Trẻ mẫu giáo học thêm
Cuối tháng 12-2005, chị Lâm chạy nháo nhào đi tìm giáo viên dạy chữ cho cô con gái rượu mới 4 tuổi của mình: “Trời ơi, mình khờ quá! Hỏi ra mới biết con người ta đi học từ đầu năm học hết rồi”. Yêu cầu của chị đưa ra: “Bắt buộc phải là giáo viên tiểu học chứ giáo viên mầm non làm sao dạy tốt chương trình lớp 1”. Hiện tại cứ sau giờ học ở trường mầm non, 16 giờ 30 cô bé con chị Lâm được mẹ đón đi ăn chiều rồi chở thẳng đến nhà thầy học thêm. 4 tuổi bé đã làm học sinh lớp 1, có bữa gần 21 giờ mới được về nhà.
Với câu hỏi “trẻ mẫu giáo học chương trình lớp 1 trước để làm gì?”, câu trả lời của phụ huynh khá giống nhau: “Con người ta đi học thì con mình cũng phải đi học chứ, sau này không sợ thua kém bạn bè. Nghe nói giáo viên lớp 1 bây giờ giảng nhanh lắm, không học trước theo không kịp đâu”.
Trên thực tế, tình trạng trên không phải không xảy ra. Bà C.M. - phụ huynh học sinh lớp 1 Trường tiểu học CX - bức xúc phản ảnh: “Cháu tôi bị cô giáo đánh giá “tiếp thu chậm, chữ viết xấu”. Cô bảo nếu không học thêm sẽ không theo kịp các bạn vì trong lớp đa số học sinh đều đã học trước chương trình lớp 1 từ hồi mẫu giáo. Rút kinh nghiệm, tôi đã truyền đạt “bài học” này cho tất cả cháu nội, ngoại của mình để bố mẹ chúng liệu mà cho con đi học trước”.
Nguy cơ cận thị, vẹo cột sống...
Lẽ nào chương trình lớp 1 yêu cầu học sinh phải học trước từ khi lên 4 tuổi? Ông Lê Ngọc Điệp - trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD- ĐT TP Hồ Chí Minh - khẳng định: “Học sinh chỉ cần học qua lớp mẫu giáo 5 tuổi ở trường mầm non (theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo) là tiếp thu tốt chương trình lớp 1”.
Thế thì tại sao nhiều học sinh lại lâm vào tình cảnh như cháu của bà C.M.? Hiệu phó một trường tiểu học ở Q.9 đã nhìn nhận: “Trong một lớp có nhiều học sinh học trước nên giáo viên thường bỏ qua các bước cơ bản, lướt chương trình khá nhanh. Thí dụ như đầu năm học học sinh phải tập viết các nét, sau đó mới ráp lại thành con chữ; phải tập đồ chữ cho quen tay, mềm dẻo các ngón tay sau đó mới tự viết. Nhưng thấy nhiều em đã biết viết chính tả nên giáo viên bỏ qua các bước ấy. Những em chưa học trước sẽ đuối...”.
Trong khi đó, dạo một vòng quanh các lớp dạy thêm dành cho học sinh mẫu giáo, mới thấy nhiều hậu quả tiềm ẩn: mỗi lớp học thường từ 3-20 học sinh đặt tại nhà giáo viên với bàn ghế không đúng quy cách (có giáo viên lấy bàn nước của gia đình làm bàn học cho học sinh), thiếu ánh sáng (điện dùng chung cho sinh hoạt gia đình), học sinh ngồi chen chúc, ngả nghiêng, có em phải nhoài người nằm dài trên bàn (vì bàn quá cao) mà viết, có em cúi sát xuống mặt bàn, có em mệt mỏi vừa học vừa ngáp dài...
Và không phải ngẫu nhiên khi giáo viên N.T. - khối trưởng khối 1 Trường tiểu học NVH - đúc kết: “Hầu hết học sinh học trước chương trình đều không biết cách cầm bút, tư thế ngồi viết..., viết chữ sai về quy tắc, kích thước... Điều đáng nói là những thói quen tai hại ấy đã trở thành “nếp” từ một, hai năm trước, khi vào lớp 1 rất khó sửa. Có em viết chữ số 8 cứ hai chữ O ghép lại, hoặc có em cứ phát âm “lan” là “lang”. Chưa kể một số em còn ỷ lại “biết hết rồi” không chịu nghe giảng nữa”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cảnh báo: “Trẻ học sớm rất dễ bị bệnh cận thị, cong vẹo cột sống, chán học (do các cơ tay còn vụng về, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa mắt và tay dẫn đến mệt mỏi). Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có những nghiên cứu khoa học cho thấy: tâm sinh lý, thể lực, trí lực của trẻ em 4-5 tuổi chỉ có thể học chương trình mẫu giáo”.
Ông Lê Ngọc Điệp cũng khuyến cáo: “Nguyên tắc sư phạm, giáo viên lớp 1 phải dạy theo đúng chương trình - coi như trẻ chưa được học chữ. Nhân đây tôi cũng khuyên phụ huynh không cần phải cho con em đi học trước chương trình. Những kỹ năng cơ bản của học sinh lớp 1 như cách cầm bút, tư thế ngồi viết, quy trình viết các nét, các chữ, các số... được xem là nền tảng. Nếu không được hướng dẫn và rèn luyện đúng cách, nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình học tập suốt đời của học sinh sau này”.
|