Những biến đổi của cơ thể khi bị cắt cả 2 buồng trứng
Các Website khác - 04/11/2004

Mức độ biến đổi của cơ thể nhiều hay ít sau khi bị cắt cả hai buồng trứng phụ thuộc vào việc lúc đó bệnh nhân đã dậy thì hay chưa dậy thì. Có một quan niệm sai lầm cho rằng, ở những bé gái chưa dậy thì không có buồng trứng nên không thể mắc những bệnh về buồng trứng

Thực chất, mặc dù các bé gái chưa dậy thì nhưng cơ quan sinh dục trong đã có đầy đủ các bộ phận, tuy chưa phát triển hoàn thiện. Ở giai đoạn này, những tế bào mầm phát triển nhanh và chia thành nhiều hướng khác nhau. Vì vậy 80% u buồng trứng ở trẻ em là u tế bào mầm.

Con gái thường có biểu hiện dậy thì (vú to lên, lông mu mọc, cơ thể nở nang, hành kinh...) quanh tuổi 13 do ảnh hưởng của các hoóc môn. Nếu bị cắt buồng trứng ở thời điểm này, hiện tượng kinh nguyệt sẽ không có hoặc mất đi. Ngực, tuyến lông và các đặc tính sinh dục phụ khác kém phát triển. Chỉ là kém phát triển thôi chứ không mất đi hoàn toàn vì sự phát triển của cơ thể phụ nữ còn do nhiều yếu tố khác tác động như nhiễm sắc thể, tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng... Có nhiều phụ nữ trở nên béo mập sau khi bị cắt 2 buồng trứng vì chuyển hóa mỡ tăng lên.

Trong trường hợp cắt 2 buồng trứng khi đã dậy thì đầy đủ thì chỉ mất đi hiện tượng hành kinh.

Estrogen là một danh từ chung cho 3 chất là estron, estradiol và estriol và được ký hiệu là E1, E2, E3. Estrogen được các tế bào hạt của buồng trứng tiết ra, được gọi là nội tiết tố nữ.

Do estrogen đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống người phụ nữ nên khi bị thiếu hụt, do bị cắt bỏ hai buồng trứng, dù ở mức độ khác nhau nhưng dù là ở lứa tuổi nào thì vẫn để lại những hậu quả không mong muốn. Bổ sung estrogen thay thế để giảm thiểu những rối loạn và phiền muộn do thiếu estrogen là một giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, liệu pháp này không thể đáp ứng đầy đủ lượng estrogen như khi còn hành kinh bình thường mà chỉ đưa một lượng nhỏ estrogen vào cơ thể. Những lợi ích từ liệu pháp bổ sung estrogen thay thế mang lại là điều tất cả mọi người đều mong muốn, tuy nhiên, liệu pháp này cũng tồn tại nhiều nhược điểm, nếu sử dụng không đúng chỉ định, theo dõi không tốt và điều trị kéo dài, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm. Những tác hại khi điều trị estrogen là làm quá sản nội mạc tử cung, gây nguy cơ ung thư nội tử cung; Các bệnh vú như đau, cương vú, ung thư, làm tăng huyết áp, tăng các bệnh huyết khối.

Vì vậy, khi điều trị bổ sung estrogen thì trước tiên bệnh nhân cần phải hiểu rõ việc dùng estrogen chỉ là để cải thiện chất lượng cuộc sống chứ không thể có tác dụng "cải lão hoàn đồng", phải được thầy thuốc chuyên khoa thăm khám kỹ xem có cần thiết phải điều trị estrogen thay thế không? Nếu có yêu cầu điều trị thì phải được khám lâm sàng cẩn thận. Xét nghiệm đầy đủ các thông số cần thiết, phải loại trừ những nhóm người có nguy cơ cao về ung thư. Loại trừ các chống chỉ định sử dụng estrogen. Theo dõi cẩn thận và chặt chẽ bằng khám lâm sàng và định kỳ.

Trước kia khi trẻ có u buồng trứng, đặc biệt là u ác, các bác sĩ thường áp dụng mổ cắt bỏ toàn bộ buồng trứng và tử cung như ở người lớn. Buồng trứng là bộ phận sản sinh nội tiết tố nữ, vì vậy khi một bé gái bị cắt tử cung và buồng trứng không những không còn khả năng sinh sản mà nội tiết cũng bị rối loạn gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và tình cảm. Việc bổ sung nội tiết tố sau đó, như trên đã nói, không thể thay thế được chức năng của cơ quan sinh dục trong đã bị mất ở những bé gái này. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây phương pháp phẫu thuật bảo tồn được áp dụng do các bác sĩ nhận thấy u buồng trứng ở trẻ em đáp ứng tốt với hóa trị. Nếu là u lành tính, các bác sĩ chỉ cắt bỏ khối u, nhưng nếu là u ác tính sẽ cắt bỏ cả một bên buồng trứng, hoặc vẫn cố gắng bảo tồn mô lành của buồng trứng để duy trì chức năng nội tiết, sau đó phối hợp với hóa trị để hạn chế tái phát và di căn xa. Trong trường hợp này, mô lành còn lại vẫn có thể hoạt động bù, không gây thiếu hụt về nội tiết và không ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như đời sống tình dục.

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật bảo tồn kết hợp hóa trị cũng là phác đồ điều trị chung của thế giới đối với u buồng trứng ở trẻ em. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào việc điều trị u buồng trứng cũng đáp ứng điều trị tốt, vì vậy, việc theo dõi và tái khám định kỳ giúp bác sĩ đánh giá khả năng tái phát và sự ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ của bé gái sau này dựa trên dấu hiệu ung thư và chu kỳ kinh nguyệt để từ đó có những can thiệp kịp thời.

Hợp Phong