Tư nhân "mua" tàu hỏa
Các Website khác - 28/02/2006
Giám đốc Eva Nguyễn Hải Ninh
với mẫu thiết kế cải tạo
đoàn tàu khách Nha Trang.
17 tỷ đồng/năm - đó là số tiền mà Công ty TNHH quảng cáo EVA đã “mua” một đoàn tàu tuyến TP Hồ Chí Minh - Nha Trang trong bảy năm. Ngành đường sắt cho biết, hiện ngành cũng đã “bán” một số toa tàu trên tuyến đường Hà Nội - Lào Cai.
Chung quanh việc Công ty TNHH quảng cáo Eva (doanh nghiệp tư nhân) “mua” một đoàn tàu lửa chạy tuyến TP Hồ Chí Minh -Nha Trang, chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Hải Ninh - Giám đốc Công ty Eva, và ông Đinh Văn Sang - Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn.

Ông Nguyễn Hải Ninh: Trên tàu sẽ có dịch vụ làm đẹp

* Thưa ông, vì sao ông lại “mua” tuyến tàu lửa Sài Gòn - Nha Trang?

- Thực tế chúng tôi hợp tác với ngành đường sắt để khai thác hành khách du lịch. Mục tiêu chính là xây dựng một đoàn tàu có chất lượng phục vụ hành khách tốt nhất.

* Đoàn tàu của Công ty Eva sẽ khác gì với đoàn tàu của ngành đường sắt?

- Chúng tôi đang trong quá trình thiết kế lại đoàn tàu về nội thất, trang thiết bị... Không những vậy, chúng tôi sẽ hết sức quan tâm đến các yêu cầu của khách. Trên tàu chúng tôi dự tính đưa ra các dịch vụ mới như cắt tóc, gội đầu, massage mặt... Theo tôi, có những du khách sau chuyến đi nghỉ ngơi ở Nha Trang và khi về TP Hồ Chí Minh có thể phải bắt tay ngay vào công việc, như vậy thì họ rất cần được trang điểm hoặc làm đẹp ngay trên tàu. Các dịch vụ này sẽ làm cho hành khách thật sự thoải mái sau một chuyến đi du lịch.

Ông Nguyễn Hữu Bằng - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

Cho thuê để ngành đường sắt học tập

Chúng tôi đã cho một số công ty du lịch thuê lại một số toa tàu trong tuyến Hà Nội - Lào Cai. Trong quá trình hợp tác với họ, chúng tôi thấy nhiều mặt được vì họ có giá cả kinh doanh tốt hơn, đảm bảo được lượng khách ổn định. Về các dịch vụ của họ cũng có nhiều điểm hơi khác mà chúng tôi phải học tư duy kinh doanh của họ.

Về giá vé sẽ do công ty thuê quy định, có thể cao hoặc thấp hơn giá vé của ngành đường sắt tùy theo dịch vụ của họ, nhưng tổng công ty cũng mong họ đưa ra mức giá vừa phải. Họ phải tự chịu trách nhiệm về giá vé vì việc cho thuê cả đoàn tàu như hình thức bán buôn, tổng công ty sẽ không đưa ra qui định. Tuy nhiên, nếu giữa Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn và đơn vị thuê tàu có sự thỏa hiệp, nâng giá vé lên cao, tổng công ty sẽ có tiến hành kiểm tra, xử lý.

Hiện nay, Tổng công ty đang khuyến khích các đơn vị khác thuê các chuyến tàu khách địa phương.

* Với giá 17 tỷ đồng/năm và hoạt động trong bảy năm, ông đã tính đến hiệu quả?

- Là doanh nghiệp là phải tính có lợi nhuận, tôi rất tin tưởng sẽ đạt hiệu quả cao. Với thời gian bảy năm, nếu đạt hiệu quả thì chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư.

* Tại sao ông lại tính tới việc đầu tư vào khai thác tuyến đường sắt?

- Tôi đã có thâm niên trong nghề kinh doanh du lịch từ năm 1993 đến nay. Do đó, tôi thấy nhu cầu vận chuyển hành khách du lịch tuyến Sài Gòn - Nha Trang đang tăng cao mà chỉ có ngành đường sắt mới đáp ứng được.

* Bao giờ đoàn tàu hoạt động, thưa ông?

- Nhanh nhất là đến tháng 6-2006 chúng tôi đưa chuyến tàu đầu tiên vào hoạt động. Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị cho việc hoán cải đoàn tàu, chuẩn bị các dịch vụ mới trên tàu từ khâu phục vụ đến bán vé...

Ông Đinh Văn Sang: Giá vé sẽ không cao hơn

* Thưa ông, vì sao lại “nhượng” lại cho tư nhân tham gia khai thác tàu lửa?

- Luật Đường sắt mới ban hành cho phép các thành phần kinh tế tham gia cạnh tranh trong ngành đường sắt. Việc đưa doanh nghiệp Eva vào hoạt động nhằm tận dụng hiệu quả các toa xe và mở thêm một đoàn tàu mới chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang vào ban ngày, nghĩa là có thêm sản phẩm mới đưa vào phục vụ khách.

Hơn nữa, do cơ chế về giá vé ngành đường sắt còn cứng, trong khi tư nhân tham gia thì có thể điều chỉnh giá cao, thấp một cách linh hoạt tùy theo lượng khách đi nhiều hoặc ít.

* Liệu vé có cao giá hơn giá hiện tại của ngành đường sắt?

- Chúng tôi lập phương án khoán bán vé cho Công ty Eva với mức khoán không được cao hơn giá vé trần của ngành đường sắt.

Khác với việc khoán các toa tàu ở tuyến Hà Nội - Lào Cai, hành khách đi trên đoàn tàu còn có sự phân biệt các dịch vụ phục vụ giữa toa tàu của doanh nghiệp nhận khoán và toa tàu của ngành đường sắt. Còn ở tuyến Sài Gòn - Nha Trang, chúng tôi khoán cả đoàn tàu, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng phục vụ để cạnh tranh với đoàn tàu của ngành đường sắt.

* Vì sao chỉ nhượng bảy năm mà không phải là năm năm hoặc mười năm?

- Để xây dựng thương hiệu và thu hút lượng khách đi tàu đòi hỏi thời gian 5-7 năm, nên thời gian bán hành trình cho doanh nghiệp tư nhân khai thác bảy năm là hợp lý. Đó là thời gian đủ để họ còn hoàn vốn và có lãi.

Bán hành trình tàu khách địa phương

Theo ông Nguyễn Văn Bính - Trưởng ban tiếp thị kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc bán hành trình tàu khách địa phương cho các công ty đã được Tổng công ty giao quyền cho các công ty vận tải hành khách đường sắt thực hiện từ mấy năm nay.

Về việc bán trọn gói hành trình tàu khách Sài Gòn - Nha Trang đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đồng ý về chủ trương và Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn sẽ trực tiếp đàm phán cụ thể các điều khoản cũng như ký kết hợp đồng với đối tác.

Ông Bính cũng cho rằng chủ trương của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao quyền cho các công ty vận tải hành khách đường sắt bán lại hành trình tàu khách địa phương sẽ làm tăng quyền chủ động cho các công ty này, góp phần mở rộng sản xuất, phân cấp quản lý tốt hơn, cụ thể và linh hoạt hơn.

Việc bán hành trình tàu khách Sài Gòn - Nha Trang lần đầu tiên được thực hiện tại Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn nhưng trước đó Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội đã thực hiện phương án kinh doanh này với các công ty du lịch trên một số toa tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai từ mấy năm nay và có hiệu quả tốt.

Ông Trần Đức Giao - Tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội:

Mặc dù chưa bán hành trình trọn gói đoàn tàu cho các công ty du lịch từ A đến Z nhưng từ sáu năm nay công ty đã dành hẳn tàu LC 5, 6 (tuyến Hà Nội - Lào Cai) để vận chuyển hành khách cho các công ty du lịch. Theo đó, mỗi công ty du lịch như Victory, Tulico, Việt Hùng, Xuyên Á... sẽ được dành từ 2-5 toa (tùy theo lượng khách của mỗi công ty) trên đoàn tàu này.


Theo Tuổi trẻ