“Hội nghị hôn nhân” ở Nhật
Các Website khác - 29/10/2004

Ông Tadashi Saito tưởng tượng con trai ông rời sở làm và lê bước về nhà là một căn hộ của người độc thân cô đơn, không sáng đèn và thức ăn nóng trên bàn, sau một ngày làm việc kéo dài.

Vì thế, thay vì chờ con trai mình tìm được một “ý trung nhân” mà cậu mơ ước để ổn định cuộc sống, ông Saito tiến hành bước đầu tiên trong việc tham gia mốt thời thượng trên thị trường hôn nhân đang sinh lợi của Nhật Bản: Tham gia hội nghị những ông cha bà mẹ của những người muốn tìm bạn đời.

“Khi tôi mường tượng cảnh không có ai chờ đợi con tôi khi tan sở về nhà, tôi cảm thấy đau xót cho nó” – ông Saito nói khi ông đưa hình con trai 33 tuổi của ông cho cha mẹ của những cô gái mà ông có thể dựng vợ cho con mình tại một hội nghị mới đây ở Tokyo. Ông Saito và vợ, bà Mitsue, cùng 59 tuổi, nằm trong số khoảng 1.500 bậc cha mẹ tham gia một trong những hội nghị hôn nhân, một xu hướng đang thay đổi từ từ diện mạo của ngành mai mối kiếm lợi ở xứ sở hoa anh đào.

Các hội nghị này, có thể quy tụ hơn 100 bậc cha mẹ cùng lúc, nhằm thay thế cho sự sút giảm các cuộc hôn nhân được sắp đặt - loại hôn nhân chỉ chiếm 7,4% số vụ kết hôn ở Nhật năm 2002, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia Nhật. Các cuộc họp này cũng phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng ở những bậc cha mẹ có lối suy nghĩ truyền thống ở đất nước nơi những người không lập gia đình ở độ tuổi 20 và 30 tăng vọt trong vòng 2 thập kỷ qua và các thời khóa biểu làm việc không chừa nhiều thời gian cho việc hò hẹn.

“Có quá ít cơ hội cho các cô con gái của chúng tôi tìm được những người đàn ông vừa ý. Chúng tôi thật sự đang bị dồn vào thế kẹt” – Yukio Fujita, người tham gia một hội nghị như trên để tìm “nửa kia” cho hai cô con gái chưa chồng 30 và 31 tuổi.

Truyền thống và giai cấp từ lâu quy định rằng hôn nhân phải do các gia đình đặt để hoặc qua những lời giới thiệu chính thức gọi là “omiai”. Tuy nhiên, những cuộc đặt để như thế đã mai một trong nhiều chục năm qua do ngày càng nhiều phụ nữ trẻ tự mình chọn bạn đời và lấy chồng vì yêu. Tuy nhiên, do các lịch trình bận rộn và công việc kéo dài nhiều giờ ở một đất nước có đời sống công nghiệp cao như Nhật đã chiếm phần lớn thì giờ của đàn ông và gần đây là phụ nữ, do đó việc tìm cho mình “ý trung nhân” trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Các hội nghị hôn nhân cho phép các ông cha bà mẹ giữ quyền xử lý vấn đề trong tầm tay mình. Văn phòng Ann, có trụ sở đặt tại thành phố Sapporo phía Bắc Nhật, là tổ chức đi đầu trong việc tổ chức các hội nghị nói trên và đã đạt được thành công đến mức ít nhất một cơ sở trung gian lớn khác mô phỏng theo và các cơ sở khác đang xem xét khả năng “nhập cuộc”.

“Hội nghị hôn nhân” là đứa con tinh thần của bà Michiko Saito, 60 tuổi, Chủ tịch Văn phòng Ann. Ý tưởng đến với bà cách đây 6 năm sau một cuộc họp mặt với các bậc cha mẹ cao tuổi lo ngại họ sẽ nhắm mắt mà không nhìn thấy con cái họ thành thân hạnh phúc. Bà Saito, người không có liên hệ gì với hai vợ chồng ông Saito nói trên, khẳng định: “Chúng ta có những giá trị của riêng mình, vì vậy tôi không nghĩ là mọi người cần phải kết hôn. Tuy nhiên, tôi muốn nói cho mọi người biết hôn nhân là vô giá”.

Các hội nghị hôn nhân là những sự kiện được chuẩn bị “bài bản”. Tại khách sạn Tokyo tháng trước, danh sách chi tiết những người có thể dựng vợ gả chồng, gồm 60 phụ nữ tuổi từ 25 đến 42 và 55 đàn ông tuổi từ 25 đến 44, được phát ra cho khách mời. Một người dẫn chương trình sử dụng micro để phá vỡ không khí dè dặt bằng những chuyện tiếu lâm. Các danh sách này cung cấp tuổi của “ứng cử viên”, học vấn, việc làm, thông tin về gia đình và thậm chí là loại máu giúp cho việc xác định tính cách của “đương sự”. Danh sách không công khai họ tên và chỉ cung cấp mã số, phần để bảo vệ sự riêng tư của đương sự, phần vì một số bậc cha mẹ không cho con mình biết. Những bậc cha mẹ tìm thấy người vừa ý có thể trao đổi thông tin và nếu con họ đồng ý, một cuộc gặp gỡ tiếp theo sẽ được thu xếp. Phần còn lại là do các bậc cha mẹ tự quyết định.

Phí tham gia hội nghị không hề rẻ: Mỗi bậc cha mẹ phải trả 72 USD. Tuy nhiên, khoản phí này rẻ hơn rất nhiều lần so với số tiền 3.640 USD phải trả cho các cơ sở hôn nhân điển hình cho một thỏa thuận tìm kiếm bạn đời trong 2 năm.

Chưa rõ các hội nghị này thành công như thế nào. Văn phòng Ann không theo dõi diễn biến tiếp theo của các hội nghị, nhưng các bậc cha mẹ cho biết cho đến nay có ít nhất 30 cuộc hôn nhân đã được sắp đặt thành công từ các hội nghị.

Thảo Quyên (Theo AP)