Từ bảy giờ sáng, chợ đầu mối nông sản Cốc Lếu, TP Lào Cai đã nhộn nhịp cảnh buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Trứng gia cầm các loại bày bán công khai riêng hẳn một góc chợ Cốc Lếu.
Không chỉ tại chợ Cốc Lếu mà tại các chợ Phố Mới, Kim Tân, việc buôn bán, kinh doanh gia cầm, các sản phẩm gia cầm vẫn diễn ra sôi động. Hầu hết gia cầm, các sản phẩm gia cầm đều không cần biết nguồn gốc. Cả người mua và người bán gia cầm, sản phẩm gia cầm vẫn bày bán như không có chuyện gì xảy ra.
Ông Phùng Thế Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan TP Lào Cai, cho biết: Việc kiểm soát hàng nhập lậu qua biên giới là nhiệm vụ thường xuyên của chi cục. Trong ba năm gần đây, chi cục tăng cường kiểm soát gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Do địa bàn quản lý hạn chế, nên chi cục không kiểm soát nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua đường mòn, sông suối. Từ tháng 8 đến ngày 10-11, chi cục bắt giữ 26 vụ vận chuyển trái phép bao gồm 45 con gà sống, 1.650 trứng gà, 20 kg thịt gà, 77 kg thịt bò khô và thịt gà qua chế biến (gà cay). Người ta vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua cửa khẩu dưới nhiều hình thức: đựng lẫn với hoa quả, giấu trong túi, làn xách tay... Khi phát hiện các vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, việc xử lý rất lúng túng. Muốn kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, Chi cục không thể kiểm soát được.
Ông Nguyễn Quang Hiểu, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, cho biết thêm: Từ đầu năm đến nay, chi cục tịch thu và tiêu hủy 1.253 kg tim lợn, 76.370 trứng gia cầm; hơn năm nghìn gói thịt bò khô, gà cay; 56 kg vịt ướp lạnh. Chi cục đã tổ chức các tổ trinh sát phối hợp Bộ đội Biên phòng, Hải quan tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện việc nhập lậu gia cầm qua đường tiểu ngạch, nhưng số vụ bắt được còn quá thấp, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành... Cho đến hôm nay, chi cục vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo của tỉnh bằng văn bản về việc kiểm soát, cấm nhập lậu gia cầm, các sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Năm 2004, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại năm huyện, tỉnh đã khoanh vùng, tiêu hủy 63.500 con gia cầm; 63 nghìn quả trứng gia cầm. Sau hơn một tháng đã dập tắt ổ dịch. Nhưng đến tháng 1-2005, tiếp tục xuất hiện ba ổ dịch, tỉnh đã tiêu hủy 4.500 con gà, 30 nghìn trứng gia cầm các loại. Như vậy, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm ở Lào Cai rất nghiêm trọng.
Tới ngày 14-11, tỉnh mới tiêm phòng đại trà vaccine phòng dịch cúm gia cầm mũi 1 cho đàn gia cầm ở 176 thôn, bản của 33 xã, phường trong tỉnh. Ðồng chí Phạm Duy Hạnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã lý giải sự chậm trễ trên là do vaccine về chậm; cán bộ thú y cơ sở đang được tập huấn. Ðến nay, mới triển khai một chốt kiểm dịch tại Km 75 trên quốc lộ 70, thuộc địa bàn huyện Bảo Yên, giáp tỉnh Yên Bái.
Khi tìm hiểu về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại Lào Cai, các sở, ban ngành liên quan đều thiếu sự hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí; hầu hết đều đùn đẩy trách nhiệm. Trong khi tại các địa phương khác đang khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó dịch cúm gia cầm, thì tại Lào Cai còn bận bịu với nhiều cuộc họp. Ðược biết, đến chiều 11-11, UBND tỉnh mới triển khai kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm đến các cấp, các ngành trong tỉnh. Có thể nói, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm ở Lào Cai vẫn còn trên giấy.
|