Giỏi việc nước, “nản” việc nhà
Các Website khác - 18/10/2007

Đã qua rồi thời bất bình đẳng giới. Thời này ai giỏi hơn, kiếm được nhiều tiền hơn thì… không phải làm việc nhà. Là những nhà quản lý, tiếng nói của họ ở cơ quan luôn được mọi người nể phục, vậy tại sao họ phải làm những công việc không tên trong gia đình?

 

Nga tốt nghiệp ĐH, lại thêm mấy năm du học với tấm bằng thạc sỹ quản trị, về nước ngay lập tức được nhận vào làm tại một ngân hàng có tiếng với mức lương khá cao. Lấy chồng làm cùng ngân hàng, Nga thấy chẳng thua kém anh ở bất kỳ điểm nào, nếu không muốn nói đôi chỗ còn… nhỉnh hơn một chút.

 

Ngay khi lấy nhau, một lịch trực nhật, dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, quần áo được Nga phân công rất rõ. Ba, Năm, Bảy, Nga làm; Hai, Tư, Sáu Tuấn - chồng Nga - phải chịu trách nhiệm. Chủ nhật cả hai cùng tổng vệ sinh.

 

Lịch phân ra là thế, nhưng có ai chịu làm, người nọ cứ nghĩ để mai người kia sẽ làm. Vậy nên việc không tên cứ thế ùn lại, Chủ nhật cả hai cùng giải quyết. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, ngôi nhà của họ đã thành một bãi chiến trường, giường ngủ không khác gì “chuồng ngủ”.

 

Tuấn bàn với Nga thuê người giúp việc nhưng Nga không đồng ý: “Mình con cái chưa có, buổi trưa lại ăn ngoài, tối ăn linh tinh, vậy mà mỗi tháng lại phải trả một khoản tiền thì phí lắm. Cứ tiết kiệm, năm sau, năm sau nữa kiếm cái ô tô mà đi lại cho tiện”.

 

Vậy là họ cùng “tiết kiệm” với giải pháp hoàn toàn mới: Tối ăn mì gói (để đỡ phải nấu nướng), quần áo chất đấy cuối tuần rảnh thì cùng giặt. Mới nghe qua thấy rất “ổn”, nhưng không ai để ý rằng họ liên tục “cò quay” quần áo đã qua “sử dụng”, nhiều hôm leo lên “chuồng ngủ” với cái bụng ọc ạch vì đói mà nguyên nhân chính là lười.

 

Tuấn với Nga dù sao cũng còn trẻ, chưa vướng bận con cái, họ tôn sùng lối sống phương Tây nên quan điểm sống rất “thoáng”, họ có thể cùng “chung sống hòa bình” theo kiểu… ký túc xá sinh viên.

 

Trái ngược với Tuấn và Nga, “cặp già” Duy - Hiền lại có một cuộc hoán đổi vị trí ngoạn mục. Kể từ ngày được “cất nhắc” lên chức phó giám đốc ở cơ quan, Hiền “tự đề cử” vào vai trò “trụ cột” gia đình. Trụ cột không có nghĩa là Hiền sẽ trở thành một người chồng, mà đơn giản, Duy sẽ trở thành một người vợ, ít nhất là trong công việc gia đình.

 

Chẳng thích thú gì việc nhà nhưng “trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời”, Duy đành một tay lo việc cơ quan, một tay lo làm “vợ” cho “trụ cột” mới nổi trong gia đình.

 

Thế mà nào đã yên, cái “trụ cột” ngày càng tác oai tác quái, đi làm về mà chưa có cơm ăn là bắt đầu hoạnh họe: “Tôi chẳng hiểu anh làm cái gì mà đến giờ này vẫn chưa có cơm ăn? Bận trăm công nghìn việc gì cho nó cam, đằng này…”.

 

Bỏ lửng câu nói, Hiền chạy lại thả người xuống ghế ngồi xem TV chờ cơm chín. Chưa dừng lại ở đó, giờ đây nào quần áo, giày dép, nhà cửa, đưa đón con cái… một tay Duy phải lo. Nhiều khi Duy nghĩ quẩn: “Giờ mà li dị có lẽ mình vẫn sống tốt. Không ngờ mình vừa có thể làm bố, vừa có thể làm mẹ được”.

 

Vợ tôi nhan sắc

 

Đàn ông ai chẳng thích lấy được vợ xinh. Ấy là lúc chưa cưới thôi, chứ cưới rồi thì nhiều ông ước gì cho vợ mình bớt đẹp. Ước gì vợ mình cũng như bao người vợ khác, đừng kiêu sa, đừng lộng lẫy để có thể vào bếp mà không lo bẩn tay, giặt quần áo mà không lo gẫy móng, đưa đón con cái mà không lo bụi “găm” vào mặt đến nổi mụn…

 

Nhớ lại thời còn yêu, Hùng rất tự hào khi có người yêu xinh đẹp như Thắm. Lấy nhau về rồi Hùng mới hiểu, Thắm vẫn đẹp, như một búp bê chỉ có thể trưng trong tủ kính mà ngắm chứ không thể làm gì.

 

Giặt quần áo: sợ gãy móng, lau nhà: sợ chai tay, nấu ăn: sợ phỏng mỡ, ra đường: sợ bụi… còn nhiều lắm những lí do khiến Thắm không thể làm việc. Thắm cũng thích làm việc, nhưng đó phải là ngồi xem TV, trước máy tính trong phòng điều hòa, Thắm cũng thích ra đường nhưng phải ngồi taxi…

 

Chung hạnh phúc vô cùng khi vợ sinh hạ cho mình một quý tử để nối dõi, nhưng niềm vui chưa được bao lâu đã vội leo lét rồi tắt ngúm. Không mang nặng đẻ đau nhưng có lẽ Chung mới là người mẹ thực sự của con mình.

 

Vì sắc đẹp, ngay sau khi sinh, Thủy, vợ Chung, đã “nghiên cứu” các biện pháp “phục hồi” nhan sắc. Hạn chế cho con bú, cho con ngủ với chồng để tiện việc thay tã, lót. Không biết có yêu con không nhưng rất ít khi thấy Thủy ôm ấp bé. Pha sữa, thay, giặt tã cũng một tay Chung làm. Thủy chỉ có việc duy nhất là “tân trang” lại nhan sắc, Thủy sợ mùi “tanh tanh” của trẻ con, sợ chúng “phóng uế” lên người mình…

 

Chung yêu vợ thương con, muốn bù đắp cho vợ thật nhiều sau những ngày mang nặng đẻ đau nên chẳng nề hà việc gì. Nhưng vẫn có lúc anh hoài nghi về khả năng làm mẹ của Thủy.

 

Vợ thích ô-sin

 

Mới cưới, điều kiện kinh tế còn khó khăn, vậy mà Thảo một mực đòi Tuấn phải thuê ô-sin: “Bạn em đứa nào chẳng thuê ô-sin, tốn kém đáng là bao mà lại đỡ khổ, nhà cửa gì mà công việc cứ ngập đầu”.

 

Ai chẳng thương vợ, ai chẳng muốn vợ đỡ khổ, đâu phải Tuấn không muốn thuê người giúp việc nhưng lương tháng hai vợ chồng chỉ được gần 4 triệu, giờ lại thêm ngót nghét triệu bạc thuê người làm… Mà Thảo có bận bịu gì cho cam, làm hành chính, lại toàn đi muộn về sớm, tuần còn được nghỉ những 2 ngày.

 

Đúng là Thảo không bận, chỉ muốn oai với bạn bè. Cô cũng không lười, chỉ “ngại” việc nhà thôi. Thảo kiên quyết đấu tranh và cuối cùng Tuấn phải đồng ý trích một số tiền không nhỏ hàng tháng của hai vợ chồng ra để thuê ô-sin cho vợ.

 

Khác với vợ chồng Tuấn - Thảo, Giang - Hương có điều kiện kinh tế khá hơn. Có lẽ cũng vì thế mà Hương trả rất “hậu” cho người giúp việc với yêu cầu phải có mặt 24/7 kể cả ngày lễ tết. Ốm đau, về quê phải có người thay thế.

 

Tiền bạc không thành vấn đề với Giang, nhưng anh cảm thấy hình như những người giúp việc mới là vợ anh, người lo cho anh từ miếng ăn, cái mặc, tách cà phê buổi sáng, thậm chí đến giấc ngủ…

 

Giang thèm cảm giác được vợ quan tâm, nhiều lúc thầm ước, giá nhà nghèo một tí, hai vợ chồng chia sẻ công việc, thỉnh thoảng có cãi nhau nhưng đấy mới là hạnh phúc. Chứ giờ mọi thứ trong gia đình đều hoàn hảo, hoàn hảo đến tuyệt đối mà Giang thèm cảm giác được làm chồng, cảm giác có vợ dậy trước chuẩn bị cho mình một món yêu thích, pha cho mình một ly cà phê.

 

Giang thèm được mặc những cái áo do chính tay vợ giặt là cẩn thận, thèm những bữa tối đầy hạnh phúc do chính tay vợ nấu… Những thứ này chỉ có thời Hương chưa “giỏi việc nước” thôi, còn giờ nếu “đề đạt nguyện vọng” sẽ được nghe Hương phán: “Anh chỉ nhiễu chuyện, để em nghỉ tí chứ”.

 

Vâng, em cứ nghỉ đi, cứ an nhàn trên sự mòn mỏi của tình yêu, cứ giàu có trên sự nghèo nàn của hạnh phúc. Biết nói gì đây khi anh không thiếu gì? Biết nói gì đây khi tiền bạc vẫn mang lại mọi thứ cho anh? Chỉ có điều, những thứ ấy không phải từ tay em, điều anh cần nhất cho hạnh phúc trên cõi đời này. Ước gì em mãi giỏi việc nước mà việc nhà không nản.

 

Thanh Phong