Có nên theo đuổi một tình yêu vô vọng?
Các Website khác - 28/10/2004

Tình yêu rất dễ làm cho con người ta đắm say. Yêu không tha thiết, không đắm say, không hết mình thì đó không phải là tình yêu thực sự mà đó chỉ là một cái gì đó giống như là tình yêu. Nhưng yêu ở mức nào mới là vấn đề đáng bàn đến. Bởi có những tình yêu được đáp lại và có những tình yêu bị khước từ. Vậy có nên si mê, theo đuổi mãi một tình yêu vô vọng hay không?

Nam là một kiến trúc sư trẻ đầy triển vọng. Anh rất yêu Hoài, một sinh viên kinh tế mới ra trường. Đó là chuyện bình thường. Nhưng Hoài lại chẳng hề yêu Nam, dù rằng Nam có đủ điều kiện để trở thành một người yêu lý tưởng – theo đánh giá của bạn bè Hoài. Như vậy cũng chưa có gì đáng nói, hàng ngày trên đời này có hàng triệu mối quan hệ như vậy. Điều đáng nói là mặc dù Nam biết rõ là Hoài không yêu mình, cô chỉ coi anh là một người bạn nhưng anh vẫn mãi theo đuổi nguời mình yêu và ngày càng si mê, ngày càng cuồng nhiệt hơn.

Thoạt đầu, Nam gọi điện cho Hoài, nhưng vì gọi điện nhiều quá mà quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những lời tán tỉnh hoặc hò hẹn đi chơi. Nên sau mấy lần từ chối mãi không được, cứ nghe giọng Nam trong máy là Hoài lại dập máy. Không gọi điện được thì hàng ngày, sau khi hết giờ làm, Nam lại vội vã phóng xe sang công ty Hoài và đợi cô ở đó. Hoài đành gượng gạo tiếp chuyện, cũng vẫn chỉ là những lời hỏi thăm vớ vẩn, dăm ba câu tán tỉnh nhạt nhẽo. Vài lần như vậy, cứ thấy bóng Nam ngoài cổng là Hoài lại trốn, không về. Thấy vậy, Nam bèn cầu cứu đến cô bạn gái thân của Hoài, hẹn Hoài đi uống nước để Nam có cơ hội thổ lộ lòng mình. Sau vài lần như vậy, Hoài cũng trốn luôn và cô bạn thân không thể nào mời Hoài đi uống nước được nữa. Nam rất đau khổ, anh bèn viết câu chuyện của mình lên một trang Web trên mạng Internet.

Cảm thông với nỗi đau khổ của một tình yêu bị khước từ, rất nhiều bạn trẻ đã gửi email an ủi Nam. Không ít người nói với Nam rằng, việc anh yêu một ai đó và không được đáp lại là chuyện rất bình thường ở trên đời này, vì vậy hãy cố gắng chịu đựng và kiên trì theo đuổi, rồi sẽ có lúc thành công. Vì họ cho rằng anh còn có một may mắn là Hoài chưa yêu ai. Song cũng có không ít bạn trẻ an ủi và nói với Nam rằng, sự kiên trì theo đuổi bằng mọi cách như thế chẳng những rất khó đi đến kết quả mong muốn mà trái lại, có khi nguời ta hoảng sợ trước sự bám đuổi và càng bỏ chạy. Còn Nam, anh luôn tự dằn vặt mình: “Tại sao Hoài lại không yêu mình, mình có kém cỏi gì so với những người khác đâu cơ chứ? Hay Hoài mắc bệnh lãnh cảm nên không cảm nhận được tình yêu của mình?”

Thực ra, có một điều cơ bản mà Nam không hiểu hay cố tình không hiểu. Trong cuộc sống chuyện anh A yêu cô B nhưng cô B lại yêu anh C và rất có thể anh C chưa yêu ai cả nhưng cũng không yêu cô B chẳng có gì là lạ cả. Khi yêu, ta khát khao, mơ tưởng đến họ vì họ phù hợp với “lý tưởng thẩm mỹ” của ta. Nhưng việc ta có phải là đối tượng khao khát của người đó không lại là chuyện khác, rất khác. Và nếu trên đời này, ta yêu bất kỳ ai cũng được người đó đáp lại thì tình yêu quá đơn giản. Ngay cả một việc đơn giản là ta thích một đồ vật nào đó nhưng không đủ tiền mua thì cũng đành chịu, chỉ đứng ngoài nhìn hoặc để nguời khác mua mất, huống chi là tình yêu không thể mua được bằng tiền.

Nếu bạn cứ mãi theo đuổi một người nào đó, có thể bạn sẽ làm cho người ta cảm động mà yêu bạn, nhưng cũng có thể người ta chỉ thương hại bạn thôi. Lẽ nào sự thương hại đó lại là tình yêu?

Thực ra để có được tình yêu có một cách và chỉ có một cách duy nhất đó chính là cuốn hút lẫn nhau. Có người cuốn hút “đối tượng” bằng tài năng, có người bằng nhan sắc. Thậm chí có người dùng cả danh vọng và tiền tài để cuốn hút đối tượng. Nhưng cuốn hút lẫn nhau không phải bằng sự “đeo bám”, “đẹp trai không bằng chai mặt”.

Trong tình yêu có một quy luật, đó là sự tương xứng, nói đơn giản là “nồi nào vung nấy”. Tuy vậy, cũng có những trường hợp, mọi cái đều phù hợp mà cũng không đến được với tình yêu. Hoài tâm sự: “Bạn bè tôi bảo, Nam có đủ điều kiện và rất xứng với tôi, vậy tại sao tôi không yêu Nam, tôi còn muốn một người yêu như thế nào nữa chứ? Tôi cũng chẳng biết tại sao, tôi không ghét anh ấy, tôi chỉ không yêu anh ấy mà thôi!”. Tại sao lại như vậy? Hoài không hiểu, Nam không hiểu, bạn bè của họ không hiểu và có thể ngay cả các chuyên gia tâm lý cũng không thể lý giải được điều đó. Ngay cả câu hỏi “Tại sao mình yêu người đó?” đã rất khó trả lời, huống chi câu hỏi “Vì sao mình không yêu người ấy?”. Có thể chẳng bởi cái gì cả, phải không bạn? Chỉ đơn giản vì con tim không rung động trước người ấy, thế thôi. Vì vậy, nếu bạn muốn biết vì sao người ấy không yêu bạn thì xin đừng hỏi, vì nếu người ấy có trả lời thì cũng chỉ là những lời an ủi hay nói dối mà thôi.

Sự theo đuổi mù quáng đó đôi khi cũng bắt nguồn từ sự lừa dối chính bản thân mình, tự huyễn hoặc mình rằng một ngày nào đó sự kiên trì của mình có thể được đền đáp lại. Cũng có thể bắt nguồn từ chính niềm tin mãnh liệt vào bản thân, tự cho rằng mình như thế này và người ấy chưa yêu ai thì nhất đinh người ấy sẽ yêu mình. Và nếu hiện nay người ấy chưa yêu mình thì chỉ có thể là mình chưa biết cách làm cho người ta yêu mà thôi.

Trong trường hợp của Nam, bạn sẽ làm gì? Tiếp tục theo đuổi hay tìm cách thoát ra khỏi tình trạng này? Có thể bạn cho rằng, không dễ dàng gì từ bỏ người mà mình yêu thương. Điều đó hoàn toàn đúng. Và tất nhiên, làm như vậy sẽ không tránh khỏi sự đau đớn trong tâm hồn. Nhưng bạn có tin không: “Thà đau một lần còn hơn đau mãi mãi”? Thời gian đau khổ đó kéo dài chừng nào còn tuỳ thuộc vào nghị lực và lý trí của người đó. Người Do Thái có câu “Thượng đế không bao giờ sinh ra những đau khổ mà con người không thể chịu đựng được”. Sức chịu đựng của con người quả là phi thường, bạn ạ. Có những nỗi đau tưởng chừng như không thể nào vượt qua nhưng rồi thời gian sẽ làm nó phôi pha. Đó là sự kỳ diệu của tạo hoá đã tạo nên cơ chế bảo vệ hệ thần kinh của con người. Đôi khi vết thương gây ra bởi tình yêu lại được chữa trị bằng chính phương thức kỳ diệu của tình yêu - một tình yêu mới. Lẽ nào bạn lại tự đánh mất cơ hội đó của chính mình?

Điện ảnh Hàn Quốc có bộ phim nổi tiếng “Yêu bằng cả trái tim”, nhưng có lẽ chỉ một trái tim thôi thì chưa đủ, bên cạnh nó còn cần “sự đồng điệu” của một trái tim khác và một trí tuệ đủ để nhận biết được người ta có yêu mình hay không.

Ngọc Trang