Vĩnh Long: Người nhiễm HIV/AIDS khó khăn trong chi trả điều trị
Báo Tiếng Chuông - 28/07/2017
Bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long gặp khó khăn trong điều trị, do năm 2017 kết thúc dự án phòng chống HIV/AIDS từ nước ngoài, chỉ còn hỗ trợ thuốc ARV. Đặc biệt đối với bệnh nhân HIV/AIDS không có bảo hiểm y tế (BHYT) không đủ khả năng chi trả chi phí điều trị.
Diễu hành truyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh

 

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Vĩnh Long, hiện chỉ có 654/1091 bệnh nhân HIV/AIDS có tham gia BHYT, chiếm 60%. Trong số này người bệnh mua BHYT theo hộ gia đình chiếm 72%.

Có nhiều nguyên nhân bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không mua được BHYT: do khó khăn kinh tế, vướng về thủ tục hành chính không có giấy CMND, không có hộ khẩu và người nhiễm HIV khai không rõ địa chỉ (người bệnh giấu).

Bình quân điều trị bệnh nhân nhiễm HIV khoảng 1 triệu đồng/tháng, với mức chi phí này bệnh nhân không đủ khả năng chi trả. Trong khi đó, bệnh nhân nhiễm HIV không điều trị liên tục, đầy đủ sẽ tác động xấu đến sức khỏe.

Để các bệnh nhân nhiễm HIV điều trị liên tục, bảo đảm sức khỏe và dự phòng lây lan ra cộng đồng thì cần có hỗ trợ từ BHYT. Một số ý kiến cho rằng, người nhiễm HIV cần được mua BHYT cá nhân; BHYT nâng trần thanh toán đơn thuốc ngoại trú để bệnh nhân không phải đi lãnh thuốc nhiều lần trong tháng…

Tính đến thời điểm hiện tại, số tích lũy nhiễm HIV là 2.755 người, trong đó 1.497 trường hợp chuyển sang AIDS, 782 trường hợp tử vong do AIDS. Thành phố Vĩnh Long là nơi có số người nhiễm HIV cao nhất với  978 người  chiếm tỷ lệ 35,6%, kế đến là Thị xã Bình Minh có 404 người chiếm tỷ lệ 14,7% và thấp nhất là huyện Mang Thít có 143 người chiếm tỷ lệ 5,1%.

Tình hình dịch HIV trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng, nhóm đối tượng đáng chú ý là nhóm nghiện chích ma túy và vợ/chồng người nhiễm. Nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ mang thai mới phát hiện bắt đầu tăng, điều này dự báo số trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng sẽ tăng trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu cũng đang có chiều hướng tăng.

Hình thái dịch HIV/AIDS vẫn còn tập trung ở nhóm nam nhiều hơn nữ và đa số thuộc độ tuổi từ 26-49 tuổi dự báo tình hình lây nhiễm HIV qua đường tình dục có chiều hướng tăng trong thời gian tới nếu không thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại trong nhóm người nhiễm mới này và truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.

Trong các nhóm đối tượng nguy cơ, nhóm phụ nữ mang thai và nhóm thanh niên nhập ngũ được coi là nhóm nguy cơ thấp nên khi nhiễm HIV xuất hiện ở nhóm này đã chứng tỏ dịch nhiễm HIV đã bắt đầu lan rộng ra cộng đồng.