Chiếc băng cao dán của Susie
Các Website khác - 29/11/2004

“Con chào mẹ. Mẹ đang làm gì vậy?” – Susie hỏi.

“Susie của mẹ đấy hả? Mẹ đang làm món thịt hầm cho bà Smith cạnh nhà mình” – mẹ Susie trả lời.

“Sao mẹ phải làm cho bà ấy?” – Susie, một bé gái 6 tuổi, hỏi lại.

“Bởi vì bà Smith rất buồn. Bà đã mất đi đứa con gái của mình và lòng bà đang tan nát. Chúng ta cần phải giúp đỡ bà một thời gian”.

“Sao vậy mẹ?” – Susie lại hỏi.

“Con thấy đó, Susie, khi một người nào đó quá đau buồn, họ khó làm được những việc nhỏ nhặt như chuẩn bị bữa ăn tối hay công việc lặt vặt trong nhà. Chúng ta sống trong cùng một cộng đồng và bà Smith là hàng xóm của mình, vì vậy chúng ta cần phải làm một điều gì đó để giúp bà. Con là một cô bé thông minh, Susie, vì vậy con hãy nghĩ ra một cách nào đó giúp bà Smith”.

Susie suy nghĩ nghiêm túc về những lời của mẹ và về cách bé có thể giúp bà Smith. Vài phút sau, Susie gõ cửa nhà bà Smith nhưng phải một lúc sau bà Smith mới mở cửa và cất lời: “Chào con, Susie”.

Susie nhận ra ngay giọng bà Smith không vui vẻ như khi bà chào mọi người trước đây. Hình như bà Smith vừa khóc xong vì Susie thấy mắt bà ướt và sưng.

“Cháu cần gì ở bà hả Susie?” – bà Smith hỏi.

“Thưa bà, mẹ cháu nói rằng bà đang rất buồn vì chị Mary con của bà không còn nữa” – Susie vừa nói vừa chìa tay ra một cách rụt rè. Trong tay bé là một băng cao dán. “Cái này là để giúp bà bớt buồn”.

Bà Smith thổn thức nhưng cố nuốt nước mắt. Bà quỳ xuống và ôm lấy Susie. Vừa khóc, bà vừa nói: “Cảm ơn con nhé, con thật là tốt bụng. Cái này sẽ giúp bà nhiều lắm đây”.

Bà Smith chấp nhận nghĩa cử tốt đẹp của Susie nhưng không chỉ có thế. Bà quyết định mua một cái móc khóa nhỏ kèm khung hình bằng thủy tinh và cẩn thận đặt vào đó chiếc cao dán. Bà Smith biết rằng để nguôi ngoai nỗi buồn cần phải có thời gian và sự hỗ trợ, nhưng chiếc cao dán của Susie đã trở thành biểu tượng hàn gắn vết thương lòng của riêng bà dù bà không thể quên đi niềm hạnh phúc đã từng có với đứa con gái Mary xấu số.

Thảo Quân (Từ Internet)


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA