![]() |
1001 lý do thuê nhà Hằng và Hồ Lam là đã ra trường được sáu năm, gia đình đều ở xa. Hằng quê Yên Bái, Lam quê Hà Tĩnh. Công việc đã tạm ổn định với thu nhập cả hai khoảng 9 triệu một tháng, tuổi thì đã “nhơn nhớn”, tình yêu đích thực tất nhiên phải kết thúc bằng việc dọn về sống chung. Lam trước ở với đám bạn đồng hương dưới "làng sinh viên" Phùng Khoang, Hằng ở nhờ nhà bà cô ruột. Nay thì họ đang chạy đôn chạy đáo, đọc báo, lên mạng… thuê một căn hộ chung cư cũ tầm triệu rưỡi. Lam cười: “Các cụ bảo đàn ông có ba việc hệ trọng là tậu trâu cưới vợ làm nhà, thôi thì việc gì đến trước làm trước vậy, cưới cái đã, như tụi em bây giờ thì chờ mua được nhà khéo hết đẻ được con!”. Vân Anh quê Bắc Ninh, nổi tiếng đảm đang, nhân viên bán hàng một Cty điện thoại ở Giảng Võ. Cô yêu Phương, anh chàng 36 phố phường chính gốc. Gia đình Phương không đồng ý, chê Vân Anh gái tỉnh lẻ. Nhưng tình yêu vẫn tiếp diễn, rồi đến lúc Vân Anh có bầu. Thuyết phục hai cụ mãi không được, Phương vẫn quyết tâm lấy vợ và thuê nhà ở riêng. Họ đăng ký kết hôn ở quê Vân Anh, rồi nhờ bạn bè mà tìm thuê được một căn hộ nhỏ hơn 20m2 cũ kỹ khu Quỳnh Mai. Tiền để dành đám cưới và đi tuần trăng mật giờ đem ra sửa toa lét để tiện cho thay giặt chăm sóc baby sau này. Phan Lâm và Linh Hương đều là dân Hà Nội, yêu nhau đã bảy năm. Từ năm trước các cụ hai bên đã giục cưới vì sang năm hợp tuổi, chờ săn thằng cháu giai Đinh Hợi nối dõi. Hương đồng ý nhưng xin các cụ cho thuê nhà gần đó để ở, vì hai bên đều trong cảnh “tứ đại đồng đường” chật chội, vả lại cô cũng nghe câu “xa thương gần thường” nên chỉ muốn “kính nhi viễn chi” với bầy chị em gái đông đúc của Lâm. Cô cũng tính, ở gần thế muốn về thăm nom cũng tiện, mà hai vợ chồng trẻ vẫn giữ được sự riêng tư. Thế là hai người đang bận rộn trông thợ sửa lại ngôi nhà thuê trước khi dọn đến ở. Muôn chuyện rắc rối Chưa thuê được thì nháo nhào đi hỏi thăm, đọc báo toàn gặp phải “cò nhà”, sau hai tháng Lam và Hằng tìm được một căn nhà tạm ưng ưng, nhưng giá cả lại cao quá, chủ nhà đòi giả trước ngay nửa năm, “thương các em chị mới cho thuê, chứ chị cho bọn Tây ở giá cao gấp đôi đấy!”. Tính đi tính lại, giờ ở căn hộ cấp 4 mái tôn như thời sinh viên cũng úi xùi quá, cả hai đồng ý. Dọn nhà đến vài tháng, Hằng kêu ca: “Đủ thứ tiền tổ dân phố bắt đóng góp, có những tiền từ năm ngoái, mà đi họp tổ thì mình vừa có ý kiến mọi người đã gạt phắt đi, cô mới đến, thuê nhà biết gì, lệ ở đây nó thế!”. Chủ nhà thì chỉ đạo bắt phải kê bếp ở đây, giường ngủ ở kia, vì “bọn em thuê nhưng chị vẫn là chủ nhà, thế này nó mới hợp mạng với chồng chị”. Lâm và Linh Hương đầu tiên tính đơn giản thuê nhà chỉ để… ngủ, ăn thì trưa cơm hộp ở Công ty, tối ở ngoài rồi đi chơi cho tiện, không thì chạy về nhà bố mẹ cũng chả sao. Linh Hương mua sắm hẳn mấy bộ ga gối Hàn Quốc, dăm cái đèn ngủ cầu kỳ trang trí phòng ngủ cho “hoành tráng”. Đến lúc ở rồi mới biết khu này mất nước thường xuyên vì đường ống hỏng, bể nước dự trữ của nhà chỉ có nửa mét khối, nhiều khi quên canh giờ để chạy về bơm nước thì nước rửa mặt hay xả toa lét cũng không có, lại đành hớt hải chạy về nhà bố mẹ đẻ. Về phía “bên A” - chủ cho thuê, bà Vân ở Bách Khoa, có hai căn hộ trống đã cho thuê lâu năm thì phàn nàn: “Các anh chị ấy nghĩ là không ở lâu, mất tiền mua mâm thì phải đâm cho thủng, bệ bếp tróc hết gạch men, nước suốt ngày tràn xuống hộ dưới, họ phản ánh thì không chịu nghe, nói là người thuê không biết gì, rồi họ cứ nã đầu tôi mà kêu réo! Tiền thì suốt ngày trả muộn, bạn bè tụ tập đến 12h vẫn ầm ĩ nhậu nhẹt, lại còn nuôi cả gà chọi gáy ông ổng lúc mọi người đang ngủ”. Bà định một căn để cho vợ chồng cô con gái, một căn bán đi lúc nhà được giá, “cho thuê vài triệu một tháng chả bõ bực mình”. Cho thuê nhà là thoả thuận giữa hai bên, cần phải có những điều chỉnh để hai bên cùng được việc. Vân Anh đã có “thâm niên” ở trọ nên rất có kinh nghiệm trong chuyện thuê nhà. Cô làm hợp đồng kỹ càng từ cách thức trả tiền, ngày trả tiền mỗi tháng, bàn giao các tài sản sẵn có trong nhà. Đầu tiên nhờ chủ nhà dẫn vợ chồng đến trình báo Công an Phường, tổ dân phố. Cô chịu khó thăm hỏi các nhà xung quanh, về quê lần nào lên cũng có quà đặc sản dăm chiếc bánh phu thê Đình Bảng chia cho mọi người. Bóng đèn ở cầu thang chung bị cháy, ai cũng lừng chừng chưa thay thì cô đã nhắc Phương ra sửa. Lối đi chung cũng được cô thường xuyên quét dọn, vì cô nghĩ mình là người mới, cố gắng một chút cũng không tốn nhiều sức mà lại được lòng mọi người, mình còn ở lâu dài, gặp chuyện gì còn có xung quanh giúp đỡ. Từ chỗ dè chừng, dần dần Vân Anh cũng được hàng xóm mới quý mến và tin cậy. Chủ nhà thỉnh thoảng đến xem, rất hài lòng vì vợ chồng cô ăn ở sạch sẽ, cẩn thận, không coi nhà là chốn thuê mướn tạm bợ mà bỏ bê không chăm sóc. Căn hộ nhỏ trước kia tối tăm ẩm mốc, nay sáng trưng vì những chiếc rèm ca rô xinh xắn và mấy chậu hoa mười giờ đỏ thắm nơi bậu cửa. Rồi một hôm bà mẹ Phương tìm đến xem cậu con trai cưng ăn ở thế nào, không gặp hai vợ chồng, bà ngồi bên hàng xóm, nghe mọi người hết lời khen ngợi cô con dâu không được thừa nhận và xuýt xoa trộm vía thằng cháu giai kháu khỉnh mà bà chưa biết mặt. Sốt ruột quá, bà chờ tận đến tối, rồi sau đó chờ được đến ngày để rước mẹ con nó về, khỏi phải đi thuê nhà, tội nghiệp! Hạnh Chi (Còn nữa)
▪ Nữ sinh tranh thủ… cưới (29/10/2007)
▪ Ứng xử khi bị vợ “cắm sừng” (26/10/2007)
▪ "Đừng yêu nhau nữa" (25/10/2007)
▪ Chớ nên đánh “người chạy lại” (24/10/2007)
▪ Chồng có như không! (22/10/2007)
▪ Vì sao phụ nữ chán chồng? (22/10/2007)
▪ Thử chồng - Lợi bất cập hại (22/10/2007)
▪ Để hôn nhân không còn là nỗi lo (20/10/2007)
▪ 5 lý do khiến "yêu" kém nồng nhiệt sau hôn nhân (20/10/2007)
▪ Mẹo quyến rũ của nàng (20/10/2007)