Xin giấy phép... vá xe
Các Website khác - 16/09/2005
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Xin giấy phép... vá xe

Lưu Quang

Trong những ngày gần đây, tệ nạn rải đinh trên tuyến đường Xuyên á (TPHCM) đang rộ lên, nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Chính phủ phải ban hành một văn bản yêu cầu UBND thành phố chấn chỉnh ngay và trả lời Thủ tướng trước ngày 20.9 tới.

Đầu tiên, phải ghi nhận động thái tích cực của UBND TPHCM đã ban hành một số biện pháp khẩn cấp"chống rải đinh", như tăng cường các điểm an ninh trật tự, kêu gọi người dân tố giác bọn rải đinh... Tuy vậy, "thái quá sinh bất cập", có lẽ vì quá sốt ruột nên thành phố đã nghĩ ra một quyết định khiến dư luận hết sức băn khoăn. Đó là, tất cả các điểm vá xe phải có đăng ký kinh doanh mới được hoạt động. Thậm chí, các điểm này phải gắn bảng hiệu có "mật mã riêng" để chống làm giả (?!). Trước quyết định này, hàng trăm, hàng nghìn dân nghèo đang và sẽ hành nghề sửa chữa, bơm vá xe đạp, xe máy ở TPHCM chỉ còn biết... "dở mếu dở cười".
Đúng là đã có những kẻ xấu, cam tâm rải đinh ra đường làm thủng lốp xe rồi ép người đi đường phải vá với giá cắt cổ. Vì vậy, chính quyền cần vạch mặt và trừng trị nghiêm khắc - điều đó không có gì phải bàn cãi. Nhưng vấn đề là ở chỗ: Những kẻ táng tận lương tâm nói trên chỉ là thiểu số. Còn đa số những người hành nghề bơm vá xe đều lương thiện. Và họ đều nghèo, rất nghèo. Với đồng vốn ít ỏi, họ sắm mấy thứ dụng cụ đơn giản như cái bơm, nhựa vá, móc lốp... ra ngồi bên vệ đường kiếm ít tiền sinh nhai mỗi ngày. Họ chẳng quen các thủ tục hành chính rườm rà, cũng chẳng có tiền dành cho việc đăng ký đó. Nay chính quyền cơ sở lại bắt họ phải đi đăng ký kinh doanh, phải gánh chịu thêm những chi phí không đáng có (về tiền bạc, thời gian, công sức...).

Hiến pháp ghi nhận người dân được quyền tự do mưu cầu cuộc sống. Luật Doanh nghiệp cũng nói rằng người dân được quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Và chắc chắn pháp luật không cấm việc ngồi bên đường sửa chữa xe máy, xe đạp, cũng không yêu cầu người dân phải làm thủ tục xin phép khi muốn làm nghề... vá xe. Nếu muốn dẹp nạn rải đinh, phải nghĩ ra những biện pháp khác (như tăng cường lực lượng kiểm tra kiểm soát, phạt thật nặng, thậm chí bỏ tù những kẻ rải đinh...) chứ không thể cứ đặt ra những thủ tục nhiêu khê, chọn cái dễ cho mình mà đẩy cái khó cho dân... như hiện nay.

Thật đáng tiếc, những quyết định kiểu này xuất hiện không phải lần đầu trong bộ máy quản lý nhà nước của chúng ta. Trên thực tế rất nhiều chính sách của các bộ, ngành, địa phương (liên quan đến hộ khẩu, đất đai, việc làm...) đã có biểu hiện vi hiến. Gần đây nhất, chính ông Bộ trưởng Tư pháp cũng đã phải thừa nhận rằng việc cấm người dân mua xe máy (vì sợ tắc đường) là vi hiến. Chúng ta đang cố gắng xây dựng một xã hội mà trong đó mọi thành viên - từ mỗi công dân đến các cơ quan nhà nước - đều "sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật". Trong xã hội đó, mọi quyết định vi hiến đều không có chỗ đứng.