Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày tết: Đỡ hơn nhưng chưa yên tâm
Các Website khác - 15/01/2009

* Rau củ quả còn đáng ngờ!

Bánh kẹo, thực phẩm tết đang được bày bán nhiều tại các chợ ở TP.HCM. Theo ghi nhận, tình hình vệ sinh thực phẩm tại các chợ năm nay có chuyển biến hơn trước, tuy nhiên người mua chưa thật sự an tâm khi thực phẩm không rõ nhãn mác, nhuộm phẩm màu…vẫn còn xuất hiện khắp nơi. 


Người bán hàng đặt bàn chân chạm vào mứt tết (ảnh chụp chiều 14-1 tại chợ Bình Tây, Q.6, TP.HCM) - Ảnh: Minh Đức

Tại chợ Tân Bình, năm nay số lượng quầy bán bánh kẹo chỉ còn 12 quầy, giảm hơn phân nửa so với năm trước. Đa số mặt hàng trưng bày ở đây là mứt bí đao, mứt me, mãng cầu, các loại kẹo, hạt dẻ, hạt dưa... được vô hộp, che đậy cẩn thận. Một số loại trái cây ngào đường, mứt gừng cũng được bỏ vô những khay lớn và phủ lớp bao nilông trong suốt. Tuy nhiên, hầu hết các loại mứt này được nhuộm phẩm màu và không ghi cơ sở sản xuất cũng như hạn sử dụng.

Chợ: tràn ngập thực phẩm không nhãn mác

Sáng 13-1, có mặt tại khu B chợ Tân Bình, một dãy quầy sạp bán sỉ và lẻ tôm khô, cá khô, khô bò, khô mực tẩm ướp cán mỏng... để trần lẫn với đủ loại mứt đựng trong các bao, thùng mở toang miệng - từ mứt bí, mứt dừa đủ màu xanh, hồng, mứt gừng, mứt hạt sen, mứt chùm ruột, kẹo dẻo đủ hình dạng, đủ màu... Có quầy đặt chiếc cân ngay trên mặt đất dọc đường đi để cân kẹo, giữa đông nghẹt người chen lấn mua bán, khuân vác đủ thứ hàng cồng kềnh khác. Người bán bốc tay hết khô mực đến mứt… Ai cũng có thể được mời ăn thử, nếm thử.

Chị H., một chủ quầy tại chợ này, cho biết các loại mứt được mua tại các lò khu vực ngoại thành. Nếu tới lò thì họ đưa giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho coi, còn mua ngoài đường thì không có giấy chứng nhận.


Những kiểu làm mứt như thế này vẫn chưa đảm bảo vệ sinh (ảnh chụp một lò làm mứt tại cư xá Đường Sắt, P.1, Q.3, TP.HCM)

Không chỉ những mặt hàng trong nước, tại chợ Tân Bình, Bình Tây cũng có một số loại bánh kẹo Trung Quốc. Nhưng theo nhiều tiểu thương, mặt hàng Trung Quốc năm nay chỉ chiếm 10-20% tại các quầy sạp nhưng chủ yếu trưng bày cho có chứ rất ít khách hàng mua. Tại chợ Bình Tây cũng như nhiều chợ khác, hầu như các loại bánh mứt đều nhuộm đủ màu và không nhãn mác, trừ những loại bánh kẹo có bao bì, hộp. 

Vào chợ Phạm Văn Hai, ngay bên trái bãi giữ xe là một dãy bán bánh mứt đủ loại. Người bán giới thiệu cứ yên tâm mua vì hàng này của VN làm rất ngon, không phải hàng của Trung Quốc. Có người mua mấy ký để gửi sang Mỹ làm quà. Mứt dừa cũng đa dạng: mứt dừa sợi và mứt dừa miếng (làm từ dừa non) với đủ màu từ hồng xác pháo, xanh dứa, vàng, nâu, màu trắng nguyên thủy, mứt gừng cũng được nhuộm vàng...

Người bán xởi lởi: “Đừng ham mứt màu sậm vì nhuộm phẩm màu công nghiệp, còn quầy của chị mứt dừa có màu từ màu thực phẩm, như màu xanh là từ nước cốt lá dứa (nhưng khi ăn thử không thấy mùi dứa thơm - PV), mứt dừa có màu vàng là từ nước ép trái thơm, còn màu nâu thì nhuộm từ ca cao...”. Riêng màu hồng thì chị không thể “ép” cho nó có nguồn gốc từ đâu nên bỏ qua, không giới thiệu!

Cơ sở làm mứt: “vô tư” để ra đường

Trở lại xóm làm mứt tại khu cư xá Đường Sắt, P.1, Q.3 trong những ngày này, chúng tôi thấy các loại mứt như mãng cầu, mứt me, xí muội... vẫn được người dân bày ra trước lề đường để vô bao bì, sau khi đã qua công đoạn chế biến. Tại một căn phòng rộng khoảng 4m2, một phụ nữ đang bày đống xí muội me đựng trong một cái khay để vô bao bì. Lâu lâu một em bé chạy tới dùng tay bốc một ít đưa lên miệng mút. Người phụ nữ cho biết các chủ lò mứt thuê chị vô bao bì trước khi đưa ra chợ bán. Trung bình mỗi ngày chị cùng ba người nữa vô bao bì khoảng 50kg mứt các loại.


Nhiều loại mứt được trưng bày ngay cửa ra vào chợ Bình Tây nhưng không gắn nhãn mác - Ảnh: Q.Khải

Đi sâu vào bên trong xóm mứt này, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cảnh trộn, nhào, nấu mứt ngay trên lề đường. Sâu trong con hẻm thuộc đường Lý Thái Tổ, một thanh niên đang dùng cây gỗ lớn khuấy đều một nồi mãng cầu đã được bóc vỏ đặt trên bếp lớn nấu bằng gas, bày ngay trên hẻm. Cách đó không xa, ba thau lớn đựng mãng cầu đã bóc vỏ nhưng vẫn còn những đốm đen bám phía trên. Bên trong căn nhà gần chục nam nữ dùng tay không đang nhanh nhảu lấy mứt bỏ vào bọc gói…

Một phụ nữ xưng là chủ lò mứt này cho biết thêm theo quy trình, sau khi ngào mứt xong phải đem ra ngoài phơi khô nhưng nay do đắt hàng nên sấy mới kịp.

Chúng tôi nói với chủ cơ sở muốn mua mứt nhưng băn khoăn không biết cơ sở có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chức năng hay không thì người phụ nữ này nói: “Giấy cất trong tủ nhưng người nhà đã mang chìa khóa đi rồi”.

QUANG KHẢI - KIM SƠN

.....................

Rau củ quả còn đáng ngờ!

TT - Các loại củ hiện “dẫn đầu bảng về tỉ lệ nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép”, kế đến là rau ăn lá. Có những loại rau ăn lá có tỉ lệ nhiễm lên tới hơn 40%. PV Tuổi Trẻ đã ghi nhận được những thông tin trên khi theo chân đoàn kiểm tra liên ngành đêm 8 rạng sáng 9-1.

23g đêm, đoàn thanh tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tết gồm các đơn vị liên quan đã có mặt tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (còn gọi là chợ đầu mối Tân Xuân), TP.HCM để kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản và sản phẩm động vật.

Dư lượng thuốc trừ sâu cao

Ngay trong đêm, đoàn thanh tra liên ngành đã lấy mẫu 20 loại rau củ để kiểm định (test nhanh) dư lượng thuốc trừ sâu (nhóm lân hữu cơ và cacbamat). Kết quả, dư lượng thuốc trừ sâu ở các loại rau nói trên đều ở mức giới hạn cho phép. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng - phó giám đốc kinh doanh Công ty chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, việc giám sát dư lượng thuốc trừ sâu mới dừng lại ở mức độ định tính, chưa phải là định lượng nên chưa thể biết được mức độ ảnh hưởng của rau không an toàn đối với sức khỏe thế nào.

Tối 13 rạng sáng 14-1, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã đến kiểm tra tại chợ đầu mối Bình Điền. Báo cáo với đoàn, lãnh đạo ban quản lý chợ Bình Điền cho biết các mặt hàng nông - thủy - hải sản tập kết tại chợ Bình Điền từ 1.000-1.200 tấn/đêm. Riêng thịt heo có khoảng 2.000 con đã giết mổ đưa về đây phân phối. Hằng đêm lực lượng bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thú y... đều lấy mẫu xét nghiệm. Riêng 15 mẫu hải sản được lấy mẫu trong hai tháng qua có đến sáu mẫu dương tính với E.coli (vi khuẩn gây bệnh đường ruột).

Q.KHẢI

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm sản lượng rau củ quả vào chợ là 1.400 tấn/ngày đêm. Nguồn gốc thực phẩm do tiểu thương trao đổi trực tiếp với nhau, chưa ký kết hợp đồng. Hằng ngày, công ty kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật TP lấy năm mẫu rau củ quả bất kỳ để kiểm tra, giám sát dư lượng thuốc trừ sâu. “Dù chúng tôi rất muốn nguồn hàng của mình cung ứng đảm bảo ATVSTP nhưng chỉ trong vòng hai tiếng thì làm sao kiểm tra, giám sát hết 1.400 tấn rau củ quả đổ về? Việc lấy năm mẫu rau ngẫu nhiên kiểm định cũng như muối bỏ biển. Chưa kể khi có kết quả test nhanh thì lô hàng có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức đã… đi mất tiêu rồi” - ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết năm 2008, công ty kiểm tra nhanh 1.876 mẫu rau củ quả, qua đó phát hiện 69 mẫu vượt, chiếm tỉ lệ 3,68%. So với năm 2007 đã giảm 1,87%. Trong đó 5,45% mẫu rau ăn củ, 4,95% mẫu rau ăn lá, 2,25% trái cây và 0,09% rau ăn quả có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức. 

Qua so sánh nguồn gốc mặt hàng nông sản có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho thấy có gần 41% mẫu rau răm, rau má, hẹ, húng, ngò gai, cần tàu, mồng tơi, hành lá được giám sát có nguồn gốc từ Tiền Giang có dư lượng thuốc trừ sâu cao quá mức cho phép (năm 2007 chỉ có hơn 24,5%); củ hành, củ tỏi,  khoai tây nguồn gốc từ Trung Quốc có hơn 17% mẫu vượt; các loại xà lách, su hào, tần ô, khoai tây, hành lá có nguồn gốc từ Đà Lạt có gần 16% mẫu vượt. Ngoài ra, một số loại rau củ quả khác của một số địa phương như cà rốt, hành tây, gừng, chanh, ớt, mãng cầu, ổi, bưởi, bơ cũng có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức.

Chỉ nhắc nhở, không thể xử phạt

Ông Dũng cho biết phương pháp phân tích nhanh GT-test kit (chỉ định tính) để đánh giá tồn dư thuốc trừ sâu trên rau hiện chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt. Do đó, việc giám sát mới chỉ dừng lại ở mức thăm dò diễn biến dư lượng thuốc trừ sâu để bước đầu cảnh báo người sản xuất, người tiêu dùng về nguy cơ ngộ độc cấp tính. Đồng thời công ty thông báo cho chi cục bảo vệ thực vật ở các địa phương có nguồn hàng thường xuyên vượt mức dư lượng thuốc trừ sâu tăng cường công tác kiểm tra tại vùng sản xuất…

Về phía công ty, khi phát hiện rau củ quả có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép, công ty mời tiểu thương lên lập biên bản, làm cam kết về việc đảm bảo ATVSTP. Đồng thời đề nghị tiểu thương thông báo với người cung cấp hàng những mặt hàng có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức để nơi sản xuất điều chỉnh lượng thuốc phun hoặc đảm bảo thời gian cách ly rau an toàn và cam kết không tái phạm.

Ông Dũng cho rằng để giám sát được ATVSTP với các loại rau củ quả đòi hỏi phải có sự phối hợp của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh.  

Theo Tuoi Tre Online