Xe công phải làm việc công
Các Website khác - 30/12/2005

Xe công phải làm việc công

Chuyện chiếc xe con và cán bộ nhà nước đã được bàn từ lâu. Nhưng mãi đến nay, thật khó tách bạch rõ ràng mối quan hệ này, rằng đó là xe công với người làm việc công, hay xe riêng của một ông chủ.

Về lý thuyết, tất nhiên cán bộ không phải là ông chủ, nhưng trên thực tế, không thiếu những cán bộ tự coi mình là ông chủ trong cơ quan của Nhà nước, và tất nhiên chiếc xe con được xem như là tài sản riêng của họ.

Ai cũng có thể hiểu rằng, cần phải có phương tiện để phục vụ cho công việc, chiếc xe không ngoài mục đích đó. Nhưng ở một đất nước đang có rất nhiều các cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, thì việc sử dụng xe con cho cán bộ, quan chức phải được tính toán kỹ lưỡng.

Sau 9 năm tách tỉnh (Quảng Nam - Đà Nẵng) dù quá muộn, nhưng UBND tỉnh Quảng Nam nhận ra rằng, sử dụng gần 100 xe con để đưa đón cán bộ từ Đà Nẵng vào Quảng Nam làm việc là quá lãng phí, phải chi phí mỗi năm hàng tỉ đồng tiền xăng, chưa kể những hao phí khác.

9 năm qua, nhân dân địa phương nhìn đoàn xe con sang trọng đưa đón công bộc của mình đã không khỏi bức xúc, vì đồng tiền thuế nhọc nhằn của họ được trả cho sự êm ái của quan chức. Để chống sự lãng phí đó, lời giải thật đơn giản, thay vì mỗi vị một chiếc xe con, nay gộp chung để đi "xe buýt đưa đón cán bộ" do tỉnh hỗ trợ ngân sách.

Cách làm này của tỉnh Quảng Nam đáng để cho nhiều nơi khác học tập. Bởi vì, hiện nay có nhiều địa phương sau khi tách tỉnh, vẫn đang sử dụng xe con đưa đón cán bộ, quan chức làm việc ở tỉnh mới.

Chủ trương trên của tỉnh Quảng Nam không chỉ tác động đến các địa phương có cùng hoàn cảnh, mà buộc tất cả những người có trách nhiệm thuộc các cơ quan trong bộ máy nhà nước phải suy nghĩ. Nếu sử dụng chiếc xe con không đúng mục đích, hoặc lạm dụng nó là hưởng thụ trên nỗi nhọc nhằn của dân.

Một việc khác, nhân dân đóng thuế, một phần đồng tiền đó mua xe con cho cán bộ nhà nước đi làm việc công, đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn, nhưng xin thưa là phải làm được việc. Những ai không hoàn thành chức trách, thậm chí thoái hóa, biến chất, thì dân còn phải nhọc nhằn hơn nữa.

Cuối cùng, từ chủ trương chống lãng phí của tỉnh Quảng Nam để đến với việc thực hiện hiệu quả sẽ còn khó khăn. Bởi lẽ, biện pháp nào cũng không thể thay đổi ngay được nhận thức của chính con người. Tuy nhiên, hành động dứt khoát của tỉnh Quảng Nam cũng có thể được coi là tấm gương sáng.

Lê Thanh Phong