Tải hình vào điện thoại di động tại siêu thị điện thoại Thế giới di động - Ảnh: Như Hùng |
TT - Ma gào, sói hú... Phong trào “đỏ đen”, bói toán... Giải quyết “chuyện ấy” thế nào? Bí quyết làm nàng “sướng” ra sao?... Tất cả đang “bùng nổ” tràn ngập và hết sức “vô tư” trên dịch vụ nhắn tin qua điện thoại di động...
Mặt trái của dịch vụ nhắn tin qua điện thoại di động đã “bùng nổ” trên thị trường với những hình ảnh người mẫu không mặc áo, nhạc chuông quái đản, bói toán, chuyện thầm kín...
Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn thẳng thắn thừa nhận chuyện này... ngoài tầm tay quản lý!
Từ ma gào, sói hú... đến "chuyện kín mà không kín"
Sau khi S-Fone và MobiFone đưa ra thị trường dịch vụ “trạng thái chờ” bằng nhạc chuông thu hút nhiều khách hàng, nhiều công ty kinh doanh dịch vụ nhắn tin khác cũng tung ra hàng trăm, hàng ngàn bài hát cả tây, cả ta.
“Hiệu ứng nhạc chuông” được dịp bùng nổ. Sợ bị “đụng hàng” nên các đơn vị này tung tiếp những nhạc chuông không giống ai. Nhẹ nhàng thì có nhạc rap, những câu nói không giống ai, nặng hơn là ma gào, sói hú... mà nhà cung cấp www.pm4... cho đó là “âm thanh tả thực” (!?).
Khi tải những âm thanh này về, tiếng con nít khóc, còi xe cấp cứu, giọng người kêu la... inh ỏi trong điện thoại.
Trong khi đó, khách hàng chỉ cần soạn vài ký tự trên điện thoại di động và gửi đến số của nhà cung cấp dịch vụ, những “thầy bói ảo” sẽ cho biết thông tin từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai.
Hiện tại, những dịch vụ này được giới thiệu tràn lan trên các trang quảng cáo, đưa ra hàng loạt lời chào mời như “ngồi một nơi có thể biết được vạn sự”, “xem công danh”, “ẩn số con giáp cầm tinh”...
Những thông tin này được lập trình sẵn và có hàng trăm, hàng ngàn người giống nhau ở kết quả “phán” của “thầy”! Cũng chỉ với 2.000 đồng, người nhắn tin còn biết được sức khỏe người khác tại thời điểm đó!...
Với những dịch vụ nhắn tin liên quan đến sức khỏe và giới tính, các nhà cung cấp khai thác tối đa sự tò mò của giới trẻ, nhất là học sinh. Công ty Quang Minh DEC hiện đang sở hữu hàng trăm mã số của loại tin nhắn tâm sinh lý.
Trên trang web của mình, Quang Minh DEC gọi đó là các tin nhắn “xã hội”. Trên các tờ rơi được công ty in phát khắp nơi, chúng tôi đếm có đến 112 mã số liên quan đến chuyện thầm kín về cơ thể, cách quan hệ nam nữ... được công ty này cung cấp trên tổng đài 82...
Mỗi tin nhắn 2.000 đồng, tính ra khách hàng sẽ trả trên 220.000 đồng cho một chuỗi tin nhắn này. Chúng tôi thử nhắn một tin với nội dung “bí quyết giúp chàng... sướng” (theo mã số) thì được trả lời bằng ba tin nhắn với nội dung hướng dẫn cách quan hệ tình dục bằng... (!).
Ngoài ra còn có các tin nhắn mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào khi phát hiện cũng... tá hỏa: làm thế nào để đạt được khoái cảm liên tiếp, bí quyết làm nàng “sướng”, gãy “của quí”, chữa “vật ấy” như thế nào...
Đáng kinh hãi là trên trang web mobile.vietnamnet... có những hình ảnh động của các “mỹ nhân” mà nếu kích vào thì xiêm y trên người các cô cứ cởi ra từ từ! Có hẳn mấy trang “mỹ nhân” như vậy để khách hàng tha hồ lựa chọn đăng ký tải về!
Phong trào “đỏ đen” có mặt hầu hết trong dịch vụ các nhà cung cấp đưa ra, ít thì vài trăm ngàn đến vài chục triệu, nhiều thì có cả trúng thưởng xe hơi. Ngay cả Công ty truyền hình VTC cũng đưa ra dịch vụ nhắn tin để có giải tặng phẩm, ăn tối, tài khoản...
Khi nhắn vào dịch vụ này, chúng tôi đã nhận được tin nhắn có chữ “mỹ” và được khuyến khích tìm thêm chữ “phẩm” để nhận giải. Thế nhưng, mất vài chục ngàn đồng nhắn tin mà cứ mỗi một giải thưởng, chúng tôi đều nhận được từng chữ và được khuyến khích tìm thêm chữ để ghép vào.
Theo đại diện một nhà cung cấp, trúng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào nhà cung cấp “cho” thế nào, và trường hợp nào trúng thưởng cũng chỉ được công bố qua những số điện thoại. Theo vị đại diện này, “chiêu” này được xem là quá dễ vì nếu cần, người ta chỉ mua vài chục cái sim (có khi khuyến mãi tặng không) và đưa những số này lên thì làm gì có ai trúng mà kiện (!?).
Vô tư “luộc” bản quyền
Theo thống kê của Bộ Bưu chính - viễn thông, dẫn đầu thị phần các dịch vụ nhắn tin nói chung tại VN hiện nay là Công ty phần mềm và truyền thông VASC cùng các thành viên với 45%, tiếp theo là Công ty Quang Minh DEC và các thành viên với 40%, còn lại là của hàng chục đơn vị nhỏ khác. |
Gần đây, một công ty đại diện cho CLB bóng đá Manchester United (Anh) đã làm việc với một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tin nhắn của VN về việc doanh nghiệp này sử dụng logo, hình ảnh của đội bóng để kinh doanh nhưng chưa có sự đồng ý của họ.
Việc sử dụng hình ảnh cầu thủ, logo các câu lạc bộ, logo FIFA, linh vật các kỳ World Cup mà không xin phép cũng đang diễn ra tràn lan. Đã có hai trường hợp Dalink phải xin lỗi chủ sở hữu là hình ảnh logo FIFA và logo Manchester United do Dalink cung cấp dịch vụ trước khi làm việc với chủ sở hữu.
Hiện nay nhiều nhà cung cấp bất chấp nguyên tắc, luật lệ và cả lòng tự trọng khi họ đưa ra thị trường những dịch vụ quá “loạn”. Họ lấy từ các Java Games trên mạng, bẻ khóa và cung cấp ra thị trường ảnh người mẫu, ảnh ca sĩ, logo đội bóng...
Bà Trần Thị Hương Lúa, giám đốc marketing của Dalink, cho rằng cần tôn trọng vấn đề bản quyền và Dalink đều làm việc rất thận trọng và nghiêm túc trong vấn đề này. Ông Quang Hải, Trung tâm bản quyền Dalink, cho biết đã ký với Trung tâm Bản quyền âm nhạc VN khoảng 4.000 bài hát, đó là chưa kể những hợp đồng ký với các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ hiện nay.
Với số lượng như vậy, tiền bản quyền mà đơn vị này phải trả là trên 1 tỉ đồng. Chính vì điều đó nên sự thiệt thòi sẽ xảy ra với họ khi có rất nhiều doanh nghiệp không ký bản quyền.
Điều đáng nói là trong khi các dịch vụ nhắn tin “trăm hoa đua nở” thì các cơ quan chức năng vẫn chưa có qui định gì về nội dung, cách thức và trách nhiệm của những nhà cung cấp dịch vụ. Cứ thế, hàng loạt nhà cung cấp với những tin nhắn “loạn” theo kiểu bói toán tầm phào, kích dục nhân danh “vấn đề xã hội” tiếp tục sinh sôi nảy nở...
NAM HƯNG
Do viễn thông là dịch vụ đang phát triển nên nếu nảy sinh những bất cập trong loại hình trò chơi này, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đặt vấn đề quản lý, giám sát chặt chẽ. K.H. |
▪ Intel đầu tư 300 triệu USD xây nhà máy ATM tại Việt Nam (01/03/2006)
▪ Apple giới thiệu hệ thống loa cho iPod (01/03/2006)
▪ Giải pháp chống nhá máy quấy rối (01/03/2006)
▪ Matsushita giới thiệu máy ảnh số SLR (28/02/2006)
▪ "Bác sĩ" an ninh mạng và ứng cứu dữ liệu (28/02/2006)
▪ Sony, NEC thành lập liên doanh ổ đĩa quang (28/02/2006)
▪ Microsoft đưa ra sáu phiên bản Windows Vista (27/02/2006)
▪ Video tư liệu lịch sử lên mạng (27/02/2006)
▪ Microsoft Origami: thiết bị hỗ trợ cá nhân xuất sắc (27/02/2006)
▪ Sự cố mạng viễn thông, khách hàng được bồi thường? (27/02/2006)