Để sự cãi vã không ảnh hưởng đến con
Các Website khác - 24/09/2008

“Anh giỏi thì đánh đi” – “Cô đừng có thách tôi nhé” – “Tôi không thách, anh muốn làm gì thì làm đi”… Dù chưa đầy hai tuổi, nhưng bé con khóc ré lên khi chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau om xòm.

Ai bảo trẻ con không biết gì? Lam có cái tính hễ cãi nhau đùa với chồng là phải “nhảy vào” cấu chí hoặc “đánh” chồng một cái cho hả giận. Lúc đầu, Chiến (chồng Lam) coi đó là “hành động đáng yêu” của vợ.

Đừng nghĩ rằng con trẻ con nhỏ, chưa biết gì mà bạn sẵn sàng gây gổ trước mặt con

Nhưng càng ngày Lam càng “làm già”. Đến lần hai người cãi nhau nảy lửa, quen thói, Lam nhảy vào định tát chồng. Cơn nóng giận của Chiến đã lên đến tột độ. Anh tát cô hai cái nổ đom đóm. Cô bưng mặt khóc rưng rức. Bé con cũng thét lên theo tiếng kêu la của mẹ, tiếng khóc, tiếng nấc của hai mẹ con quyện vào nhau…

Bé Bin, 5 tuổi chứng kiến cảnh cha dùng bạo lực với mẹ, em kêu là “con ghét ba”, “mẹ ơi gọi 113 đi”. Em Lê Thị C.Th, 15 tuổi, ở Hóc Môn, TPHCM đã dại dột uống 17 viên thuốc chữa bệnh động kinh để khỏi phải chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ. Dù may mắn được cứu sống, nhưng chắc hẳn tổn thương trong lòng em thì khó có thể lành. Em Ngô Thị D.K, 17 tuổi, ở TP Tuy Hòa, Phú Yên cũng uống thuốc trừ sâu tự tử vì buồn bực về chuyện bố mẹ thường xuyên cãi nhau. Cái chết của em đã để lại những dấu hỏi lớn cho các bậc cha mẹ.

Rõ ràng, con trẻ đã bị tổn thương rất lớn khi phải chứng kiến cha mẹ cãi nhau, đánh nhau. Nhưng hiện tượng này vẫn còn rất phổ biến, bởi nhiều bậc cha mẹ không biết rằng hành động này ảnh hưởng đến tâm lý cũng như hành vi của con trẻ.

Hóa giải mâu thuẫn

Để xảy ra việc gây gổ trước mặt con, là do cha mẹ thiếu kỹ năng tự kiềm chế, chưa tôn trọng con cái. Gia đình nào cũng có mâu thuẫn, tuy nhiên, giải quyết thế nào để ổn thỏakhông ảnh hưởng đến con là điều quan trọng nhất. Thay vì cãi vã, các cặp vợ chồng nên cùng nhau thảo luận dựa trên sự tôn trọng nhau và tôn trọng con cái mình.

Dưới đây là một số gợi ý:

- Cần thẳng thắn với nhau và không dùng những từ ngữ như "không bao giờ", "luôn luôn" vì chúng gây nhiều tổn thương cho các mối quan hệ.

- Biết lắng nghe một cách chân thành những tâm sự của anh ấy (cô ấy). Hãy thảo luận, trò chuyện với một nửa của mình để hiểu cô ấy/anh ấy muốn được yêu thông qua hành động chứ không phải cảm giác.

- Đừng quên chia sẻ những khúc mắc cũng như hi vọng, mong muốn của nhau.

- Thi thoảng hãy dành cho nhau khoảng thời gian đặc biệt để cùng ôn kỷ niệm. Cần tạo không gian riêng, không bị bọn trẻ quấy rầy trong suốt buổi tối yên tĩnh. Chắc hẳn khi đó, mọi mâu thuẫn sẽ tan biến, thay vào đó là cái nhìn đầy yêu thương dành cho người bạn đời.

Mỗi gia đình nên có những quy định cụ thể mà các thành viên phải chấp hành. Khi xảy ra mâu thuẫn, các cặp vợ chồng nên có ý thức tôn trọng nhau và tôn trọng cả con cái của mình. Đặc biệt với các bà mẹ, khi xảy ra mâu thuẫn, chớ quên câu nói: “Cơm sôi bớt lửa, người khôn bớt lời”.  

Theo logoGDvaTreem