Giáo dục giới tính toàn cầu
Các Website khác - 20/04/2008

 

TPO -  Tại Mỹ, 88% cha mẹ của học sinh trung học tin rằng: giáo dục giới tính trong trường học sẽ giúp họ nói chuyện dễ dàng hơn với con cái ở tuổi dậy thì về giới tính, tình dục và tính dục.

94% số người được cung cấp kiến thức giới tính khi còn học phổ thông trong đó 84% là ở bậc trung học.

Đó là kết quả nghiên cứu của Hội đồng Giáo dục giới tính và Sức khỏe sinh sản của Mỹ (SIECUS).

Cũng trong nghiên cứu này thì có tới 92% số học sinh muốn được trao đổi với cha mẹ về giới tình, tình dục để có sự hiểu biết toàn diện hơn so với những gì các em đã được học tại trường lớp.

Vậy các châu lục, quốc gia trên thế giới đã làm gì để đưa chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản trở thành một môn học có hiệu quả cho trẻ vị thành niên?

Giáo dục giới tính tại các châu lục, quốc gia trên thế giới

Châu Phi: Giáo dục giới tính ở châu lục này tập trung vào việc đẩy lùi nạn dich AIDS. Hầu hết  các chính phủ ở đây đều cố gắng thiết lập những chương trình giáo dục về AIDS hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) và các tổ chức phi chính phủ (NGOs).

Những chương trình này dạy cho họ và con em của họ các cách “ABC” để phòng chống AIDS. Đó là: A (abstinence) - Kiêng khem, B (Be faithful) - Chung thủy và C (Condom) - Dùng bao cao su và nó đã có những tín hiệu đáng mừng.

Tại Uganda, tỷ lệ những người có ý thức sử dụng bao cao su ngày càng tăng trong khi tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân và tỷ lệ người nhiễm HIV giảm đáng kể.

Ở Ai Cập, các giáo viên giảng dạy cho học sinh (từ 12 - 14 tuổi) những kiến thức giải phẫu sinh học như cấu tạo cơ quan sinh dục nam nữ, cơ chế hoạt động, quan hệ tình dục, nguyên nhân có thai, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.

Đồng thời, Bộ trưởng Y tế và Giáo dục của nước này đã làm việc cùng với những người đứng đầu của tổ chức UNICEFF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) tìm cách đưa giáo dục giới tính về những miền quê xa xôi nhằm ngăn chặn hủ tục lạc hậu và nguy hiểm là cắt bỏ âm vật của các bé gái.

Châu Á: Đang có những bước tiến bộ rõ rệt. Indonesia, Mông Cổ, Hàn Quốc và Sri Lanka là những nước đã thực hiện chính sách riêng về giáo dục giới tính trong trường học. Malaysia, Philippines và Thái Lan phát triển trong công tác đào tại, công tác tuyên truyền và cung cấp trang thiết bị giảng dậy về giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Ấn Độ thì có chương trình đặc biệt dành cho học sinh trong nhà trường lứa tuổi 9 đến 16. Các chủ đề về giới tính sẽ được học sinh và giáo viên trao đổi một cách thẳng thắn với nhau. Nhiều khi, những cuộc trao đổi đó có thể trở thành những cuộc tranh luận sôi nổi, giúp giáo viên nắm bắt được nhu cầu thông tin giới tính của học sinh mình để định hướng hiệu quả hơn.

Riêng ở Bangladesh, Myanmar, Nepal và Pakistan thì không có những chương trình giáo dục giới tính như vậy.

Châu Âu

Tại Pháp, các chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường đã có từ năm 1973. Có khoảng 30 - 40 giờ học giới tính dành cho học sinh lớp 8 và lớp 9, cuối khóa học các em được làm quen và học cách sử dụng bao cao su.

Tháng 2/2000, Chính phủ Pháp quyết định đưa kiến thức giới tính lên đài truyền hình và sóng phát thanh, đồng thời phát khoảng 5 triệu tờ rơi cho học sinh phổ thông về các phương pháp tránh thai an toàn, hiệu quả.

Tại Đức, chương trình giáo dục giới tính trong trường học có sớm hơn, từ năm 1970, bao gồm các vấn đề như dậy thì, sự thay đổi tâm sinh lý của tuổi mới lớn, hoạt động tình dục, phòng tránh thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, thế nào là lạm dụng tình dục, thỉnh thoảng cũng có một số thông tin như các tư thế khi “yêu"…

Bên cạnh đó họ còn sử dụng hệ thống truyền thông để giáo dục như tạp chí thanh thiếu niên Bravo chuyên đăng tải các chủ đề thắc mắc của tuổi mới lớn về giới tính, tình yêu, tình bạn.

Tại Đan Mạch, cuối những năm 80 của thế kỷ XX, chương trình truyền hình Long Live Love được Chính phủ tài trợ đã trở thành kênh thông tin quen thuộc về giới tính và sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên.

Gần đây, các trường tiểu học cũng bắt đầu đưa chương trình về giới tính vào giảng dạy nhưng tập trung vào giải phẫu sinh học, giải thích các giá trị tinh thần, thái độ, kỹ năng giải quyết các vấn đề tuổi dậy thì…

Đan Mạch là nước có tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai thấp nhất thế giới và là hình mẫu “lý tưởng” cho các nước khác học tập cách thức giáo dục giới tính trong trường học.

Tại Thụy Điển, giáo dục giới tính là môn học bắt buộc trong trường học từ năm 1956 và bắt đầu cho học sinh lớp 4 hoặc lớp 6 đến các cấp học cao hơn. Học sinh không những có được các kiến thức sinh học liên quan đến giới tính mà còn được học cả quá trình lịch sử của giới tính, tình dục và tính dục.

Tại Anh, các chương trình về giáo dục giới tính là bắt buộc đối với học sinh. Họ cung cấp các kiến thức chung về giới tính như tại các nước châu Âu khác nhưng lại tập trung vào khía cạnh làm thế nào để có quan hệ tình dục an toàn.

Tỷ lệ trẻ em mang thai ở Anh cao nhất châu Âu và cũng là đề tài “làm phiền” các nhà quản lí, hệ thống truyền thông nhất. Nghiên cứu năm 2000 của trường đại học Brighton cho thấy, phần lớn học sinh từ 14 - 15 tuổi chán ngấy với các bài học giới tính trên lớp, thất vọng với những câu hỏi của thầy cô về chủ đề này.

Châu Mỹ

Tại Mỹ, hầu hết các trường học đều đưa giáo dục giới tính vào chương trình học của học sinh lớp 7 - 12, nhiều nơi bắt đầu từ lớp 5, lớp 6. Tuy nhiên, chương trình học là rất lớn vì giới tính có nhiều mảng khác nhau.

Do đó nhiều bang tại Mỹ có những quy định riêng cho phép học sinh được tham gia vào bất kỳ khóa học nào mà chúng yêu thích hoặc chính quyền mỗi bang để cho các trường học tự quyết định.

Cũng chính vì quy định khác nhau nên tại Mỹ, học sinh tiếp cận với kiến thức giới tính thuộc 2 kiểu: toàn diện kiến thức chung chiếm 58% hoặc kiến thức sâu về một khía cạnh, vấn đề chiếm 34%.

Tuy nhiên, Mỹ lại là một trong những nước có tỷ lệ sinh ở trẻ vị thành niên cao nhất thế giới, tỷ lệ nhiễm bệnh qua đường tình dục ở thanh thiếu niên cũng là cao nhất. Điều này cho thấy người ta nên chú trọng vào phương pháp giáo dục hơn là xác định giáo dục ở cấp học nào.