Xét nghiệm HIV sớm để đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020
Báo Tiếng Chuông - 27/11/2017
Sáng 26/11, tại Hải Dương, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ mít tinh, diễu hành cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ mít tinh. Ảnh: Thùy Chi

 

Tham dự Lễ mít tinh có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam, lãnh đạo các bộ ngành, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và hơn 2.000 người dân tỉnh Hải Dương.

Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội và tương lai giống nòi của các dân tộc. Theo báo cáo của UNAIDS, cho đến nay, thế giới đang có hơn 36,7 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 35 triệu người đã tử vong do AIDS kể từ đầu vụ dịch.

Tại Việt Nam, đã phát hiện trên 250.000 người nhiễm HIV. Trong đó, nam giới nhiễm HIV chiếm 70%, nữ giới là 30%, tập trung ở độ tuổi từ 30-40 tuổi. Nguy cơ lây chính là từ các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM).

Năm 2017 là năm thứ 9 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí. Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, Việt Nam đã áp dụng được nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực này và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2017 là “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Như vậy, xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng nhiễm HIV chính là tiền đề để đạt được các mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đang hướng tới.

 

Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS. Ảnh: Thùy Chi

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á Thái Bình Dương cam kết thực hiện với Liên Hợp Quốc. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì Việt Nam có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ngay từ bây giờ, việc thứ nhất cần phải làm là tiếp tục kiên trì phòng bệnh, không được lơi là. Hai nguy cơ lớn nhất làm lây nhễm HIV chính là ma túy, mại dâm.

Thứ hai, nhất định chúng ta phải tuyên truyền, giúp cộng đồng nhận thức sâu sắc đây không phải là căn bệnh xấu xa, tội lỗi. Đây là căn bệnh, người nhiễm HIV là người bệnh, vì vậy những người nguy cơ cao cần đi xét nghiệm ngay để sớm có biện pháp điều trị ARV. Hiện nay, những người phát hiện nhiễm HIV được điều trị ARV thì có đến 90% người chung sống được với căn bệnh này. Nhiều cặp vợ chồng lây nhiễm được điều trị ARV vẫn sinh con khỏe mạnh, không nhiễm HIV.

Thời gian tới để tất cả những người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh và được điều trị, rất mong các tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ cho công tác này. Chính phủ Việt Nam sẽ dành thêm ngân sách, bảo hiểm y tế chi trả, cấp bảo hiểm y tế cho những người nhiễm virus HIV. Tạo điều kiện để những người đã lây nhiễm HIV hoặc nguy cơ cao lây nhiễm HIV không bị kỳ thị, được thông cảm, được điều trị, giúp đỡ và được tôn trọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi tất cả các cấp Đảng ủy, chính quyền, xã hội cùng chung tay thực hiện được mục tiêu 90-90-90 đã cam kết với Liên Hợp Quốc. Trên thế giới cũng như Việt Nam, nếu tính số liệu những người nhiễm HIV và chết do căn bệnh AIDS không còn là con số lớn nữa, tình hình ngày càng tốt hơn nhưng nhất thiết chúng ta không được chủ quan, vì nếu lơi lỏng những nỗ lực thì lập tức đại dịch có thể hoàn toàn trở lại. Chúng ta hãy cùng nhau làm tốt những chương trình, kế hoạch của Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc phòng, khám và điều trị HIV và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Hãy cùng chung tay với cả thế giới chấm dứt đại dịch này.

Thùy Chi