![]() |
Ông Nguyễn Văn Quyền. Ảnh: Đ.L. |
Chiều 14/2, ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Đường bộ Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa yêu cầu Sở Giao thông vận tải 7 tỉnh, thành kiểm tra, xử lý nghiêm xe chở quá tải và báo cáo trước 20/2. Các địa phương phải báo cáo là Hải Dương, Quảng Nam, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Bình Định.
- Cục đã phát hiện ra bao nhiêu xe "nhồi khách" hoạt động sau Tết?
- Theo dư luận phản ánh, chúng tôi đã thống kê 7 xe khách ở 7 địa phương đã có hiện tượng chở quá số người quy định gấp 1,5-2 lần, trong đó có một xe đưa khách vào quán cơm tù. Trên thực tế, phần lớn xe đi lại sau tết từ phía Bắc vào Nam đều chở quá tải song mức độ vi phạm khác nhau.
Hiện, các địa phương đang xác minh nguồn gốc của xe để có phương án xử lý. Theo báo cáo ban đầu thì có một số xe dù chạy tự do ngoài bến chở khách quá tải. Ngoài ra, ở Thanh Hoá có xe biển số 36L- 8783 vi phạm quy định chở khách. Nhưng theo Phòng Cảnh sát giao thông của tỉnh thì đó là xe chở hàng, nên có khả năng chiếc xe "lèn" khách được gắn biển số giả.
- Tình trạng xe chở khách quá tải diễn ra khá phổ biến, phải chăng mức phạt nhẹ không đủ sức răn đe lái, phụ xe?
- Theo Nghị định 152 thì phạt tiền là 1 triệu đồng và bấm lỗ giấy phép lái xe. Ngoài ra, trường hợp này được vận dụng theo điều 46 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để tạm giữ phương tiện tối đa 60 ngày để xác minh nguồn gốc xe. Ngành giao thông còn có quyền đình chỉ hoạt động lái xe trên tuyến, hoặc cắt tuyến vận chuyển của doanh nghiệp vi phạm. Như vậy, mức phạt không phải là nhẹ.
- Nhiều người dân cho biết, họ phải chấp nhận đi xe quá tải vì xe không đủ đáp ứng nhu cầu của khách, ông nghĩ sao?
- Cũng có một phần là đúng, vì lượng khách tập trung quá lớn vào một thời điểm, nên các doanh nghiệp vận tải không đáp ứng được. Song, nếu đầu tư số xe lớn để hoạt động vào lúc cao điểm thì khi thấp điểm lại lãng phí. Do vậy, doanh nghiệp phải bố trí tăng chuyến, quay vòng phương tiện để giải quyết nhu cầu hành khách.
Ngoài ra, theo tôi, nguyên nhân của tình trạng "lèn" khách còn do giáo dục và trách nhiệm của các Sở, bến xe và doanh nghiệp quản lý xe chưa cao. Lực lượng xử lý trên đường chưa kịp thời phát hiện. Hàng khách cũng chưa có ý thức đảm bảo an toàn cho mình và người khác. Người đi lại luôn có thói quen vẫy xe ngoài đường, xe quá tải vẫn cứ lên...
- Vậy theo ông, cần có biện pháp gì để giải quyết tình trạng xe "lèn" khách?
- Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị vận tải trong việc giáo dục lái phụ xe. Các lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường cần kiểm tra thực sự chứ không chỉ xem giấy tờ. Cảnh sát cần đếm số hành khách trên xe để ngăn chặn ngay từ đầu hoặc xử lý khi mới vi phạm, chứ không để lái xe đi chặng đường dài hoặc đã thu tiền khách. Quan trọng nhất, người dân cần hợp tác với ngành giao thông để xoá vi phạm, không chấp nhận kiểu đi "hành xác" gây mất an toàn giao thông.
Đoàn Loan thực hiện
▪ "Quan lập" (15/02/2006)
▪ Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác cải cách hành chính (15/02/2006)
▪ Diện áo bà ba đón khách Tây (15/02/2006)
▪ Chính sách dùng người quyết định sự tồn vong của dân tộc (15/02/2006)
▪ Ngày sáng tạo VN 2006: Sáng tạo vì trẻ em khó khăn (10/02/2006)
▪ Hà Nội thiếu văn phòng cao cấp cho thuê (13/02/2006)
▪ Vinatex - tập đoàn dệt may lớn thứ 10 thế giới (13/02/2006)
▪ Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách (13/02/2006)
▪ Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam – Thái-lan (13/02/2006)
▪ Sẽ không có việc tăng giá thuốc đột biến (14/02/2006)