Cuộc sống trên quê mới Ðèo Hoa
Một ngày tháng 7, chúng tôi về thôn Ðèo Hoa, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, là nơi tái định cư của 34 hộ gia đình Nà Cọm, xã Thúy Loa, huyện Nà Hang. Giữa thôn là con đường to được rải cấp phối, hai bên đường có rãnh thoát nước, hàng cột điện thẳng tắp với đèn đường mang dáng vẻ một khu phố, phố tái định cư.
Ðang vào ngày mùa nên giữa giờ chiều hầu như khu phố mới chỉ còn trẻ con, đám trẻ rủ nhau túm tụm ở vài nhà đọc truyện, xem ti-vi. Ở đây bắt được hai kênh VTV1, VTV3 và Ðài Truyền hình tỉnh. Cuối phố là gia đình anh Nông Văn Tơ, nguyên là cán bộ địa chính xã Thúy Loa. Ngôi nhà sàn của anh được chuyển về đây dựng lại. Nhà trước đây lợp lá nay được thay bằng ngói, các cửa ra vào, cửa sổ đánh véc-ni bóng loáng. Trên cây cột giữa nhà, trước chị treo sừng nai, sừng dê, nay thay bằng hai cây quạt. Anh Tơ cho biết, gia đình anh rời Nà Cọm về đây. Mặc dù trước khi chuyển đã được xuống tận nơi xem, nhận đất nhưng vẫn thấy bâng khuâng. Nhà anh cũng như bao gia đình khác khi tái định cư được giao 300 m2 đất ở và mỗi khẩu được 461m2 đất ruộng. Ngay vụ đầu tiên (vụ xuân 2005) đã kịp trồng lúa, năng suất đạt 2 tạ/sào, anh bảo, thấp hơn bà con ở đây nhưng thế là thắng lợi.
- Cuộc sống của anh giờ thế nào?
Chẳng vội trả lời, anh Tơ dẫn chúng tôi đi một vòng thăm nhà. Khu chuồng lợn, chuồng trâu, nhà vệ sinh được bố trí gọn ở cuối vườn. Nước máy bắc về ngay chân cầu thang. Cạnh những luống rau xanh mướt là một luống hoa hướng dương, cây cao vượt đầu người, bông to như chiếc đĩa lớn. Anh bảo, khi chuyển nhà các cháu mang theo hạt giống, về đây gieo thử thế mà lên tốt. Theo cái nghĩ của đồng bào thế là đất lành, yên tâm rồi.
Rời Ðèo Hoa, chúng tôi xuôi về thôn Xuân Bình, xã Ðội Bình (cùng huyện). Ðây là điểm tái định cư mẫu được tỉnh Tuyên Quang tổ chức từ tháng 5-2002. Thôn có 58 hộ gia đình thì có 33 hộ từ các thôn Bắc Dòn 1, Bắc Dòn 2 và Yên Xuân 2, xã Xuân Tiến (Nà Hang) về tái định cư. Ngay sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở, bà con Xuân Bình đã bắt tay vào sản xuất. Ðiểm nổi bật ở đây là "dám" sản xuất thóc, ngô giống. Tuy chăm sóc có phần vất vả hơn nhưng theo các anh Trần Xuân Tịch, Nguyễn Văn Thêm, Hoàng Văn Hùng thì sản xuất giống lãi gấp bốn, năm lần và được Công ty Giống - Vật tư nông lâm nghiệp của tỉnh thu mua toàn bộ. Thóc giống, ngô giống từ Xuân Bình đã được cung cấp cho nhiều xã trong tỉnh. Năng động, dám làm, cuộc sống của bà con Xuân Bình ngày một khấm khá, không có hộ nghèo.
Những giải pháp đồng bộ trong di dân tái định cư
Lòng hồ thủy điện Tuyên Quang có dung tích 2.260 triệu m3 diện tích mặt nước, gần 8.000 ha. Như vậy, kể cả mặt bằng công trình chính và lòng hồ phải di chuyển 4.018 hộ với 19.637 nhân khẩu ở 78 thôn thuộc 11 xã, thị trấn.
Các điểm tái định cư được chọn đều bảo đảm có nguồn nước sinh hoạt, có đất, ruộng, vườn, xây dựng đường điện, đường giao thông và hệ thống cấp nước sinh hoạt, hơn nữa việc bố trí điểm tái định cư phải có những nét tương đồng về phong tục. Vì vậy, sau hơn hai năm thực hiện đã vận động được 2.934 hộ với 14.234 khẩu tái định cư. Ngoài việc bố trí để các hộ gia đình đến xem đất trước khi di chuyển, các cơ quan, đoàn thể được vận động tới giúp dân vận chuyển đồ đạc, tài sản và ngay khi về nơi ở mới đã tổ chức giúp dựng nhà, ổn định cuộc sống, tiếp đó hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành rà soát đất rừng để giao cho dân tái định cư, dự kiến mỗi hộ khoảng 0,5 ha để phục vụ chăn nuôi gia súc và bảo đảm chất đốt.
Nói về kinh nghiệm thực hiện di dân tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang, ông Chẩu Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết:
Tỉnh đã lập, thẩm định và phê duyệt dự toán bồi thường để kịp thời, thanh toán cho các hộ trước khi di chuyển, trước khi thanh toán mọi kiến nghị, thắc mắc của các hộ dân phải được giải quyết kịp thời, những nội dung thiếu sót, phát sinh được tổng hợp để tính bổ sung, bảo đảm cho các hộ yên tâm di chuyển đến nơi ở mới.
- Công tác chuẩn bị các khu tái định cư phải được thực hiện xong trước khi đón nhận dân bảo đảm tốt hơn hoặc tối thiểu phải bằng nơi ở cũ và người dân sở tại phải chia sẻ cũng được hưởng lợi từ dự án; trường hợp cần phải đón nhận dân ngay cũng phải chuẩn bị tốt các điều kiện thiết yếu tại khu tái định cư (đất sản xuất, mặt bằng khu dân cư, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, đường nội bộ...) phục vụ được ngay khi dân về.
Tỉnh Tuyên Quang đặt ra kế hoạch hết tháng 11-2005 sẽ hoàn thành việc di dân tái định cư (tháng 4-2006 sẽ đóng cống dẫn dòng công trình thủy điện). Ðến nay việc xây dựng mặt bằng bố trí cho số hộ dân tái định cư còn lại đã cơ bản được hoàn thành, tỉnh cũng triển khai thực hiện việc thu lâm sản, hoàn thành quy hoạch bảo vệ văn hóa vật thể, phi vật thể vùng lòng hồ trước khi ngập nước. Ðồng thời hoàn thiện xây dựng đường giao thông, khu trung tâm xã và cụm xã ở những xã không bị ngập.
Tuy nhiên, theo ông Chẩu Văn Lâm, quy hoạch tổng thể di dân tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời việc phê chuẩn điều chỉnh địa giới hành chính ở tám xã và một thị trấn cũng cần sớm được thực hiện để bảo đảm quyền lợi của người dân và đưa các hoạt động chính trị - xã hội ở các xã này vào hoạt động.
|