Ai mua… tôi bán spam cho
Từ một địa chỉ có cái tên rất kêu là “Vietnam E-marketing” của hệ thống gmail, một “spam thủ” người Việt gửi đi khoảng 1,5 triệu thư chào hàng. Nội dung khá kêu: “Quí vị đã biết gì về công nghệ E-marketing chưa? Đó là công nghệ tạo ra khách hàng và quảng bá sản phẩm nhanh nhất hiện nay…”.
Kèm theo đó là hàng loạt lời giới thiệu mang đầy âm hưởng của… keo diệt chuột. Và cuối cùng, sản phẩm chính mà chủ nhân của lá thư này muốn giới thiệu mới hiện ra: anh chàng rao bán 1.523.000 địa chỉ email của người Việt.
Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, spam - hay còn được gọi là “thư nhũng lạm” hoặc “email rác” - là những thư điện tử vô bổ thường chứa những quảng cáo được gửi một cách vô tội vạ. Đích đến của spam là một danh sách rất dài được thu thập bằng nhiều cách thức, nhiều nguồn gốc khác nhau nhưng đều không chính qui. Spam gây tiêu tốn hàng chục tỉ USD mỗi năm cho công tác phòng ngừa và gây tắc nghẽn hệ thống mạng Internet. |
Một cách khá khoa học, các địa chỉ email được phân chia thành từng nhóm nhỏ: nhóm do các công ty trong nước cung cấp như @hn.Việt Namn.Việt Nam; @fpt.Việt Nam… hay những địa chỉ quốc tế của người Việt @yahoo.com.Việt Nam; @gmail. Giá cả dao động của mỗi nhóm từ 100.000-250.000 đồng. Còn nếu mua trọn gói thì chỉ mất 600.000 đồng.
Lá thư còn giới thiệu một sản phẩm khác của mình: phần mềm gửi mail chuyên dụng Advanced Mass Sender 4.3 có khả năng gửi 20.000 email mỗi giờ. Tác giả tỏ ra là tay bán buôn khá chuyên nghiệp khi sẵn sàng cho khách hàng dùng thử 15 ngày. Phí cài đặt và hướng dẫn sử dụng 150.000 đồng, còn muốn nhượng bản quyền thì phải chi ra 400.000 đồng.
“Muốn quảng bá dịch vụ mới, sản phẩm mới hay đơn giản là muốn tạo thanh danh cho mình, cứ việc xùy một ít tiền ra là thư sẽ tràn ngập hộp mail của mọi người ngay...”. Có lẽ lời giới thiệu này quá quyến rũ nên khá nhiều người cũng đã xiêu lòng.
Một cửa hàng hoa mới khai trương, một chương trình khuyến mãi mỹ phẩm, một website cho thuê đất đai…, tính trung bình mỗi ngày hộp thư cá nhân của người viết nhận được không dưới 15 email dạng spam này. Và lượng khách hàng kha khá này chính là lý do để ngày càng có nhiều nhóm “spam thủ” khác nhau xuất hiện trên thị trường và bắt đầu “phá giá” lẫn nhau.
Chúng tôi thử ngồi thống kê tất cả các spam mail tiếng Việt thì phát hiện có ít nhất bốn nhóm đang tung hoành trên thị trường. Và cái giá 600.000 đồng cho hơn 1 triệu email vừa nêu ở trên đang là giá thấp nhất được chào bán. Cách đây không lâu, cũng một lượng dữ liệu tương đương như thế, một “spam thủ” ở Hà Nội luôn “chắc giá” 3 triệu đồng.
Sẽ là vấn nạn
Lần theo địa chỉ cung cấp trong những email giới thiệu, tôi gặp H. - tác giả của Vietnam E-marketing. Đó là một anh chàng 26 tuổi, hơi gầy và trông rất nghệ sĩ. H. bắt đầu tranh luận rất căng về chuyện “spam hay không spam” - “xấu hay không xấu” và cuối cùng bảo: “Đằng nào thì cũng chưa có luật nào cấm gửi mail giới thiệu cả. Tức là mình chẳng phạm pháp”. H. kể cho chúng tôi nghe khá nhiều chuyện trong thế giới spam Việt Nam.
Những nhóm chuyên kinh doanh bằng việc mời chào đọc thư quảng cáo trên mạng bằng cách suốt ngày gửi mail đi khắp nơi tìm kiếm khách hàng, những nhóm thường xuyên tụ tập trên mạng chỉ để nói chuyện spam và tìm cách kinh doanh bằng những lá thư bất lịch sự này.
Cho đến bây giờ, tình hình spam “nội địa” vẫn chưa đến mức căng thẳng phải báo động. Nhưng một chuyên gia về mạng của Công ty nghiên cứu Internet Media Analyzer của Mỹ có trụ sở tại Đức cho rằng những quốc gia như Việt Nam đang là mồi ngon của thị trường spam vốn đang bị bão hòa ở các quốc gia phát triển.
Ông cho biết tốc độ phát triển Internet của khối Đông Nam Á đang tăng nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin lại chưa thật sự vững mạnh. Do đó khi cơn bão spam tràn qua, tình trạng tắc nghẽn đường truyền là không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, một sự thật mà các cơ quan thống kê trên thế giới phải thừa nhận là tình trạng spam lại thu hút được sự quan tâm khá lớn của người đọc. Và chính những lời ngon ngọt trong spam đã dẫn nhiều người đến việc thò tay vào ví mua hàng.
Có trời mới biết những thông tin được spam đến bạn có độ tin cậy bao nhiêu phần trăm. Hay lại là những cái bẫy bán hàng qua mạng, đánh cắp số thẻ tín dụng hay khai thác thông tin cá nhân để bán cho những công ty khác.
|