“Sống thử” nhưng “yêu thật” còn hơn…
Các Website khác - 06/12/2007
“Sống thử” đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Tuy nhiên, các bài viết thường chỉ tiếp cận vấn đề này dưới góc độ đánh giá chủ quan và dành cho nó cái nhìn không mấy thiện cảm. Hãy một lần lắng nghe tiếng nói của những người trong cuộc…


Hơn ai hết, những đôi yêu nhau phải "toan tính" rất nhiều khi quyết định về sống cùng nhau.

Có thể nói “sống thử” hay “sống thật” đều là “lò luyện” số một cho tình yêu. Nó sẽ đào thải những tình yêu vụ lợi, thiếu sự cảm thông và chia sẻ trong cuộc sống. Tất cả những lời thề thốt bay bướm chỉ là lý thuyết suông nếu không được trải nghiệm qua “thực tế”. Phải yêu và tin tưởng tuyệt đối mới khiến không chỉ nữ, mà cả nam dám về sống cùng người “bạn đời” của mình được. 

Trách nhiệm 

Hùng và Lan yêu nhau ngay những ngày đầu đặt chân vào giảng đường đại học. Vốn đều là ngoại tỉnh, họ phải thuê trọ trong suốt bốn năm học dài tưởng như không bao giờ kết thúc. Ra trường, họ quyết định về với nhau. 

Hùng nói: “Từ ngày về sống cùng nhau, mình cảm thấy thực sự trưởng thành. Mình bắt đầu suy nghĩ “đàn ông” hơn. Mình tìm thuê một phòng tốt hơn để sinh hoạt. Những buổi sinh nhật thâu đêm, những chầu bia vô bổ đã không còn trong gian biểu của mình. Sau ngày làm việc, bao giờ mình cũng về thật nhanh để giúp Lan vì mình biết Lan cũng phải làm việc như mình mà”. 

Lan vui vẻ tâm sự: “Mình không ngờ lại làm được những việc như thế. Ngày còn đi học, mình không thể dạy sớm và rất ngại làm việc nhà. Nhưng từ ngày “ra riêng”, mình tự nhiên thay đổi hẳn. Sáng dạy sớm đi chợ, nấu ăn. Bọn mình ăn sáng ở nhà, mang bữa trưa theo luôn, như thế vừa rẻ, vừa ngon lại sạch sẽ, tối về bọn mình ăn cùng nhau.

Mình thấy hạnh phúc khi được trực tiếp chăm sóc người yêu và thực sự thấy vui khi được chăm sóc cho ngôi nhà nhỏ bé này. Càng ngày mình càng yêu nó”. 

Trả lời câu hỏi: “Các bạn có sợ “chán” nhau không, nhất là khi hai người không có một sự ràng buộc pháp lý nào cả?”.  

Hai bạn cùng chia sẻ ý kiến: “Khi tình yêu và niềm tin đủ lớn thì không có gì phải sợ. Còn ngược lại, mọi ràng buộc phỏng có ích gì? Bọn mình cũng chuẩn bị đi đăng ký, nhưng chưa tổ chức ngay được vì điều kiện mà. Bọn mình làm vậy cho “các cụ” vui thôi, chứ thực tế, không bao giờ bọn mình coi đó là yếu tố bảo đảm cho tình yêu bền vững cả”. 

Nghe Hùng và Lan tâm sự ta lại tự hỏi, thế cái gì là “thử” và cái gì là “thật” bây giờ? Biết bao đôi đăng ký cưới xin, đám cưới “hoành tráng” để rồi lại li dị tìm một tình yêu mới phù hợp hơn. Có lẽ đây mới là “thử”? Còn biết bao đôi vì hoàn cảnh mà không thể “hoành tráng” nhưng lại sống có trách nhiệm và yêu thương nhau, một lòng xây dựng cuộc sống vì ngày mai tốt đẹp hơn. Chắc chắn đây sẽ là “thật”! 

Lan, ngoài giờ làm việc là về nhà chăm sóc cho tổ ấm của mình. Còn Hùng đi làm thêm ngoài giờ để sắm sửa thêm cho Lan đỡ vất vả. Đến thăm họ, bạn bè không khỏi mừng thầm chúc mừng hai bạn khi thấy ngôi nhà của họ ngày một đầy đủ, từ cái bếp ga, lò vi sóng, rồi cái TV, cái tủ đựng quần áo. Hai bạn “bật mí” rằng, cố gắng dành dụm và sẽ mua một “tổ ấm” thực sự trong vài ba năm tới.  

“Chúc cho mọi người sớm đạt được ước mơ và mãi mãi hạnh phúc” là lời và Lan và Hùng dành tặng cho những ai đang phải “sống thử” nhưng yêu thật vì chưa đủ điều kiện làm đám cưới.  

Bố mẹ Hùng và Lan xuống thăm các con cũng bộc bạch: “Thực ra nếu tổ chức thì cũng tốt hơn, đỡ ngại với bà con làng xóm. Nhưng điều kiện chưa cho phép thì biết làm sao được. Lo cho hai đứa ăn học xong là gia đình cũng đã nợ nần chồng chất rồi. Nếu thực sự chúng nó yêu thương nhau thì cưới xin cũng không quan trọng lắm. Còn nếu không, thì có làm “mâm cao cỗ đầy” cũng chẳng giữ chân nhau được”. 

Đúng là “sống thử nhưng yêu thật” sẽ tốt hơn rất nhiều so với “sống thật nhưng yêu thử”. 

Tiết kiệm  

Ra trường, một bài toán kính tế được đặt ra cho Hoàng và Hương. Tiền thuê nhà 750.000, kể cả tiền ăn uống, điện nước, tiết kiệm lắm mỗi tháng mỗi người cũng phải hết 2 triệu đồng. Với mức lương khởi điểm còm cõi của họ, đây quả là gánh nặng không của riêng ai khi một mình đối mặt với cuộc sống. 

Yêu nhau đã được ba năm, bây giờ chính là lúc học phải biến đổi về “chất” cho tình yêu của mình. Cùng là “dân” Kinh tế nên họ nhanh chóng tìm ra lời giải cho bài toán hóc búa này: “Về sống cùng nhau”. 

Tìm thuê được một căn phòng ưng ý, mua sắm các vật dụng cần thiết cho cuộc sống. Bắt đầu từ tháng thứ hai, mỗi tháng họ tiết kiệm được một suất lương. Giờ đây, họ có quyền mơ ước một ngày không xa, sẽ có đủ vốn để mở một công ty kinh doanh, thỏa niềm mong ước của những năm tháng ngồi trên giảng đường. 

Cùng chung lý tưởng kinh doanh, lại có niềm tin sâu sắc vào tình yêu và cuộc sống, Hoàng và Hương đang căng đầy sức trẻ, tràn ngập hoài bão hướng tới một tương lai tươi sáng. Họ tâm sự: “Có thực mới vực được đạo, là dân kinh tế nên bọn mình thấy hiểu điều đó. Giờ đây, sổ tiết kiệm của bọn mình đang tăng đều đặn theo cấp số cộng, nhỏ thôi nhưng quan trọng hơn, niềm tin của bọn mình đang tăng theo cấp số nhân”. 

Cũng như Hoàng và Hương, Hằng và Hải yêu nhau, mối tình của họ cũng đầy lãng mạn, nhưng gánh nặng kinh tế cứ như ngày càng trĩu nặng trên vai họ khi giá cả ngày một “leo thang”. 

Hải vốn là một công nhân, mức lương của anh không lấy gì làm dư giả. Còn Hằng mới tốt nghiệp đại học, mới đi làm nên mức lương cũng còn thấp. Về sống với nhau là một “tất yếu khách quan”, họ không thể cứ “lãng mạn kinh tế” mà yêu nhau mãi được. Họ cũng phải đối mặt với cuộc sống giống bao người khác. 

Hằng chia sẻ: “Về sống với nhau, mình động viên anh ấy đi học tại chức. Vừa đi học vừa đi làm thêm, anh ấy luôn tiết kiệm để giúp mình có thêm những khoản nho nhỏ, dù chưa lớn nhưng cũng đủ để mình trang trải cuộc sống”. 

Hải tươi cười hạnh phúc: “Bà xã mình thật tuyệt, xóa tan mọi vết tự ti trong mình. Giờ đây cuộc sống bọn mình đã có một bước ngoặt quan trọng, tình yêu của bọn mình đã lên một “tầm cao” mới”. 

Một lần nữa lại thấy, với tình yêu chân thành thì “sống thử” hay “sống thật” hỏi có khác biệt gì? 

Hoạch định tương lai 

Hùng và Lan cho biết: “Bọn mình muốn xây dựng một tương lai chắc chắn, chưa muốn có con vội nên đang “kế hoạch”, hy vọng thế hệ sau sẽ không còn những khó khăn tới mức phải “sống thử”. Trước mắt vẫn phải cố gắng tiết kiệm để mua nhà. Sau đó tính gì mới tính”. 

Hải giờ đây đang học tại chức, được Hằng động viên nên anh học thêm cả ngoại ngữ và tin học. Anh thấy thực sự vững tin vào cuộc sống. Cuộc sống hiện tại còn vất vả nhưng anh bắt đầu tự tin hơn với những dự định xa xôi. Ngày đi làm, đi học, tối về lại cùng Hằng dịch tài liệu, Hải vừa học vừa giúp Hằng trong công việc. Anh bắt đầu xây dựng những ước mơ mà trước đây anh chưa từng nghĩ tới. 

Còn Hoàng và Hương giờ đây cũng bắt đầu mở được một gian hàng nho nhỏ phục vụ đồ ăn cho nhân viên và khách hàng trong một trung tâm siêu thị. Còn nhiều khó khăn nhưng họ thực sự vững tin khi được “làm chủ”.

Trả lời câu hỏi: “Các bạn có bao giờ cãi nhau không?”. Tất cả đều cười vui vẻ: “Bát đũa còn có lúc xô nhau nữa mà. Bọn mình coi đó là những “gia vị” không thể thiếu cho tình yêu và cuộc sống”.

Vĩnh Thương (Theo DT )