Mái ấm
Các Website khác - 26/06/2005

Mái ấm của mỗi người chúng ta hình thành từ khi nào ? Tôi cho rằng đó là từ lúc ta - một người nam - cầu hôn với một người nữ và được nàng nhận lời. Khi đó, mái ấm hình thành. Vào giây phút đó, có hai biến cố xảy ra: tình bạn biến đổi thành tình yêu và trong lòng mỗi người là cảm giác sung sướng trào dâng.

“Đây là nhà tôi”

Tuy nhiên, trong lòng người con trai, ngoài niềm vui sướng thì sẽ xuất hiện một mối lo là phải làm sao cho vợ sau này không khổ. Một tinh thần trách nhiệm sẽ từ từ dâng cao cùng chiều với tình yêu. Cũng vậy, trong lòng người nữ, ngoài niềm vui về "chỗ dựa" thì còn có mối lo làm sao chu toàn vai trò của người vợ, với chồng và gia đình nhà chồng. Có một sự khác biệt trong "phạm vi ưu tư” của mỗi người. Người con trai chỉ lo có một; còn người con gái thì lo cho hai. Sự cao thượng của người phụ nữ nằm ở điểm này. Do trời phú sự đa đoan nên không cần phải ai nhắc, tự nhiên người phụ nữ đã lo như thế, một khi đã yêu.

Sau khi hai người lấy nhau, người đàn ông sẽ giới thiệu vợ mình với mọi người “Đây là nhà tôi". Từ "nhà" này, cả hai sẽ tạo nên một nhà nhỏ và có thể nhiều nhà nhỏ khác nữa! (Thế mới có những nhà tỷ phú kinh doanh bất động sản). Người đàn bà được trời ban cho sự tinh tế trong các giác quan; vì thế ngoài sự đa đoan nàng còn chu đáo. Nàng chi li trong từng việc một. Sự đa đoan của nàng khiến cho không việc nào trong nhà bị bỏ sót; tính chi li của nàng làm cho không việc nào dở dang. Nàng tạo nên hạnh phúc bởi vì hạnh phúc là những gì nho nhỏ và diễn ra hàng ngày.

Trái lại, người đàn ông không được trời phú cho sự chi li và đa đoan kia. Cầm rổ gạo tự nhiên người đàn bà đi tìm những hạt sạn; nhưng người đàn ông phải nghĩ mới làm được và thấy khổ sở lắm. Họ không hình dung ra được niềm vui của vợ con khi ăn cơm mà không nhai phải sạn. Đàn ông làm vì thấy đó là bổn phận, là nghĩa vụ, chứ không tìm thấy niềm vui. Họ hành động theo sự thúc đẩy của lý trí và lý trí chỉ cho họ cách tính toán.

Bởi thế, người đàn ông thường nhìn sự việc trong tổng thể và với lý lẽ. Cách hành động của người chồng tạo ra những hiệu quả khác với của người vợ. Và đây là bằng chứng: đàn bà ai cũng nấu ăn, làm bếp được nhưng những đầu bếp giỏi lại thường là đàn ông. Bởi thế, trở lại thiên chức của mỗi người, nếu có đôi vợ chồng nào đồng ý với nhau rằng: “Em nấu cơm ở nhà bếp nhà của mình, anh nấu cỗ ở nhà hàng của người và mình sẽ lấy tiền từ ở công việc ở nhà hàng để xây cho cái bếp của mình rộng hơn". Vậy là người vợ giữ gìn căn nhà, còn người chồng mở rộng căn nhà.

Ngày nay trong xã hội ta, hai vai trò riêng rẽ nhưng bổ túc nhau kia đang bị thay đổi vì chủ trương bình đẳng vợ chồng, khuyến khích người vợ độc lập về mặt kinh tế đối với người chồng bằng cách có công ăn việc làm ổn định.

Còn mái ấm thì sao?

Trong một mái ấm, ngoài việc giữ và xây, có nhiều công việc mà hai người phải làm. Trong từng việc một, sự phân công không dựa trên nguyên tắc bình đẳng mà là ai làm chính, làm phụ. Khi đã phân biệt thì người phụ phải góp tay với người chính và người chính trông cậy vào người phụ, để hoàn thành công việc của mình. Ít có sự chia đều, trừ trường hợp của đôi vợ chồng son, hay của hai cụ già neo đơn.

Thứ nhất là việc kiếm tiền cho gia đình. Ở đây người chồng đóng vai chính, người vợ phụ. Người chồng phải tìm cách thăng

tiến về nghề nghiệp và về địa vị để lợi tức kiếm được cho mái ấm ngày càng nhiều. Để làm công việc ấy, người chồng phải â bươn chải ngoài xã hội và khi về mái ấm họ cần được bổ sức. . Nhu cầu ấy chỉ có thể được đáp ứng bởi người vợ.

Với nét duyên dáng, sự hiền dịu và vai trò nội tướng của mình, người vợ giúp chồng giải tỏa căng thẳng về mặt tinh thần và được bổ sức về mặt thể xác. Mối lo cho chồng con của bà vợ giúp người phụ nữ làm việc đó một cách tự nhiên và vui thích. Khi thấy chồng cần mình và mình làm được một việc gì cho chồng, người vợ thấy tự tin và thấy vị trí của mình được tôn lên. Người chồng thấy vợ là một cái gì cần thiết, và khi cần người khác như thế họ thấy mình chẳng hề là gia trưởng. Trong tình yêu đích thực, người ta quên chính mình mà chỉ nghĩ đến người kia; chứ không ai chỉ nghĩ đến mình và đòi người kia phải đáp ứng.

Thứ hai là việc dạy con. Ở đây có hai công đoạn phải làm: quyết định đường lối phát triển của con, trong đó có việc học hành, và việc nuôi dạy con. Trong việc đầu, hai người bàn bạc với nhau trong tinh thần không tìm vinh quang cho mình qua con cái, bằng cách thúc ép con thực hiện ước vọng của mình. Cả hai nhìn nó lớn lên trong thế giới của nó và tạo điều kiện cho nó trong khả năng của mình.

Ở việc thứ nhất, quyết định là việc của người chồng. Chồng quyết định nhưng cũng có khi theo ý kiến của vợ. Trong việc thứ hai là nuôi dạy con thì người vợ đóng vai chính, người chồng chỉ là phụ. Người đàn ông không bao giờ chu đáo với con cái cho bằng người đàn bà; họ cũng chẳng nhạy bén với các nhu cầu của con bằng mẹ nó. Hiểu được như thế, người chồng - thay vì cãi nhau với vợ về việc chăm sóc con – thì hỏi han và giúp đỡ vợ trong công việc nàng đảm trách.

Thế nhưng, trời phú không có đứa bé nào sợ mẹ cả nên người chồng có những lúc phải răn đe con để nó chịu nghe lời mẹ. Trong khuôn khổ đó, đôi vợ chồng sẽ tạo nên được cảnh này: mẹ dạy con biết kính trọng bố; bố bảo con biết vâng lời mẹ.

(PNTP)