Xây dựng xã, phường lành mạnh: Còn những khó khăn
Báo Tiếng chuông - 11/02/2017
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/2005/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTT-UBTƯMTTQVN về “Quy định và hướng dẫn nội dung hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm” (NQLT01), công tác xây dựng xã, phường lành mạnh trên cả nước đạt nhiều kết quả đáng kể. Số xã, phường có tệ nạn ma túy, mại dâm giảm mạnh. Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Những kết quả khả quan

Trong những năm qua, NQLT01 vừa là văn bản hướng dẫn cụ thể của liên Bộ, ngành trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH) và xây dựng đời sống văn hóa, tập hợp sự đoàn kết của toàn dân, vừa là công cụ, thước đo đánh giá công tác phòng chống TNXH nên việc thực hiện NQLT01 góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ an ninh trật tự ở xã, phường, thị trấn.

 

Ảnh minh họa. Nguồn internet

 

Các Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ trách nhiệm, có sự quan tâm tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng xã, phường lành mạnh (XPLM), cụ thể, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thống nhất xây dựng kế hoạch liên ngành hướng dẫn các huyện, quận, xã, phường, thị trấn thực hiện 5 nội dung công tác xây dựng XPLM. Hàng năm, Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố đều thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm tại các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời chọn ngẫu nhiên một xã, phường, thị trấn để kiểm tra giám sát việc phân loại chấm điểm đánh giá.

Hoạt động đăng ký, xây dựng duy trì XPLM tạo nên phong trào thi đua có ý nghĩa lan tỏa tích cực trong tất cả các địa bàn dân cư. Kết quả xếp loại XPLM hàng năm thông qua hình thức chấm điểm, công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn xã hội với các tiêu chí cụ thể có ý nghĩa giá trị thực tiễn trong đánh giá hoạt động điều hành của đảng bộ và chính quyền tại cơ sở, đồng thời, giúp cộng đồng dân cư đánh giá thực trạng công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội và các mô hình tự quản ở xã, phường, khu dân cư đã được triển khai, nhân rộng ở nhiều địa phương. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp góp phần vào việc nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng XPLM.

Nét mới trong xây dựng XPLM là ĐTN tại 40 tỉnh, thành phố đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trên địa bàn thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa phát sinh tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai và người mại dâm hoàn lương tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng.

Phân loại, chấm điểm đánh giá sự chuyển hóa của xã, phường, thị trấn qua 10 năm triển khai, thực hiện cho thấy (so sánh năm 2006 với năm 2015) nhiều kết quả khả quan trong xây dựng xã, phường lành mạnh (XPLM).

Số XPLM không có tệ nạn ma túy mại dâm tăng chiếm tỷ lệ 27% (17/63 tỉnh, thành phố), cụ thể, TP Hồ Chí Minh 176 xã phường (2006) lên 213 xã phường (2015), Sơn La 9/103, Tiền Giang 88/133, Hà Nội 23/45), Phú Thọ 98/117, Quảng Ninh 2/12…).

Số xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy giảm chiếm tỷ lệ 37% (23/63 tỉnh, thành phố), cụ thể, Hải Dương giảm từ 3 xuống 1 xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, tương tự Tuyên Quang 10/2, Nam Định 34/12, Đà Nẵng 8/1, Long An 11/0, Khánh Hòa 11/0, Cao Bằng 5/0, Bà Rịa-Vũng Tàu 5/4…

Số xã, phường trọng điểm về tệ nạn mại dâm giảm chiếm tỷ lệ 37% (23/63 tỉnh, TP), cụ thể, Hà Nội 9/0, Hải Phòng 8/5, Nam Định 7/2, Đã Nẵng 14/0, Sơn La 10/0, Trà Vinh 10/0, An Giang 7/0, Quảng Ngãi 10/2, Bình Thuận 10/6…

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, công tác chỉ đạo và xây dựng chương trình, kế hoạch hành động về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có lúc có nơi chưa được thường xuyên; một số nơi cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chư quan tâm phối hợp chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, những địa phương có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác này lúng túng trong chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện hoặc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác xây dựng XPLM chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các tỉnh, thành phố thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành hoặc thiếu sự cam kết tham gia giữa các đơn vị, công tác triển khai tại cơ sở mang tính hình thức, nhiều hoạt động bị tách rời, riêng lẻ, mỗi ngành chỉ đạo theo hệ thống dọc.

Tại các xã, phường, thị trấn kinh phí cho công tác xây dựng XPLM chưa được chủ động bố trí nên các hoạt động thường mang tính phong trào, chưa thực chất trong đánh giá, chấm điểm ở không ít địa phương, một số xã, phường thực hiện thí điểm mà chưa quan tâm duy trì ở xã, phường khác nên tệ nạn xã hội vẫn phát triển.

Một số địa phương bỏ qua quy trình phân loại, chấm điểm theo các nội dung, tiêu chí của NQLT01 nên việc đánh giá, công nhận xã phường không chính xác. Kết quả duy trì, xây dựng XPLM hoặc xã, phường đã đạt chuyển hóa trong năm chưa mang tính bền vững. Số XP, TT không có TNMT, MD có xu hướng giảm.

Nguyên nhân của những tồn tại này là do công tác xây dựng XPLM được lồng ghép với các chương trình kinh tế- xã hội trên địa bàn như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” hoặc lồng ghép trong các chương trình do chính cơ quan chủ trì thực hiện. Do vậy, ở một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thích đáng trong việc chỉ đạo, chưa thực sự vào cuộc đôn đốc việc thực hiện và giao trách nhiệm cho liên ngành, kiểm tra, bố trí nguồn lực. Có những địa phương cơ quan thành viên Liên tịch còn giao phó cho ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và có nơi thiếu chủ động đề xuất, chỉ đạo, phối hợp thực hiện;

Công tác tuyên truyền ở nhiều nơi chưa được tiến hành thường xuyên liên tục như quy định trong 5 nhiệm vụ của NQLT01, do vậy, chưa tạo được phong trào quần chúng mạnh mẽ trong xây dựng XPLM bằng các việc làm cụ thể;

Tại Bộ, ngành Trung ương, sự phân công thống nhất giữa các Bộ, ngành chưa chặt chẽ. Bên cạnh công tác xây dựng XPLM theo NQLT01 thì Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy có dự án xây dựng xã phường không có tệ nạn ma túy do ngành Công an được giao chủ trì (Chương trình mục tiêu quốc gia 2012-2015 được đầu tư kinh phí).  Sự chồng chéo trong chỉ đạo, làm phân tán nguồn lực, gây nhiều khó khăn cho hoạt động và hiệu quả. Mặt khác, các tiêu chí phân loại xã, phường về tệ nạn ma túy giữa NQLT 01 và Quyết định 3122/QĐ-BCA không đồng nhất, nên một số địa phương phân loại, đánh giá về tệ nạn ma túy theo tiêu chí của Bộ Công an, một số địa phương  khác thì phân loại theo tiêu chí của NQLT 01 đã phần nào gây khó khăn cho cơ sở trong báo cáo, thực hiện;

Các tiêu chí phân loại, chấm điểm, đánh giá, thống kê xã phường theo NQLT01/2008 có nhiều nội dung quá chi tiết, khó thực hiện, không phù hợp với khả năng, trình độ của mỗi xã phường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách, hình thức xử lý với người bán dâm, người cai nghiện ma túy hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung nên một số tiêu chí đánh giá, phân loại XP không còn phù hợp;

Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng XPLM còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc, hay có sự luân chuyển nên việc tham mưu thực hiện, nắm bắt, theo dõi, báo cáo có nhiều khó khăn.

Bài học kinh nghiệm

Trước những thực tế này, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cần phải có sự quan tâm thực sự của cấp ủy, thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan đơn vị đối với việc triển khai thực hiện

Để lãnh đạo tỉnh, thành phố quan tâm phê duyệt NQLT, tạo các điều kiện thực hiện thì liên ngành, nhất là cơ quan Chủ trì phải phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện thật cụ thể, kiên trì giải trình, thuyết minh, đồng thời, phải thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra. Kết quả tốt xây dựng XPLM hàng năm là bằng chứng thuyết phục nhất cho bảo vệ kế hoạch năm tới.

Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục luôn phải đi trước một bước, phải đến tận các đối tượng cần tuyên truyền và luôn đổi mới, đa dạng, huy động mọi lực lượng tham gia. Phải tạo được thành phong trào quần chúng.

Cốt lõi của thành công thực hiện NQLT là lồng ghép hữu cơ với các phong trào, các chương trình kinh tế- xã hội trên địa bàn.

Chú trọng xây dựng các mô hình hoạt động phù hợp trong từng lĩnh vực; phát triển các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng như các Câu lạc bộ, Nhóm đồng đẳng, Tự lực…