Vụ điện kế điện tử: Liên tục cố ý làm trái!
Các Website khác - 17/08/2005

Sau một thời gian tiến hành làm rõ về những chiếc điện kế điện tử (ĐKĐT) “dỏm”. Đến nay, các cơ quan chức năng đã có cơ sở kết luận: Công ty Điện lực TP.HCM có hàng loạt hành vi cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng!

Nhiều sai phạm trong đấu thầu

Qua xem xét hồ sơ, cùng với các văn bản giải trình và làm việc trực tiếp với một số cá nhân liên quan, cơ quan chức năng cho biết tổ chuyên gia xét thầu hồ sơ dự thầu không hiểu vì sao giám đốc Lê Minh Hoàng giao cho phó giám đốc phụ trách kinh doanh Lê Văn Hoành (đã bị cho thôi chức) làm tổ trưởng, trong khi theo qui định của Tổng công ty Điện lực VN (EVN), nhiệm vụ này phải do một phó giám đốc kỹ thuật phụ trách.

Nghiêm trọng hơn, qua kiểm tra biên bản mở thầu và biên bản tổng hợp mở thầu ngày 10-12-2003, cơ quan chức năng phát hiện trong biên bản đánh máy có dòng chữ “có 3 hộp mẫu” được viết tay chèn vào phần của Công ty Linkton mà không có chữ ký xác nhận của đại diện bên mời thầu và đại diện nhà thầu.

Theo bút tích tại văn bản ngày 11-12-2003 của Công ty Điện lực TP, Công ty Linkton nộp hai điện kế mẫu cho côngtơ 3 pha, cáp quang và phần mềm vào ngày 15-12-2003. Như vậy, dòng chữ “có 3 hộp mẫu” nêu trên tại biên bản mở thầu là không phù hợp thực tế, vì đến ngày 15-12-2003 nhà thầu Linkton mới nộp đủ ba điện kế mẫu. Theo cơ quan chức năng, đây là “việc làm tùy tiện của nhóm mở thầu”. Theo qui định, hàng sản xuất trong nước hoặc hàng có nguồn gốc nước ngoài nhưng đã có sẵn trong nước phải chào tới kho người mua, nếu chào sai cách thức này sẽ bị loại. Thế nhưng, dù hồ sơ dự thầu của Linkton chào ĐKĐT là hàng nhập từ Singapore nhưng lại chào giá giao tại kho của công ty mà vẫn được chấp nhận. Đồng thời trong báo cáo đánh giá về mặt kỹ thuật, ông Thiều Túc - phó giám đốc Trung tâm Thí nghiệm điện - cũng chỉ rõ nhà thầu Linkton “chào điện kế hiệu LTE-66 220VAC-10 (40)A của Công ty Linkton Vina”.

Nhưng trong bản đánh giá về mặt kỹ thuật hồ sơ chào thầu ngày 6-1-2004, nhóm chuyên viên kỹ thuật, nhóm chuyên gia kỹ thuật và tổ trưởng tổ chuyên gia xét thầu lại ghi: “Nhà thầu chào mẫu điện kế mã hiệu LTE-66 220 VAC-10(40)A của Hãng Linkton sản xuất tại Singapore”; còn điện kế mẫu của nhà thầu này lại mang mã hiệu LTE66 240V-10(40)A, class1 - theo cơ quan chức năng là “không đúng sự thật”.

Làm ngơ hay tiếp tay?

Ngày 31-12-2003, Công ty Điện lực TP có văn bản yêu cầu nhà thầu Linkton phải làm rõ về điều kiện chào hàng tới kho trong hồ sơ dự thầu, trong văn bản này có nêu “thư làm rõ phải được người ký đơn dự thầu ký tên, niêm phong và gửi đến người mua chậm nhất là ngày 2-1-2004”, nếu chậm làm rõ thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị xem là không đáp ứng và sẽ bị loại. Thế nhưng, đến ngày 5-1-2004 nhà thầu Linkton mới có văn bản làm rõ và văn bản này, theo cơ quan chức năng, “đã tạo điều kiện cho nhà thầu Linkton có thể thay đổi cơ bản các điều kiện mời thầu…”.

Không những thế, Công ty Điện lực TP còn chấp nhận một giấy phép đăng ký kinh doanh… không ghi ngành nghề kinh doanh của nhà thầu Linkton; giấy bảo lãnh dự thầu của nhà thầu Linkton đề ngày phát hành là 10-12-2003, trong khi thời gian đóng thầu lúc 11 giờ ngày 9-12-2003, tức là trước một ngày, nhưng cuối cùng nhà sản xuất… gạch Linkton Singapore vẫn trúng thầu, mà “đáng lẽ ra phải loại bỏ nhà thầu này từ bước đánh giá sơ bộ”.

Theo qui định, sau khi trúng thầu Công ty Điện lực TP phải mời đơn vị trúng thầu là Linkton đến thương thảo và ký kết hợp đồng, nhưng công ty cũng đã bỏ qua khâu này. Tại thời điểm ký kết hợp đồng giấy phép đăng ký kinh doanh của Linkton đã hết hiệu lực nhưng Công ty Điện lực… không có ý kiến gì!

Mặt khác, trong nội dung hợp đồng, tại điều 6 có sự thay đổi lớn so với hồ sơ mời thầu, điều này chứng tỏ Công ty Điện lực TP đã “chấp nhận cho phép nhà thầu Linkton cung cấp tài liệu giao hàng như là tài liệu giao hàng đối với hàng hóa có sẵn trong nước giao tại kho”.

Sau khi thực hiện hết những hành vi mở thầu, trúng thầu đầy mờ ám, Công ty Điện lực TP được EVN duyệt gói thầu 40.000 ĐKĐT với giá 340.000đ/chiếc. Để dễ dàng nâng khống giá, lãnh đạo Công ty Điện lực TP đã cho chẻ nhỏ lô hàng. Và sau khi thực hiện trót lọt lô hàng 10.000 ĐKĐT đầu tiên thì Công ty Điện lực TP lại ký tiếp 13 hợp đồng (từ 18-2 đến 6-12-2004) cung cấp ĐKĐT với nhà thầu Linkton theo hình thức mua sắm trực tiếp, số lượng lên đến 312.000 chiếc.

Theo tính toán, so với mức giá EVN duyệt với giá nâng khống, số tiền chênh lệch từ việc mua 312.000 ĐKĐT lên đến 67,2 tỉ đồng. Lạ lùng hơn, từ hợp đồng thứ tư trở đi, Công ty Điện lực lại chấp nhận đề nghị của nhà thầu là… nhà thầu không cần nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Như vậy, dù có hành vi lừa đảo thì nhà thầu Linkton cũng không bị ràng buộc một trách nhiệm nào với sự “ưu ái” đến khó hiểu của những người có trách nhiệm ở Công ty Điện lực TP.

Đằng sau tất cả những chuyện biết mà vẫn cố tình “làm ngơ” ấy là gì? Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, đó không chỉ là hành vi cố ý làm trái các qui định của Nhà nước gây thiệt hại hơn 177 tỉ đồng vì 312.000 chiếc ĐKĐT “dỏm”, mà còn là sự “ưu ái” bất thường cho loại “công ty một nhà” của một số cá nhân ở Công ty Điện lực TP nhằm mục đích hưởng lợi riêng, cần mở rộng điều tra làm rõ.

Ngày 18-5-2004, Trung tâm Thí nghiệm điện báo cáo Công ty Điện lực TP biết ĐKĐT do Linkton cung cấp có biên độ hiệu chỉnh sai số quá lớn (-16% đến + 26%), không đạt các yêu cầu kỹ thuật trong hợp đồng là biên độ hiệu chỉnh phải nằm trong dải (-2% đến +2%).

Trung tâm cũng báo cáo là không có tài liệu kỹ thuật, chứng chỉ kiểm nghiệm xuất xưởng, báo cáo thử nghiệm điển hình, chứng chỉ chất lượng, 25 bộ đầu thu phát sóng, 1 bộ phần mềm đọc chỉ số nên trung tâm không thể thử nghiệm đầy đủ các đặc tính kỹ thuật của ĐKĐT.

- Ngày 27-5, phòng vật tư Công ty Điện lực TP có văn bản cho Trung tâm Thí nghiệm điện đề nghị trả lại cho Công ty Linkton toàn bộ số điện kế không đạt yêu cầu. Tiếp đó, Trung tâm Thí nghiệm điện đã trả lại cho Công ty Linkton Vina, đợt 1: 7.400 ĐKĐT; đợt 2: 5.600 ĐKĐT. Tuy nhiên, ngày 4-6-2004, phòng vật tư công ty lại có văn bản cho Trung tâm Thí nghiệm điện đề nghị nhận lại toàn bộ số điện kế không đạt yêu cầu đã giao trả cho Công ty Linkton.

- Ngày 9-6-2004, hội đồng nghiệm thu gồm có đại diện phòng vật tư (ông Nguyễn Minh Hải), đại diện phòng kinh doanh (ông Lê Hoàng Việt) và đại diện Trung tâm Thí nghiệm điện (ông Lương Minh Hoàng) đã tiến hành kiểm tra và đồng ý nghiệm thu lô hàng nói trên chấp thuận nhập kho đưa vào sử dụng - mặc dù có rất nhiều thiếu sót như chứng chỉ kiểm nghiệm xuất xưởng chỉ có chữ ký của người phê duyệt mà không có chữ ký của người thực hiện và người kiểm tra, hàng hóa của Công ty Linkton Singapore nhưng bản kê đóng gói chi tiết lại là của Công ty Linkton Vina, hàng hóa của Công ty Linkton Singapore nhưng hóa đơn lại do Công ty Linkton Vina phát hành…

Theo TTO