Tình nguyện ở lại trường cai nghiện
Các Website khác - 24/03/2006

Họ ít nhất đã một lần lầm lỡ vì vướng vào ma túy. Người tán gia bại sản, kẻ khốn đốn phạm pháp. Giờ đây, trong trường giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm của Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP HCM, những người ấy đang cố gắng từng ngày để tìm lại chính mình.

Là cử nhân kinh tế từ năm 1990, Kỳ Hải đã lập công ty và trở thành giám đốc. 7 năm sau, gia đình của Hải thật êm ấm trọn vẹn với người vợ đảm cùng 2 đứa con ngoan. Thế nhưng chỉ một lần bạn bè rủ rê, Hải đã nghiện. Vợ bế con về nhà ngoại, làm đơn ly hôn, rồi mang con bỏ ra nước ngoài định cư. Công việc kinh doanh ngừng trệ khiến công ty làm ăn thua lỗ, phá sản. Món nợ hơn 500 triệu không trả nổi nên căn nhà bị phát mãi. Lang thang đến 2003, Hải bị bắt trong một lần sử dụng ma túy và đưa lên trường giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm (GDĐT&GQVL) số 6 thuộc huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đăk Nông, đến nay đã hơn 36 tháng.

Tại lớp tập huấn chương trình giáo dục đồng đẳng cho người sau cai ngay tại trường, Hải lặng người cúi xuống khi nhớ về gia đình và 2 đứa con: "Dù không còn trẻ nhưng tôi sẽ quyết tâm rèn luyện tốt để được làm lại từ đầu".

Kỳ Hải, (người ngồi ngoài cùng bên phải) trong một buổi diễn kịch ở lớp tập huấn chương trình giáo dục đồng đẳng cho người sau cai tại Trường GDĐT&GQVL số 6. Ảnh: V.H.

Lo lắng khi hồi gia sẽ bị tái nghiện là trăn trở của 2 nữ học viên Mai Bích Nga và Trương Thị Thu Thảo ở trường GDĐT&GQVL số 6. Vì thế nên họ đã quyết tâm ở lại một thời gian nữa cho thêm cứng cáp. Nga ở quận Thủ Đức kể lại: "Ban đầu cũng biết sử dụng ma túy là có hại, nhưng khi đã dùng thử rồi thì không dứt được. Được như bây giờ, mình không muốn vội vàng về rồi phạm sai lầm thêm nữa". Trương Thị Thu Thảo nhà ở quận 4 còn băn khoăn vì "nếu địa bàn nhà mình còn tệ nạn ma túy thì khả năng tái nghiện là rất cao. Ở đây, mình làm mỗi tháng cũng đủ nuôi sống bản thân và chắc chắn sẽ không bị rủ rê lôi kéo sử dụng lại".

Ở trường GDĐT&GQVL số 6 này còn có vợ chồng Thái Hồng Vũ và Kim Saly nhà ở quận 4. Cô vợ Saly lên trước, duyên số đưa đẩy 5 tháng sau đến lượt chồng cũng lên theo. Hết thời gian cai nghiện và lao động, cặp vợ chồng này được hồi gia, nhưng họ đồng ý ở lại vì tìm được niềm vui trong công việc tại trường. "Giữ được hạnh phúc cho mình thật khó nên chúng tôi đã bảo nhau ở lại thêm để thật sự ổn định rồi mới về", Kim Saly cho biết.

Minh Triết, từ học viên nay đã trở thành cán bộ tổ của Trường GDĐT&GQVL số 1.

Ở Trường GDĐT&GQVL số1 không ai xa lạ với Minh Triết ở huyện Bình Chánh, một tấm gương về ý chí quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. "Ban đầu chỉ biết mình phải cố gắng từng ngày, hôm nay rồi đến ngày mai, cứ vậy mỗi ngày thành công mình lại có thêm nghị lực".

Đến năm 2004, Triết đã trở thành tổ trưởng quản lý vài chục học viên. Hết hạn được cho phép hồi gia nhưng anh đã tình nguyện làm đơn gia nhập TNXP. "Dù muốn về nhà nhưng sợ chưa đủ sức. Vì thế mình sẽ ở lại cho đến khi nào vững vàng hơn và gia đình cũng rất ủng hộ quyết định này".

Hạnh phúc từ những điều bình dị

Tại khu vực sản xuất của trường, một học viên nam đã nhảy dựng lên reo mừng như đứa trẻ, những cô gái đã trào nước mắt sung sướng khi nhận được những tờ phiếu đánh dấu tháng lương đầu tiên, những đồng tiền đầu tiên họ tự tay kiếm được. Theo ông Đoàn Viết Cường, Giám đốc trường GDĐT&GQVL số 6, lao động sản xuất ở đây được xem là thước đo giá trị con người và là cách giáo dục hiệu quả. Dù tiền công lao động chỉ khoảng 200.000 đồng/tháng nhưng qua đó, họ sẽ hiểu được giá trị thực của những giờ lao động miệt mài, để có ý chí phấn đấu rèn luyện tốt hơn. Năm 2005, tổng giá trị nhân công của trường đạt trên 800 triệu đồng. Các nguồn thực phẩm từ vườn rau, ao cá, trại heo, bò... do chính bàn tay học viên và người sau cai làm ra đã đủ cung cấp cho toàn trường.

Không chỉ học văn hóa, học nghề, đầu năm 2005, lớp đại học từ xa đầu tiên chuyên ngành Xã hội học đã được khai giảng tại Trường GDĐT&GQVL số 5 (huyện ĐắkRlấp, tỉnh Đắk Nông). Giữa tháng 11/2005, Trung tâm giáo dục thường xuyên TNXP phối hợp với Trung tâm đào tạo từ xa trường Đại học Mở bán công TP HCM đã khai giảng lớp đại học từ xa chuyên ngành quản trị kinh doanh tại GDĐT&GQVL số 4 (huyện Tân Uyên, Bình Dương). Lớp học có 62 sinh viên, trong đó 14 học viên cai nghiện, người sau cai, còn lại là cán bộ, nhân viên nhà trường.

Lao động sản xuất được xem là thước đo giá trị con người và là cách giáo dục hiệu quả của các trường. Ảnh: V.H.

"Không bao giờ để trống thời gian khiến học viên có suy nghĩ, mơ tưởng về ma túy...”, anh Lê Đình Khánh, Phó phòng tư vấn của trường GDĐT&GQVL số 6 cho biết. Đó cũng là nguyên tắc ở tất cả các trường cai nghiện. Lịch học tập, sinh hoạt dày kín suốt ngày, suốt tuần. Hết giờ học thì lao động rồi sinh hoạt tập thể, chơi thể thao, giao lưu văn nghệ.

Đối với học viên, được về phép là niềm hãnh diện lớn nhất mà có thể mang ra nói với khách lạ. “Em mới được về phép”, Thành, 25 tuổi, học viên trường GDĐT&GQVL số 1 bẽn lẽn khoe. Không chỉ được về ăn Tết cùng gia đình, Thành còn được người bạn cũ là thợ may tặng một bộ đồ mới. "Lúc trước có thể bỏ ra hàng triệu đồng bao nhau ở vũ trường nhưng sao không thấy có ý nghĩa như bộ đồ chưa đến 200.000 đồng này". Không chỉ riêng Thành mà Tâm, Hoan, Bằng, cũng lặng người khi kể về mái ấm của mình. Ẩn sâu trong niềm vui tưởng như nhỏ nhoi ấy là những câu chuyện, ước mơ sớm được đoàn tụ cùng gia đình. "Mình chỉ mong khi hồi gia được sống vui vẻ trong gia đình và không bị cộng đồng phân biệt, đối xử". Theo Thành, đây là cách tốt nhất giúp người sau cai hồi gia không tái nghiện.

"Dù không vì ai thì hãy vì bản thân mình trước đã. Điều chúng tôi thật sự cần là sự sẻ chia, là niềm cảm thông chân thành của mọi người", Quang, một học viên tại trường 1 bày tỏ.

Việt Hòa