Những mô hình tình yêu
Các Website khác - 08/11/2004

Bên cạnh sự hấp dẫn thể chất, người ta còn bị cuốn hút bởi những người có chung sở thích. Chuyên gia tâm lý tình cảm Paula Hall đã khám phá vì sao chúng ta lại yêu người này mà không yêu người khác.

Trong nhiều mối quan hệ, các cuộc tranh cãi thường chỉ nghiêng về một phía, tức là một người làm ầm ĩ lên trong khi người kia im lặng chờ cơn bão tan. Đó là do họ đều gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc, nhưng cả hai đều có khả năng làm người kia yên tâm rằng mình biết điều chế cảm xúc của mình. Những cặp khác nhau thì sẽ trải qua chuyện này khác nhau, nhưng cảm giác không thể giải nghĩa được về sự hợp nhất khi 2 người ở bên nhau đã được Henry Dicks, chuyên gia liệu pháp tâm lý, gọi là "sự hoà hợp tiềm thức".

Mỗi người trong chúng ta đều có một "vân tay" tâm lý, chứa đựng chi tiết về những trải nghiệm của chúng ta trong cuộc sống và dấu vết mà chúng để lại. Nó chứa đựng thông tin mà ta thường không nhận ra về nỗi sợ, lo lắng và cách thức đương đầu, tự vệ.

Mọi người đều có một khả năng tiềm thức đọc được "vân tay" của người kia. Những người mà chúng ta bị hấp dẫn nhất là những người có "vân tay" bổ sung cho "vân tay" của chúng ta. Chúng ta thường tìm kiếm sự tương đồng, nhưng quan trọng hơn, chúng ta cũng tìm kiếm cả sự khác biệt.

Mục đích của sự hoà hợp tiềm thức này là để tìm kiếm một người có thể bổ sung cho những trải nghiệm của chúng ta. Đó có thể là một người gần giống chúng ta, nhưng phổ biến hơn, chúng ta tìm kiếm người mà từ đó có thể học hỏi, người có thể xây dựng kỹ năng đương đầu khác với chúng ta.

Người bạn đời lý tưởng sẽ là người cùng trải qua những khó khăn giống nhau trong cuộc sống, nhưng lại giải quyết theo cách khác. Dường như nửa kia trở thành cơ hội tốt nhất để chúng ta trở thành một thể thống nhất về mặt tâm lý.

Mặc dù chả có mối quan hệ nào giống nhau, nhưng các nhà tâm lý đã tìm ra những kiểu hoà hợp tiềm thức phổ biến nhất.

Mẹ/Cha và con. Những đôi kiểu này thường chia sẻ các vấn đề với sự lệ thuộc và tin tưởng. Một người đối diện với vấn đề theo cách trẻ con. Họ có một niềm tin ẩn giấu rằng cứ khi họ bất an, phụ thuộc và đòi hỏi, người bạn đời của họ sẽ chăm sóc họ. Khi đó, người kia đóng vai trò làm cha mẹ và tự loại bỏ nhu cầu dựa dẫm của mình.

Chủ và tớ. Cặp này gặp vấn đề trong quyền lực và kiểm soát. Một người có thể cảm thấy bất an nếu họ ở vị thế thấp hơn, vì vậy họ luôn tỏ ra làm chủ và cầm trịch mọi tình huống xảy ra . Người kia, sợ trách nhiệm và luôn phục tùng, trong khi thầm thích thú so sánh sự thảnh thơi của mình với sự điên cuồng quyền lực của người kia.

Theo đuổi và lẩn tránh. Cả hai bên đều có vấn đề về sự thân mật. Giữa họ có một thoả thuận vô thức rằng một người sẽ luôn theo đuổi và trách cứ người kia để đòi hỏi thêm tình cảm, trong khi người kia thì chạy mất. Đôi khi cuộc rượt đuổi sẽ bị hoán đổi trở lại.

Thần tượng và kẻ tôn thờ. Khi một người nhất quyết sùng bái người kia, nó ám chỉ vấn đề trong sự cạnh tranh. Để tránh xảy ra sự so sánh, cả 2 đều ngầm thoả thuận chơi trò chơi này.

Có 2 kiểu hoà hợp khác dựa trên việc tìm một người có chung vấn đề và chung cách giải quyết.

Cặp song hành. Bạn có thể gặp thấy đôi này ở xung quanh. Họ trông giống nhau, mặc quần áo giống nhau. Họ chung sở thích, và quan trọng hơn là chung cả những điều không thích. Họ loại bỏ tất cả những gì xấu xa ra khỏi mối quan hệ hoàn hảo của họ, bằng cách hợp lực để chống lại thế giới đen tối ở bên ngoài.

Chó và mèo. Nhìn bên ngoài dường như đôi này không nên đến với nhau. Họ tranh cãi triền miên về tất cả mọi thứ. Họ ngăn chặn sự thân mật bằng cách sống trong vùng nội chiến.

Bạn có thể thấy bóng dáng cuộc tình của mình trong mọi thể loại. Khi mối quan hệ phát triển, bạn sẽ chuyển vào những mô hình hành vi khác nhau. Chẳng hạn khi ốm đau, 2 người sẽ rơi vào mô hình mẹ-con, còn nhiều đôi khác lại thành cặp song hành sau khi có sự ra đời của đứa con.

Mọi sự hoà hợp đều phục vụ một mục đích tâm lý là để bảo vệ chúng ta khỏi sự bực bội, lo lắng. Hầu hết các đôi không nhận ra sự hoà hợp của mình cho đến khi một điều gì đó xảy ra làm thay đổi nó. Chúng ta đều lớn lên và trưởng thành, nhu cầu luôn thay đổi và cuộc tình của chúng ta cũng cần điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi đó.

Song Minh (theo BBC)