![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Anh Tuấn |
"Tôi chán những chất vấn mang tính hỏi để biết thông tin. Nếu trả lời thì mất thì giờ, mà không nói cũng không được. Tôi cũng chán những chất vấn có tính chất phê phán một cách thiếu thông cảm, thiếu xây dựng, không đặt mình vào vị trí Bộ trưởng", Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trả lời báo chí.
- Ông cho biết cảm giác khi lần đầu tiên nhận được yêu cầu trả lời chất vấn trước Quốc hội?
- Lần đó cách đây khoảng 10 năm. Lúc đó, tôi chỉ có suy nghĩ là phải chuẩn bị đủ, kỹ để thật sẵn sàng trong cuộc trả lời chất vấn đó. Thường thì mỗi Bộ trưởng, nhất là Bộ trưởng Tài chính - cơ quan có phạm vi quản lý tương đối rộng và liên quan đến nhiều vấn đề, lĩnh vực - trước mỗi kỳ họp Quốc hội đều phải lường trước để có sự chuẩn bị về những vấn đề gay cấn mà Quốc hội quan tâm.
Với riêng tôi, trong tất cả các kỳ họp Quốc hội, ngoài việc trình các dự án luật, tôi thường có nhiều việc khác như báo cáo về dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, quyết toán ngân sách. Có những kỳ họp giữa năm cũng phải báo cáo về tình hình thu - chi ngân sách. Cho nên, tôi thường chuẩn bị khá đầy đủ, trong túi thì sẵn sàng tài liệu, trong đầu thì sẵn sàng các ý kiến để trình bày, để giải đáp những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trở lại lần đầu trả lời chất vấn, khi Thủ tướng phân công tôi trả lời, thì tôi cũng đã sẵn sàng. Với tôi thì việc luôn chủ động và sẵn sàng cho những cuộc trả lời. Chất vấn dường như đã thành phản xạ.
- Đã có kỳ họp nào mà khi biết mình sẽ phải trả lời chất vấn ông cảm thấy lo ngại?
- Tôi không lo ngại bị chất vấn mà chỉ lo đã làm tốt hay chưa công việc mà mình được giao quản lý.
- Trong thời gian dư luận rộ lên về tình trạng gian lận khi hoàn thuế giá trị gia tăng, trả lời chất vấn, ông cũng đã phải nhận khuyết điểm trước Quốc hội về việc này?
- Tôi đã nhận khuyết điểm và tôi đã khắc phục được việc đó. Trên thực tế, chúng ta đã sửa Luật thuế giá trị gia tăng và đã khắc phục được hiện tượng gian lận trong khâu hoàn thuế. Chúng ta cũng đã đưa ra xét xử hàng trăm vụ gian lận trong hoàn thuế.
Tôi không sợ rằng nếu có nhiều vụ gian lận thuế bị đưa ra xét xử sẽ ảnh hưởng đến mình, mà luôn nghĩ sai phạm thì phải xét xử nghiêm minh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lúc đó đã nghe báo cáo về việc này và cũng cho rằng đây là bài học kinh nghiệm, nếu đã có sai phạm thì phải quyết tâm trong xử lý. Và việc đó chúng ta đã xử lý thành công.
- Đã bao giờ trong lĩnh vực ông quản lý phát sinh những vấn đề bức xúc, nhưng phải đến khi vấn đề được nêu lên khi chất vấn, thì công việc đó mới có kết quả?
- Một trong những vấn đề đó là thất thu thuế. Thất thu là hiện tượng xảy ra khá phổ biến trong đời sống kinh tế. Xét về phương diện mất mát thì việc này là rất nghiêm trọng. Muốn xử lý thành công thì phải chuyển hóa công tác tài chính thành việc không chỉ đơn thuần là của ngành tài chính. Nó phải trở thành công việc của Quốc hội bao gồm việc quyết định chính sách, pháp luật, công tác giám sát với tất cả các ngành, các địa phương..
Khi đại biểu Quốc hội chất vấn, tôi trả lời về vấn đề này như thế, lập tức nhận được sự đồng thuận của xã hội. Dư luận và công luận cũng lên án hành vi gian lận. Bên cạnh đó, qua chất vấn, các cơ quan thấy rõ trách nhiệm của mình: Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan theo hướng đồng bộ và hợp lực hơn, các cấp chính quyền thấy rõ nhiệm vụ của mình.
Không những vậy, những đối tượng tiêu cực thấy cả xã hội lên tiếng, cùng đồng thuận để chống tiêu cực nên chúng cũng chờn. Vì thế mà việc chống thất thu cũng đạt hiệu quả tốt hơn trước.
- Ông có lẽ là Bộ trưởng“bị” chất vấn nhiều nhất trước Quốc hội. Qua nhiều lần bị chất vấn, ông thích những kiểu câu hỏi nào?
- Có rất nhiều câu hỏi qua thảo luận hay chất vấn ở Quốc hội làm cho tôi thấy thú vị, và qua thực tiễn tôi thấy rằng ở cương vị Bộ trưởng cần phải làm như vậy. Có thể nêu nhiều ví dụ về những câu hỏi loại này: từ những vấn đề lớn như ngân sách dành cho giáo dục, y tế, văn hóa... đến những việc như chính sách với chiến sĩ biên phòng.
Sau khi tiếp thu, chúng tôi thiết kế thành chính sách và trình lại để Quốc hội thông qua. Đó là tác dụng rất lớn của chất vấn vì tự Bộ trưởng không thể nghĩ hết được và cả ngành tài chính cũng chưa nghĩ được đến những việc như vậy.
- Thế ông cảm thấy chán nhất đối với những câu chất vấn loại nào?
|
- Tôi chán những câu chất vấn mang tính hỏi để biết thông tin. Nếu trả lời thì mất thì giờ, mà không nói cũng không được, trình bày ra thì nhiều người thấy rằng thừa vì họ biết cả rồi. Tôi cũng chán một loại câu hỏi thứ hai là những câu chất vấn có tính chất phê phán một cách thiếu thông cảm, thiếu tính xây dựng, không đặt mình vào vị trí một người Bộ trưởng nên đưa ra những câu hỏi không trúng lắm.
Nhưng tôi chán nhất là những câu hỏi mà luật đã quy định rõ rồi, ví như Luật Ngân sách đã quy định mạch lạc nhưng cứ hỏi như là mình chưa biết gì. Chẳng lẽ lại nói rằng mời đồng chí đọc lại điều này, điều kia trong luật thì cũng không tiện. Thế nên với câu hỏi như thế, tôi cứ phải giải thích đi, giải thích lại thành ra có vẻ như “đôi co nhau” chỉ làm mất thêm thời giờ của Quốc hội.
- Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng ông “câu giờ” rất giỏi. Thời gian dành cho mỗi Bộ trưởng trả lời chất vấn chỉ là một tiếng, nhưng ông cứ trình bày đến 45 phút và thời gian còn lại cho chất vấn trực tiếp rất ít?
- Thực ra người được thay mặt Chính phủ về từng lĩnh vực có diễn đàn để trình bày với Quốc hội cho đến đầu, đến đũa là rất quan trọng. Quốc hội không hạn chế giờ giấc thì tôi nói không hạn chế để giải thích về từng việc trong lĩnh vực mình được giao quản lý. Còn nếu Quốc hội hạn chế thì tôi phải nói gọn hơn, cái đó là tùy Quốc hội quy định.
Có những phiên họp Quốc hội tôi đã phải trình bày hết một buổi vì thường thì Bộ Tài chính “được ưu tiên” có rất nhiều câu hỏi mà trong đó có nhiều câu hỏi về những vấn đề rất phức tạp, lại có nhiều câu hỏi không thuộc lĩnh vực tài chính nhưng tôi cứ phải lần lượt mà trả lời. Tôi khẳng định là tôi có thể nói dài chứ không bao giờ nói thừa.
- Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hoạt động chất vấn ngày càng “nhạt” dần vì nhiều lĩnh vực có những tồn tại, yếu kém cứ lặp đi, lặp lại mà chưa xử lý được trách nhiệm người đứng đầu. Ông nghĩ sao?
- Tôi đồng tình với nhận định đó. Nhưng cũng phải thấy rằng lãnh đạo Quốc hội, từ Chủ tịch Quốc hội đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đưa ra nhiều đổi mới trong việc chất vấn, như giám sát chuyên đề kết hợp chất vấn chẳng hạn. Đó là việc làm rất tốt.
- Cá nhân ông thấy hoạt động chất vấn của Quốc hội nên được đổi mới thế nào để nó đem lại hiệu quả thực sự?
- Chất vấn nên có trọng tâm, lựa chọn vấn đề nổi lên để chất vấn, để tìm cách giải quyết đến nơi, đến chốn, trong đó đề cập đến trách nhiệm một cách rõ hơn.
(Theo Tiền Phong)
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Phó Thủ tướng: Ngăn vận chuyển gia cầm qua biên giới (11/11/2005)
▪ Phẩm chất cán bộ là số 1 (12/11/2005)
▪ Xe đạp điện, xe máy điện có phải đăng ký? (12/11/2005)
▪ Bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (12/11/2005)
▪ Nhà cao tầng ở VN chưa chịu được động đất? (12/11/2005)
▪ Nhà xây từ thời Pháp thuộc vẫn được bảo hành? (12/11/2005)
▪ Câu lạc bộ phụ nữ quốc tế tại Hà Nội làm từ thiện (10/11/2005)
▪ Phòng, chống dịch cúm gia cầm ở Lào Cai còn bất cập (11/11/2005)
▪ Phát hiện các trường hợp nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở Kuwait và Italy (11/11/2005)