Giá cước ngày một rẻ, chiếc bánh thị phần tiếp tục bị thu hẹp khi thị trường viễn thông có sự góp mặt của một số nhà cung cấp dịch vụ mới. Nhiều doanh nghiệp viễn thông đang tính đến phương án đầu tư ra nước ngoài.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia viễn thông, năm nay, thị trường thông tin di động Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ với sự góp mặt chính thức của 2 "ẩn số" EVN Telecom và Hanoi Telecom. Con số thuê bao phát triển mới dự kiến sẽ đạt khoảng 5 triệu.
![]() |
Khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định. (VNPT) |
Năm 2006 cũng được dự báo là năm "bùng nổ" các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động khi mà các nhà cung ứng chính thức khai thác công nghệ EDGE và 3G. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp nội dung cũng sẽ góp phần làm thay đổi quan hệ giữa nhà khai thác và khách hàng. Giá cước sẽ ngày một rẻ, cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ sẽ ngày một khốc liệt hơn.
Các chuyên gia cho rằng, khi chiếc bánh thị phần ngày một bị chia sẻ, kinh doanh bắt đầu ít lãi đi, doanh nghiệp viễn thông không còn cách nào khác là chuyển hướng kinh doanh và tìm cách đầu tư ra nước ngoài.
Bản thân lãnh đạo Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đã nhận thấy rất rõ điều này nên ngay từ đầu năm, họ đã thay đổi một loạt các chính sách về nhân sự, đồng thời thành lập một bộ phận mới thăm dò thị trường và xúc tiến đầu tư ra nước ngoài. Theo tiết lộ của một quan chức, trước mắt Viettel sẽ đầu tư vào một số thị trường như Lào, Campuchia với một số dịch vụ mà họ chiếm lợi thế, chẳng hạn như di động và Internet.
Nhận xét về động thái của Viettel, một số chuyên gia viễn thông cho rằng, có lẽ do mải mê với công cuộc cải tổ để lên tập đoàn nên đại gia trong làng viễn thông VNPT luôn chậm chân trong các chiến lược kinh doanh mang tính dài hơi. Nếu kế hoạch "xuất ngoại" của Viettel thành hiện thực, họ sẽ là doanh nghiệp viễn thông tiên phong đầu tư ra nước ngoài với dịch vụ di động.
Trong chiến lược lược phát triển năm 2010 vừa được phê duyệt, Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông và Internet Việt Nam tiếp tục khai thác có hiệu quả thị trường trong nước, tiến tới mở rộng kinh doanh và đầu tư ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác trong các dự án hợp tác quốc tế hiện có, tìm kiếm cơ hội và triển khai các hình thức hợp tác mới phù hợp pháp luật đầu tư và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trong thời gian tới, viễn thông và Internet trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng đạt 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó, giai đoạn đầu tập trung vào các lĩnh vực cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, Internet và thông tin di động. Phấn đấu đến năm 2010, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông và Internet đạt khoảng 55 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ USD).
Trong chiến lược phát triển ngành viễn thông, công nghệ thông tin đến năm 2010, trong giai đoạn 2006-2010 sẽ tập trung phát triển mạng viễn thông thế hệ sau với vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Mở rộng mạng nội hạt (tổng đài, truyền dẫn, cáp...) với vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng. Phổ cập điện thoại nông thôn với vốn 10.000 tỷ đồng. 30.000 tỷ đồng để phát triển mạng điện thoại di động. Trong năm 2007, tập trung phóng vệ tinh viễn thông và giai đoạn 2006-2008 sẽ đầu tư vào các dự án cáp quang biển quốc tế với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. |
Hồng Anh
▪ Nokia sẽ hỗ trợ Việt Nam về CNTT (24/02/2006)
▪ Hay về ý tưởng, "lơ ngơ" về thủ tục pháp lý (23/02/2006)
▪ Tin vắn ngày 23/2 (23/02/2006)
▪ Sony giới thiệu máy quay nhỏ nhất có độ nét cao (22/02/2006)
▪ IBM tìm ra phương pháp chế tạo chip mới (22/02/2006)
▪ TV sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng laser (21/02/2006)
▪ Cookie động - giải pháp chống phishing mới (21/02/2006)
▪ Phát hiện virus đầu tiên tấn công vào Mac OS X (18/02/2006)
▪ Thêm một sâu máy tính nữa tấn công vào Mac OS X (18/02/2006)
▪ Năm 2006: Internet di động lên ngôi (20/02/2006)