Chuyện vợ chồng và ngộ nhận “biết tuốt”
Các Website khác - 08/12/2008
Đã là vợ chồng thì việc hiểu và đồng cảm với nhau là điều tất yếu. Thế nhưng, nhiều người đã quá tự tin khi nghĩ mình “đi guốc trong bụng” chồng/vợ và có những hành động khiến người bạn đời của mình khó chịu. Sự tan vỡ đôi khi cũng từ đây mà ra.
 Ngộ nhận “biết tuốt” trong sinh hoạt gia đình

Yêu nhau tới tận 8 năm trước khi cưới nên Ngọc luôn tự tin mình là người quá hiểu chồng. Từng nếp ăn, giấc ngủ, tính khí của Doanh, Ngọc đều thuộc như lòng bàn tay nên cô không cảm thấy ngại ngùng, bỡ ngỡ gì khi cả hai cùng chung sống. Sự chăm sóc chu đáo, chi ly của Ngọc khiến thời gian đầu, Doanh cảm thấy mình thực sự may mắn và hạnh phúc. Nhưng theo thời gian, những biểu hiện theo kiểu “cái gì em chả biết” của Ngọc ngày càng khiến anh cảm thấy nghẹt thở.

Nhiều lần, hai vợ chồng đi mua sắm. Trong lúc Doanh đang loay hoay chỗ này, chỗ kia, Ngọc đã hớ hở chạy đến khoe chồng cái áo sơ mi mới mua cho anh. Khi được chồng hỏi tại sao không gọi anh đến chọn cùng, cô luôn mồm: “Em biết là anh thích kiểu này mà. Anh thích kiểu nào em biết hết”.

Đúng là chiếc áo đó khá ưng ý Doanh, anh không chê trách gì chuyện Ngọc quan tâm và luôn hiểu ý mình nhưng có mất gì đâu nếu cô gọi chồng đến để cả hai cùng chọn lựa, có nặng nhọc gì một lời với lời gợi ý: “Anh thấy cái áo này thế nào, em thấy nó hợp với anh đấy!”. Không chỉ có vậy, bất cứ thứ gì cần mua sắm trong nhà, nếu thích và cảm thấy “chồng cũng thích” là Ngọc mua luôn rồi lại về nhà khoe rối rít: “Em biết là anh sẽ thích” mà chả buồn để ý đến nụ cười quá gượng gạo của chồng.

Vấn đề ở đây không phải là Doanh thích hay không thích những thứ Ngọc mua mà ở chỗ anh cảm thấy mình bị “ra rìa”, bị vợ “qua mặt”. Vợ chồng là sự sẻ chia từ những điều nhỏ nhặt nhất đến những quyết định lớn lao trong cuộc sống nhưng Ngọc đã quên điều đó. Tự tin thái quá vào sự hiểu chồng của mình đã khiến cô quên mất hai chữ “sẻ chia” trong đời sống vợ chồng.

Cũng giống như anh Doanh, Khả - một giám đốc của một công ty tư nhân đóng trên địa bàn phố Nguyễn Trãi cũng cảm thấy vô cùng bức bối với cuộc sống gia đình chỉ vì bị vợ lấn lướt. Hơn chục năm sống với nhau, Trinh – vợ anh luôn hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ làm mẹ, làm vợ trong gia đình. Chị nhạy cảm và thông minh nên luôn hiểu chồng con muốn gì và cần gì. Nếu tinh tế hơn, chị có thể biến tất cả những điều đó thành lợi thế của mình, thế nhưng Trinh luôn khiến chồng có cảm giác khó chịu với sự “biết tuốt” mà chị thể hiện.

Mọi chuyện trong nhà, tiếng là vợ chồng cùng bàn bạc nhưng thực ra Trinh mới là người quyết định bởi mỗi khi chồng có một ý kiến nào đó thì chị lại lấn lướt ngay: “Em biết ngay là anh nghĩ thế mà. Anh nghĩ cái gì mà em chả biết. Theo em thì như thế không được đâu...”. Vốn tính hiền hòa, anh đã nhiều lần cho qua.

Nhưng đến khi hai vợ chồng quyết định xây nhà thì anh không thể nhịn được nữa. “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc mà các cụ nói là rất quan trọng trong cuộc đời của một đấng nam giới. Làm nhà là một việc đại sự đối với mỗi gia đình.

Bản thân Khả và vợ cũng đã thống nhất thời gian và phương án thi công cho phù hợp với điều kiện gia đình. Ấy nhưng, đi công tác được gần một tuần, về đến nhà, xem lại bản vẽ anh mới biết Trinh đã tự ý cho sửa lại gần hết các hạng mục. Hỏi vợ thì chỉ nhận được nụ cười tươi rói: “Em gọi kiến trúc sư sửa lại đấy. Em thấy kiểu cũ không được hợp thời lắm, kiểu này hiện đại mà chi phí xây dựng cũng thấp hơn. Em đoán chắc là anh sẽ thích nó”. Đúng là bản vẽ mới tốt hơn bản vẽ cũ nhưng cái sự “em tự ý làm vì em biết anh cũng thích” của Trinh thì khiến anh không thể chịu đựng nổi. Thời đại thông tin phát triển từng giây từng phút rồi chứ có phải thời nào nữa đâu mà Trinh không biết gọi điện tham khảo ý kiến chồng.

Và trong cả “chuyện ấy”

Nhìn bên ngoài, ai cũng bảo Hạnh là một cô gái hạnh phúc khi có chồng giỏi giang, con ngoan ngoãn. Chỉ đến khi có dịp ngồi tâm sự với cô mới biết thực ra gia đình Hạnh cũng có nhiều phức tạp mà vấn đề nghiêm trọng nhất chính là “chuyện ấy”.

Chồng Hạnh đã từng du học nước ngoài nên anh có quan niệm về vấn đề tình dục khá thoáng. Anh thường xuyên đọc các sách báo, tạp chí người lớn của nước ngoài để “học hỏi kinh nghiệm”. Không chỉ tham khảo suông, anh còn tích cực áp dụng vào đời sống chăn gối vợ chồng. Những mô tả và hình ảnh trên các ấn phẩm trụy lạc đó khiến anh ngộ nhận rằng khi làm như thế, Hạnh cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc như mình.

Anh luôn tự nhận mình tân tiến, có nhiều hiểu biết về vấn đề sinh hoạt giới tính đến mức lúc nào cũng có thể đưa vợ “đến đỉnh”. Trên bàn nhậu, anh ba hoa với bạn bè về khả năng “siêu đẳng” của mình và “hào phóng” sẻ chia những “bí quyết” đó với đồng nghiệp. Anh không biết rằng mỗi lần mình “sáng tạo” là một lần vợ cảm thấy như phải chịu cực hình; chẳng qua là do bản tính quá hiền lành, nhút nhát nên cô cảm thấy xấu hổ khi phải bày tỏ mọi chuyện với chồng. Sự âm thầm chịu đựng đã khiến Hạnh tuy sống trong nhung lụa nhưng cứ héo hon dần dần.

Thấu hiểu và sẻ chia

Trong cuộc sống gia đình, sự thấu hiểu mọi thói quen, cảm xúc... của nhau là vô cùng quan trọng. Nhưng đi cùng với sự thấu hiểu đó bao giờ cũng là sẻ chia; thấu hiểu để cùng nhau chia sẻ tất cả những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống chứ không phải thấu hiểu để một mình tự ý quyết định tất cả. Sự tự tin thái quá, sự ngộ nhận “biết tuốt”, hiểu mọi thứ về người bạn đời có thể khiến người ta trở thành “độc tài” trong gia đình. Hạnh phúc gia đình được dựng xây từ sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau nên sự chuyên chế sẽ không bao giờ được chấp nhận. Đó là bài học dành cho những người đã, đang và chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.

H.Hà
                                                                                                                             Theo Phununet.com