân, đơn vị trên địa bàn TP.HCM, kết quả cho thấy chưa có mẫu nào có melamine.
Trong khi đó, Chi cục Thú y TP.HCM cho biết đã tiến hành kiểm tra nhanh hơn 20 mẫu trứng mua trôi nổi trên thị trường và một số mẫu thức ăn gia cầm cũng chưa phát hiện có hàm lượng melamine.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Hữu Lợi - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP - cho biết: kết quả kiểm tra nhanh những mẫu trên chỉ mang tính chất tham khảo vì đơn vị này chưa được cơ quan thẩm quyền công nhận xét nghiệm melamine. Vì vậy, Chi cục Thú y TP đã mua các mẫu trứng gửi các đơn vị có chức năng phân tích melamine để đảm bảo tính chất pháp lý nhưng đến ngày 30-10 vẫn chưa có kết quả.
Không sử dụng trứng không rõ nguồn gốc
Tái xuất bánh quy có melamine Ngày 30-10, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Khánh Trâm cho biết cơ quan này vừa nhận được phiếu kiểm nghiệm, thông báo hai mẫu bánh quy xuất xứ từ Hong Kong đang nằm tại cảng, qua lấy mẫu kiểm tra đã phát hiện sản phẩm có melamine. Bà Trâm cho biết do hai mẫu bánh này chưa lưu thông trên thị trường VN, hàng vẫn khoanh vùng tại cảng, cơ quan chức năng sẽ làm thủ tục để tái xuất toàn bộ lô hàng. L.ANH |
Theo ông Tiệp, nếu trứng gà nhiễm melamine thì chỉ có thể do sử dụng thức ăn chăn nuôi. Và nếu thế, không chỉ trứng mà thịt gà, vịt, heo, cá cũng có thể nhiễm chất độc hại này từ thức ăn chăn nuôi. Do vậy, mục đích của các đoàn công tác là khẩn trương khảo sát, kiểm tra và lấy mẫu để xét nghiệm. Toàn bộ các công đoạn này phải mất 3-4 ngày mới cho kết quả. “Hi vọng giữa tuần sau chúng tôi có thể công bố kết quả” - ông Tiệp nói.
Cùng ngày, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương khuyến cáo: “Với trứng nội, người dân có thể an tâm sử dụng, nhưng với trứng không rõ nguồn gốc, hoặc trứng nhập lậu từ Trung Quốc thì chưa thể khẳng định là không nhiễm melamine”. Trong những ngày tới, Cục Chăn nuôi sẽ “khoanh vùng” trứng có khả năng nhiễm melamine, ngay khi có kết quả xét nghiệm sẽ có biện pháp xử lý loại trứng này.
Chứng thư kiểm dịch bị làm giả
Sau khi Tuổi Trẻ thông tin về hai lô hàng bột cá được nhập khẩu từ Trung Quốc về VN qua cảng TP.HCM có melamine, ngày 30-10, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM đã thông tin thêm một số vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận kiểm dịch của hai lô hàng này. Tại hồ sơ ban đầu, doanh nghiệp nhập khẩu hai lô hàng này có trình đầy đủ các chứng thư kiểm dịch được Tổng cục Kiểm nghiệm kiểm dịch và giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc cấp. Tuy nhiên, trong quá trình các doanh nghiệp nhập hàng làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để xử lý hai lô hàng bột cá có melamine thì phát hiện các chứng thư kiểm dịch của hai lô hàng là giả mạo.
Theo cơ quan chức năng của Trung Quốc, qua giám định của Vụ Nghiệp vụ thông quan Tổng cục Kiểm nghiệm kiểm dịch và giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc, chứng thư chất lượng số 4780005891252005 cấp ngày 8-3-2008 (cho một lô hàng bột cá nhập khẩu vào VN) là giả mạo. Tương tự, các chứng thư kiểm dịch còn lại cũng được cơ quan chức năng Trung Quốc xác định là giả mạo.
Cơ quan chức năng phía Trung Quốc tiếp tục điều tra vụ việc có liên quan đến các chứng thư kiểm dịch giả mạo nói trên.
Trung Quốc: melamine thường xuyên được trộn vào thức ăn chăn nuôi
Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc thường xuyên trộn hóa chất melamine vào sản phẩm nhằm khiến chúng có vẻ như có hàm lượng protein cao. Bài viết đăng trên nhật báo Nam Phương, sau đó được đăng tải lại trên trang web của Tân Hoa xã và Nhân Dân Nhật Báo, khẳng định chuyện trộn melamine vào thức ăn chăn nuôi là một “bí mật mở” trong ngành công nghiệp này.
Nhật báo Nam Phương dẫn lời một chuyên gia hóa chất cho biết trong quá khứ, các nhà máy hóa chất Trung Quốc thường trả tiền cho các công ty xử lý và tiêu hủy melamine thừa. Tuy nhiên, từ năm năm trước đây, các nhà máy hóa chất bắt đầu bán melamine cho các nhà sản xuất. Chúng được đóng gói dưới nhãn hiệu “bột protein”. Ban đầu loại bột rẻ tiền này chủ yếu được trộn vào thức ăn cho hải sản, sau đó được đưa vào thức ăn chăn nuôi. “Hậu quả có thể lớn hơn nhiều so với xìcăngđan sữa nhiễm độc” - báo Nam Phương khẳng định.
Hôm qua, Nhân Dân Nhật Báo đưa tin lãnh đạo Công ty Hàn Vĩ thừa nhận đã phát hiện melamine trong thức ăn cho gia cầm từ cuối tháng chín và đã cáo báo lên chính quyền thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), nơi Hàn Vĩ đặt trụ sở. Chính quyền Đại Liên cũng đã xác nhận thông tin này, tuy nhiên không hề giải thích tại sao lại ỉm vụ việc đi suốt một tháng cho đến khi bị Hong Kong phát hiện.
Theo báo Văn Hối, Trung tâm An toàn thực vật Hong Kong ngày 30-10 lại tiếp tục phát hiện hai lô trứng gà tươi có nguồn gốc từ tỉnh Hồ Bắc có hàm lượng melamine vượt quá mức quy định, trong đó có một lô có hàm lượng melamine vượt quá mức cho phép 24%.
Không chỉ ở Hong Kong, mới đây Hàn Quốc cũng đã báo động nguy cơ melamine trong sản phẩm trứng của Trung Quốc.
NHÓM PV TUỔI TRẺ
-------------------------
Vì sao “chậm quá” vậy?
Đến hôm qua 30-10, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Khánh Trâm nói cơ quan này vẫn chưa nhận được phiếu xét nghiệm ba mẫu bánh quy có melamine từ cơ sở kiểm nghiệm tại TP.HCM. Mặc dù cũng theo bà Trâm, thông tin các mẫu bánh này có melamine đã được xác nhận từ 18-10, tức cách đây gần hai tuần lễ.
Giải thích với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đại diện cơ sở kiểm nghiệm cho rằng lý do chậm trễ là còn đợi xác minh. Mẫu bánh có melamine không do cơ sở sản xuất gửi đến, nên lo ngại có cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp! Vì thế, ba mẫu bánh quy có melamine là mẫu nào, tên cụ thể của mẫu bánh đó, việc thu hồi, khoanh vùng tiêu hủy hay chuyển mục đích sử dụng tránh gây hại cho người sử dụng tiến hành như thế nào... vẫn treo lơ lửng như một dấu hỏi, mặc dù 12 ngày đã trôi qua!
Cũng theo bà Khánh Trâm, kèm theo công văn 1193, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có mẫu báo cáo kết quả dương tính với melamine trong thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm, bao gồm thông tin về tên mẫu, quy cách đóng gói, mô tả mẫu, công ty sản xuất, kinh doanh, số lô sản phẩm, lô hàng, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ, số lượng mẫu, đơn vị gửi mẫu... nhằm có thông tin toàn diện nhất khi công bố cho người tiêu dùng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay cục vẫn nhận được những mẫu báo cáo không đầy đủ, thậm chí không có cả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, dẫn đến thông tin đã chậm lại càng chậm hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn mới đây đã nhận định rằng việc quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm đã chuyển sang một màu sắc mới.
Trước đây, nói đến lĩnh vực này người ta liên tưởng đến việc loại bỏ thực phẩm không thiu thối khỏi thị trường. Ngày nay, đó là việc quản lý chặt để tránh các chất bảo quản, hóa chất tăng trưởng và giàu đạm giả tạo nhờ những chất như melamine.
Ở trường hợp kể trên, người ta không khỏi đặt câu hỏi có hay không hiện tượng “bảo kê” cho nhà sản xuất vi phạm? Bởi 12 ngày là quá đủ nếu muốn thu hồi sản phẩm và chuyển hình thức bao gói, tên sản phẩm. Mới đây, có thông tin 50% nhãn sữa được kiểm tra tại thị trường TP.HCM có hàm lượng protein thấp hơn nhiều so với công bố của doanh nghiệp.
Nhưng cơ sở kiểm nghiệm và cơ quan quản lý một mực đá bóng sang chân nhau khi có đề nghị cung cấp tên sản phẩm, mặc dù kết quả kiểm tra đã được ký nhiều chục ngày. Vì sao vậy?
LAN ANH
▪ Vượt qua bất ổn kinh tế: 6 đề xuất cụ thể (31/10/2008)
▪ Máu truyền phải được lọc HIV bằng kỹ thuật cao (30/10/2008)
▪ Trục trặc khi đổi số điện thoại cố định (30/10/2008)
▪ Dừng thực hiện “chuẩn” thấp bé, nhẹ cân, ngực lép... (30/10/2008)
▪ Vụ trứng gà Trung Quốc có melamine: Cơ quan chức năng Việt Nam vào cuộc (30/10/2008)
▪ Thoát nghèo nhờ tài chính vi mô (28/10/2008)
▪ Mổ xẻ nhiều vấn đề dân sinh bức thiết! (28/10/2008)
▪ 4 cô giáo cho trẻ uống thuốc kích thích (24/10/2008)
▪ Giới trẻ đọc gì trong truyện tranh? (24/10/2008)
▪ 13 du học sinh VN bị bỏ rơi ở Singapore (23/10/2008)