Xã hội hóa phá trì trệ
Các Website khác - 23/08/2005
Ca phẫu thuật tại bệnh viện tư nhân.

Lĩnh vực “kiêng kỵ” là văn hóa giờ cũng đang tăng tốc xã hội hoá. Chỉ việc xuất bản và báo chí chưa cho tư nhân tham gia, còn lại đều khuyến khích. Các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, thể dục - thể thao đều “mở” hết sức...

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đánh giá như vậy tại hội nghị đẩy mạnh xã hội hóa diễn ra ngày 22/8 tại TP HCM.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Phan Quang Trung, cách để Nhà nước kích thích xã hội hoá mạnh mẽ giáo dục trên diện rộng là từ "năm 2008 sẽ không cấp 100% kinh phí cho lĩnh vực đào tạo, kể cả đó là vùng sâu, vùng xa”.

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, nhà nước đang điều chỉnh ngân sách cho giáo dục từ 18% lên 20% trong 5 năm tới. Số đầu tư tăng thêm này không phải để “bơm” đều cho ngành giáo dục mà chỉ tập trung vào những vùng còn quá khó khăn. Còn những vùng kinh tế phát triển, căn cơ là vẫn tăng tốc xã hội hoá...

TP HCM được đánh giá là địa phương làm rất tốt xã hội hoá giáo dục, trong đó có việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo.

“Xã hội hoá lĩnh vực dạy nghề được coi là diễn biến (tự nhiên) mạnh mẽ nhất”, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh xã hội Nguyễn Lương Trào nhận định. Cứ 1,1 triệu người được đào tạo nghề/năm thì có 950.000 người tự lo kinh phí học tập. Theo ông Trào, quá trình hội nhập quốc tế càng cho thấy xu hướng xã hội hoá lĩnh vực dạy nghề mạnh mẽ.

Chính phủ đang xây dựng việc công nhận chứng chỉ nghề với các nước trong khu vực giống như công nhận bằng cấp trong giáo dục.

Y tế cũng là lĩnh vực được xã hội hoá mạnh mẽ. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm cho biết, số phòng khám tư nhân từ năm 1994 đến 2002 đã tăng hơn 30 lần, với 30.000 phòng. Hiện nay, con số này tăng thêm gần 1/2.

Hiện có 42 bệnh viện ngoài công lập với gần 3.500 giường bệnh, chiếm 3% số giường bệnh trong cả nước, chủ yếu ở các thành phố lớn. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng để xã hội góp vốn vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

“Bao cấp về chăm sóc sức khỏe còn quá lớn. Vì thế đóng bảo hiểm y tế là một nội dung quan trọng của xã hội hoá y tế... Số người đóng bảo hiểm y tế là 20%, phấn đấu đến 2010 sẽ đạt 76%”, ông Khiêm nói. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng điều trị bảo hiểm y tế chưa cao là điều cần khắc phục.

Cũng giống như giáo dục, xã hội hoá y tế diễn ra mạnh mẽ ở các đô thị lớn, vùng kinh tế phát triển. Theo thứ trưởng Trần Chí Liêm, hiện Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo nhưng “sẽ xã hội hoá một số công đoạn trong bệnh viện công. Chẳng hạn, công đoạn cấp cứu, chẩn đoán bằng phương tiện y khoa hiện đại...

Ở lĩnh vực thể dục - thể thao, Phó thủ tướng nhìn nhận: “Đây là lĩnh vực dễ xã hội hoá nhất". Điều này được thể hiện qua việc hình thành các liên đoàn bộ môn thể thao; đưa thể thao về nông thôn và khuyến khích tư nhân đầu tư hạ tầng, kể cả việc cho các đội tuyển quốc gia thuê cơ sở tập luyện...

(Theo Tuổi Trẻ)