Đường vào trắng xoá vôi bột, cỏ không mọc nổi vì cứ cách một tháng đất lại được xới lên để rắc vôi. Trừ khu hành chính, công nhân khu sản xuất đều bịt bùng khẩu trang, bảo hộ trông như... Ninja. Đó là một vài hình ảnh về Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương (xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Là một trong 12 nơi nuôi giữ đàn gia cầm giống gốc, giống mới thích nghi, giống quý hiếm của quốc gia, những ngày này Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương (xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Từ nguồn thức ăn, nước uống, rồi sự tiếp xúc giữa người chăn nuôi với đàn gà, ngan Pháp, đà điểu, chim câu được kiểm soát và tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ. Tất cả đều nhằm chống lại virus cúm H5N1.
Cấm trại, tắm nuy dưới dàn nước khử trùng
Từ tháng 1/2004 đến tháng 6 vừa qua, trên 50 công nhân trực tiếp sản xuất của Thuỵ Phương đã quá quen với việc cấm trại. Trong 20 ngày liên tục, họ phải thay phiên nhau tạm biệt gia đình để vào làm việc, sinh hoạt ngay trong khu sản xuất. "Mới đầu rất khó chịu, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, chị em nhớ chồng, nhớ con lắm, nhưng dần dần cũng phải quen. Bây giờ thì mọi người tự giác chấp hành lệnh cấm trại, tất cả để chống lại nguy cơ lây nhiễm virus cúm từ bên ngoài vào", ông Nguyễn Quý Khiêm, trợ lý giám đốc trung tâm giải thích.
Quy định cấm trại của Thuỵ Phương được nhiều người ví von còn chặt chẽ hơn cả khu quân sự. Trước khi vào trung tâm, tất cả nhân viên, xe cộ đều phải đi qua con đường bê tông rải vôi bột trắng xoá, lội qua hai rạch nước pha chất khử trùng bốc mùi ngai ngái. Kế đó, trước khi trải qua 20 ngày làm việc, sinh hoạt trong khu sản xuất, công nhân có 2 ngày ở khu hành chính để theo dõi sức khoẻ. Nếu không có biểu hiện bệnh tật, họ mới được vào khu chăn nuôi gia cầm. Từ tháng 6 đến nay, dịch có dấu hiệu tạm lắng, thời gian cấm trại được rút ngắn xuống một nửa, tức là 10 ngày cấm trại ở khu sản xuất, 1 ngày nghỉ ở khu hành chính và 4 ngày được thư giãn ở nhà.
![]() |
Một thao tác bắt buộc của nhân viên khi qua cổng bảo vệ là phải chà sát chân ở vũng nước pha dung dịch sát trùng. Ảnh: N.T. |
Đặc biệt, để bảo vệ đàn gà gia cầm giống, tất cả công nhân và cán bộ khi vào khu sản xuất đều phải qua phòng tắm nuy, để hàng trăm nghìn tia nước nhỏ ly ti tưới vào người. Dàn nước "xịn" như khu nghỉ dưỡng, chỉ có điều đó không phải là nước khoáng mà có pha thuốc tiệt trùng. Biện pháp này nhằm loại bỏ hoàn toàn con vi trùng nào trú ngụ trên cơ thể. Sau đó, công nhân sẽ lại qua một nhà tắm thông thường để rồi diện bộ bảo hộ, găng tay, mũ, kín mít như... Ninja. Tất nhiên, để phục vụ nhóm công nhân này có hẳn một bộ phận giặt giũ quần áo bảo hộ. Một bếp cơm cũng được thành lập và đặt ngay sau khu nhà hành chính, hằng ngày đều đỏ lửa để cung cấp những bữa ăn giàu dinh dưỡng và chuyển vào khu sản xuất cho công nhân.
Chưa bao giờ, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương sử dụng nhiều vôi bột và thuốc khử trùng nhiều như năm nay. Ông Nguyễn Quý Khiêm cho biết, 10 tháng đầu năm, đơn vị này sử dụng hết 98 tấn vôi bột, còn dung dịch thuốc khử trùng thì mỗi ngày 25.000 lít. Diện tích trung tâm 8,5 ha, trừ đi 2,8 ha ao hồ, còn lại tất cả đường đi, xung quanh khu chuồng trại trắng xoá một màu vôi. Ngay cả cỏ cũng không mọc nổi vì cứ một tháng một lần, các khoảnh đất trống lại được cuốc lên và rắc vôi. Thuốc sát trùng thì 2 ngày phun 1 lần.
Lao đao vì gia cầm ứ đọng
Cũng như 8 triệu hộ chăn nuôi, Trung tâm Thuỵ Phương đang gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng ứ đọng gia cầm. Bình thường mỗi năm đơn vị này cung cấp chừng 100.000 gà bố mẹ, khoảng 40.000 gà giống lai tạo cho các cơ sở chăn nuôi và đưa ra thị trường khoảng 1,2-1,5 triệu con gà thịt. Riêng về ngan Pháp, mỗi năm cung cấp khoảng 200-300 nghìn con thương phẩm. Tuy nhiên, dịch cúm đã lan tới 22 tỉnh thành, bà con chẳng ai dám chăn nuôi, nguồn giống và ngay cả gia cầm thương phẩm chẳng tìm được đầu ra.
![]() |
Đàn gà giống Ai Cập. Ảnh: Trung tâm Thuỵ Phương |
"Tháng 11 vừa qua, trung tâm đã phải tiêu hủy gần 50 nghìn con gà lông phượng, gà lai. Mấy chục nghìn trứng gà giống đáng ra phải để ấp, nhưng vì không tiêu thụ đành bán trứng. Nguồn thu của trung tâm bây giờ chỉ còn 40-50 triệu đồng một tháng, giảm 1/6 so với trước", ông Khiêm nói. Cũng vì cúm, sản xuất của đơn vị đã bị thu hẹp, công nhân phải thay phiên nghỉ, ngày công giảm từ 30 xuống còn 20.
Giống không bán được, chi phí thức ăn cho đàn giống gốc, thuốc sát trùng ngày một tăng đã đẩy trung tâm vào thế khó khăn. Cả ban giám đốc như ngồi trên đống lửa khi thấy người tiêu dùng quay lưng với gia cầm, người chăn nuôi bỏ đói gà, vịt. Một giải pháp được đưa ra và bắt đầu phát huy hiệu quả, đó là sản xuất gia cầm sạch mang thương hiệu Thuỵ Phương. Tận dụng dây chuyền giết mổ gia cầm sạch từ đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cuối tháng 11, Trung tâm này đã giết mổ đàn gia cầm thương phẩm của mình để bán ra thị trường.
"Ban đầu chỉ dám bán cho người dân xung quanh. Họ biết gia cầm ở đây nuôi giữ sạch nên mỗi ngày cũng tiêu thụ được 200 con. Bây giờ nhiều người dân đã quay lại với gia cầm, một số siêu thị đã đến đặt vấn đề mua sản phẩm. Đây là một tín hiệu vui", ông Khiêm hy vọng.
Như Trang
Theo dòng sự kiện: |
▪ Chung quanh vấn đề đào tạo nhân lực của ngành du lịch (14/12/2005)
▪ Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì chủ nghĩa xã hội (14/12/2005)
▪ Nên có chế độ hợp lý cho cán bộ công trường 06 (14/12/2005)
▪ Nhiều cây rơm ở Quảng Nam liên tục bị đốt cháy (14/12/2005)
▪ Công nhân bị ngộ độc liên tục vì thức ăn 'bèo' (14/12/2005)
▪ Hà Nội hủy bỏ quy định ngừng đăng ký xe máy (14/12/2005)
▪ Giết mổ gia súc: “Mặt trận” chống dịch bị bỏ quên? (13/12/2005)
▪ Những nghịch lý từ… “đuôi xe máy''! (14/12/2005)
▪ Quảng Nam: Một chiến sĩ công an mất tích vì mưa lũ (14/12/2005)
▪ Hôm nay, Đà Nẵng bãi bỏ hạn chế đăng ký xe máy (14/12/2005)