"TP.HCM cần xây dựng casino cho người nước ngoài"
Các Website khác - 11/10/2005

(VietNamNet) - Hội nghị chuyên đề về kế hoạch phát triển kinh tế TP.HCM giai đoạn 5 năm (2006 - 2010), góp ý báo cáo chính trị ĐH Đảng TP do HĐND TP tổ chức, diễn ra ngày 11/10, được xem là có nhiều ý kiến táo bạo. Các đại biểu cho rằng: "Nếu đặt casino có thể thu về hàng tỷ USD đề lo cho người nghèo" và giúp thành phố phát triển nhanh hơn.

Soạn: AM 581486 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cách nào tăng tốc "đầu tàu" TP.HCM cho xứng tầm vẫn là bài toán đau dầu.

Chưa khai thác hết tiềm năng của TP.HCM

Ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM, cho biết: Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2001 - 2005 ước tính đạt mức bình quân 11% như mục tiêu đã đề ra. Nét nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước.

Kết quả tăng trưởng giá trị gia tăng các ngành giai đoạn 2001 - 2005 là: dịch vụ: 9,8% (cao hơn kế hoạch đề ra: 9,5%), công nghiệp - xây dựng: 12,7% (thấp hơn kế hoạch đề ra: 13%).

Tuy nhiên, theo ông Lịch, vẫn còn một số tồn tại: "Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, dưới mức tiềm năng. Kinh tế TP những năm qua vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu gia tăng đầu tư và sản xuất gia công lắp ráp, phụ thuộc lớn vào thiết bị, nguyên nhiên liệu nhập khẩu, do đó dễ bị tác động tiêu cực từ biến động thị trường thế giới".

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa rõ nét, còn chậm. Tác dụng của các giải pháp, biện pháp, chương trình hỗ trợ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong công nghiệp và dịch vụ còn nhiều hạn chế.

Các sản phẩm hàng hóa dịch vụ là thế mạnh của TP còn chiếm tỷ trọng thấp. Các ngành dịch vụ hiện đại tuy có tốc độ tăng trưởng tương đối khá, nhưng vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng và thế mạnh của TP như: tài chính - ngân hàng, khoa học - công nghệ, viễn thông...

Môi trường kinh doanh và đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, kém hơn so với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chưa tạo ra và phát huy đúng lợi thế của TP.HCM về chất lượng lao động và tiềm năng nghiên cứu khoa học.

Hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh. Các chương trình và công trình trọng điểm về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị đề ra cho giai đoạn 2001 - 2005 phần lớn chưa hoàn thành...

Hàng hóa xuất nhập khẩu TP vẫn còn kém sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tỷ lệ hàng công nghiệp chế biến tinh trong cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn còn thấp, hàng công nghiệp chủ yếu vẫn còn dạng gia công, lắp ráp giản đơn, giá trị gia tăng thấp.

Hệ thống y tế chưa hoàn chỉnh, mạng lưới y tế cơ sở, y tế cộng đồng chưa được củng cố vững chắc, các bệnh viên trung tâm chưa được nâng cấp hoàn chỉnh.

Giáo dục, định hướng nghề nghiệp chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng đào tạo của các trường dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu của DN.

"Cần xây dựng casino cho người nước ngoài!"

Ý kiến trên của đại biểu HĐND TP.HCM Nguyễn An Bình, Tổng giám đốc công ty địa ốc Sài Gòn, được nhiều đại biểu ủng hộ. Theo ông Bình, việc đặt casino có thể thu về hàng tỷ USD đề lo cho người nghèo. Hiện nay những người nước ngoài đến VN có nhu cầu chơi casino vẫn phải tìm sang Campuchia.

Mục tiêu phát triển TP.HCM giai đoạn 2006 - 2010 được ông Trần Du Lịch đưa ra: Tăng trưởng GDP đạt bình quân 11,5%. Về cơ cấu kinh tế: nông nghiệp: 1%; công nghiệp - xây dựng: 49%, dịch vụ: 50%. Kiểm soát tốc độ tăng dân số TP trung bình dưới 3,4%/năm. Theo ông Lịch, "kiểm soát là tạo tiềm năng kinh tế thu hút người nơi khác đến ở mức như kế hoạch, chứ không phải là dùng các biện pháp ngăn cản".

Vận tải hành khách công cộng cần đạt mức 1,8 triệu khách/ngày, đáp ứng 10% nhu cầu đi lại vào năm 2010. Đến năm 2010 về cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới (6 triệu đồng/người/năm).

Ông Lịch cho rằng: "Mục tiêu về chất lượng phát triển phải đặt ngang hàng mục tiêu về số lượng. Kinh tế TP cần phát triển theo chiều sâu chứ không thiên về chiều ngang như trước. Kế hoạch và phát triển TP cần đặt trong bối cảnh VN gia nhập WTO. Nâng cao năng lực cạnh tranh cần được ưu tiên hàng đầu".

Mục tiêu dài hạn là xây dựng TP thành một đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, là trung tâm của một số lĩnh vực, có trình độ phát triển ngang bằng với các TP đã phát triển ở khu vực.

Về kinh tế, TP.HCM lấy dịch vụ và công nghiệp giá trị gia tăng cao làm nền tảng phát triển. Khu vực dịch vụ cần bao gồm một số lĩnh vực phù hợp với vị trí, vai trò và tiềm năng của TP: Tài chính, tiền tệ, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại, nhất là thương mại quốc tế; dịch vụ viễn thông và giá trị gia tăng; dịch vụ bất động sản (cho thuê, bán nhà, đất)...

TP.HCM sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sau: cơ khí chế tạo máy, điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất; chế biến nông, lâm, thủy sản...

Về khoa học - công nghệ, xây dựng TP.HCM thành một trung tâm khoa học - công nghệ lớn của Đông Nam Á. Về giáo dục - đào tạo, y tế, TP phải là một trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo, y tế của cả nước và khu vực.

Quy hoạch đô thị: Nhìn lên trời không xác định được chiều cao...

Nhận xét về báo cáo kinh tế - xã hội 5 năm vừa qua của TP.HCM, ĐB Đặng Văn Khoa nói: "5 năm trước, TP đặt ra những vấn đề rất lớn để vực dậy toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Cần nhìn lại những chương trình then chốt đó xem đã làm tới đâu, cần rút kinh nghiệm gì".

Theo ông Khoa, một trong những hạn chế hết sức quan trọng là công tác quy hoạch và quản lý đô thiếu tầm nhìn xa cần thiết.

"Nhìn lên trời không xác định được chiều cao. Nhìn xuống đất thì cốt nền chưa có. Nhìn ngang, độ lùi của công trình chưa có, màu sắc lộn xộn. Ngay cả đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đang mở nhưng vẫn chưa có hướng dẫn kiến trúc để tạo sự thống nhất. Nhiều người lợi dụng quy hoạch, quản lý lỏng lẻo, đầu tư bất động sản để bóc lột người dân, nghiễm nhiên đứng vào top người giàu trên thế giới!" - ông Khoa bức xúc.

"Chúng ta phải phát triển các vùng ngoài trung tâm thì mới kéo được dân đến các nơi đó. Chúng ta còn rất nghèo nhưng cứ đầu tư vào trung tâm. Đầu tư vào trung tâm: 100 đồng tiền chỉ được lợi 10 đồng. Chúng ta càng xông vào nội thành, người dân càng kéo vào đó".

Ông Khoa còn cho ý kiến về việc kiên quyết đẩy mạnh cổ phần hóa, chỉ để lại một số DN nhà nước cần thiết, phá đi bệnh "lười biếng", ỷ lại của nhiều DN nhà nước. Hơn nữa, "xây dựng TP xanh - sạch - đẹp là trách nhiệm của cả chính quyền và người dân. Trước mắt, chính quyền cần thẳng tay với thái độ sống như trong rừng của người dân TP: ném rác, vượt đèn đỏ...".

Một số ĐB góp ý: Đưa mục tiêu 5 nữa TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại như thế có thể quá sức của TP. Sau bao năm phát triển vẫn đặt mục tiêu tỷ trọng dịch vụ là 50%, vẫn bằng con số cũ như vậy là không hợp lý. Ngay cả tỷ trọng dịch vụ "bình bình" trên thế giới cũng đạt 70%.

Về việc xây dựng khu đô thị Hiệp Phước, một số ĐB đóng góp: Mặc dù bộ phần lớn trong hệ thống cảng của TP đã được di dời xuống Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng TP vẫn cần đầu tư xây dựng cảng Hiệp Phước để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo ĐB Trương Minh Nhật: Đầu tư vào Hiệp Phước nhưng phải giữ được thương hiệu cảng Sài Gòn, vì thương hiệu này đã tồn tại nhiều năm. Và xung quanh đó, cần tiếp tục phát triển hệ thống vệ tinh dịch vụ cảng liên quan đến hệ thống sông.

  • Phạm Cường