Khám bệnh qua điện thoại di động
Các Website khác - 30/12/2005
Mô hình thiết bị theo dõi bệnh nhân
qua điện thoại di động.
Sáng kiến của một 8X đang du học tại Singapore cho phép người ta chỉ việc ngồi nhà cũng xem được kết quả chẩn đoán lâm sàng về tình trạng sức khoẻ của mình qua màn hình điện thoại di động. Tác giả đã mang sản phẩm về Việt Nam tham dự hầu hết các cuộc thi sáng tạo nhằm thu hút nhà đầu tư và mở công ty bán rộng rãi.
Thiết bị này cho phép đo tự động nhịp tim, huyết áp, lượng gluco trong máu, chỉ số oxy bão hoà trong máu v.v... bằng phương pháp đo liên tục. Trong vòng một phút, mỗi phép đo cho hàng trăm kết quả tạo điều kiện để bác sĩ đưa ra các chẩn đoán chính xác hơn về bệnh nhân, so với các thiết bị dùng trong bệnh viện (BV) hiện nay hầu hết chỉ cho một kết quả sau mỗi lần đo.

Nguyễn Huy Dũng, sinh năm 1983, SV ĐH Công nghệ Nanyang Singapore, là tác giả chính của thiết bị này. Ý tưởng của Dũng là sẽ thiết kế hình dạng của thiết bị dưới dạng chiếc tai nghe. Người sử dụng thiết bị đồng thời là người thuê bao mạng di động chỉ việc đeo chiếc tai, sau đó, kết nối với điện thoại qua cổng USB. Các điện cực của bộ vi mạch bé xíu “nấp” trong chiếc tai nghe sẽ tự động đo các sóng điện trong cơ thể và gửi tới máy tính hoặc ĐTDĐ của bác sĩ qua mạng GPRS. Bác sĩ tính toán các thông số vừa nhận được trên máy tính cài đặt phần mềm chuyên dụng.

Kết quả tính toán nhanh chóng được gửi qua mạng viễn thông di động và hiển thị trên màn hình điện thoại. Thời gian từ khi bác sĩ click chuột để gửi đi tới khi người nhận được chỉ trong tích tắc. Như vậy người sử dụng điện thoại “ngồi nhà cũng biết bệnh” còn BS không cần tiếp xúc trực tiếp cũng có thể theo dõi diễn biến sức khoẻ, bệnh tình bệnh nhân qua máy tính.

Thiết bị khám, theo dõi bệnh từ xa cho người sử dụng di động và phần mềm bác sĩ phiên bản ĐTDĐ nói trên là phần Nguyễn Huy Dũng tâm đắc nhất trong Hệ thống các giải pháp công nghệ y tế vừa lọt vào chung kết Trí tuệ Việt Nam 2005.

Công ty viễn thông Mobiphone vừa ngỏ lời mua lại phần mềm bác sĩ phiên bản dành cho ĐTDĐ của Dũng nhưng 8X này từ chối vì còn muốn tiếp tục tham gia Nhân tài đất Việt 2006.


Hiện mới chỉ có hai dòng sản phẩm được hỗ trợ tính năng nói trên là Sony Ericson K700i và Samsung E730. Dũng lý giải việc lựa chọn hai dòng điện thoại đắt tiền cỡ “bệnh nhân giàu” mới mua nổi (mỗi chiếc trị giá 5 – 7 triệu đồng) để thử nghiệm là do đây là phần thưởng mà Dũng dành được tại cuộc thi Singapore Sony Ericsson Challenge 2005.

“Trước mắt tạm thời là như vậy nhưng tương lai chắc chắn bất cứ người sử dụng ĐTDĐ nào cũng có cơ hội tiếp cận với công nghệ này”, Dũng quả quyết.

Ngoài việc “khám bệnh từ xa”, người sử dụng điện thoại còn có thể được hưởng các tiện ích khác như tra địa chỉ, điện thoại, xem bản đồ khoa phòng BV; tìm danh bạ hàng chục hãng taxi thông dụng; tìm tuyến xe bus; đọc tin tức trên các báo, v.v... Phần mềm tiện ích này được cài đặt miễn phí hoặc download miễn phí tại địa chỉ: http://edventure. ntu.edu.sg/bbcswebdav/users/nguy0011/iRescuer.jarn hoặc http://edventure.ntu.edu.sg/bbcswebdav/users/nguy0011/iRescuer.jad

Sáng tạo này đã mang lại cho Dũng kha khá giải thưởng tại Singapore. Thoạt đầu là giải Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất cấp độ sinh viên (Best Undergraduate Project) trường ĐH Công nghệ Nanyang Singapore năm học 2004 – 2005, đề tài “thiết bị nhúng và công nghệ cao cho ĐTDĐ mới”. Tiếp đó là huy chương đồng công trình nghiên cứu khoa học khối các trường Kỹ thuật, giải ba Singapore Sony Ericsson Challenge 2005.

Nhưng thách thức của nhà khoa học trẻ tuổi khi về Việt Nam là làm sao “Việt hoá” sản phẩm để hạ giá thành tới mức gần gũi với người tiêu dùng. Sau bốn tháng mày mò thiết kế và phân tích thị trường, sản phẩm chiếc tai nghe với tính năng “khám bệnh từ xa” của Dũng ước tính sẽ chốt ở giá 150.000 đồng. Trong khi đó, một máy đo huyết áp Trung Quốc “bèo” nhất bán trên thị trường giá khoảng 700.000 đồng.

Lọt vào vòng chung kết Trí tuệ Việt Nam 2005 và chung khảo Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 8 (2004 - 2005), Dũng hi vọng sẽ được nhiều nhà đầu tư để mắt với mong muốn mở một công ty riêng sau khi kết thúc khoá học, trở về Việt Nam, nhằm thương mại hoá sản phẩm.

Từ cái mạch điện bé tẹo ấy đến khi thành cái tai nghe hoàn chỉnh còn cả núi việc phải làm. Nhưng, khó khăn hơn cả là việc hiện tại, người sử dụng di động gửi các thông tin sức khoẻ của mình dưới dạng số hoá tới bác sĩ là điều không tưởng trong điều kiện ngành y tế thiếu vắng một hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ và hoàn chỉnh. Chưa kể chỉ một vài dòng điện thoại cao cấp mới có thể kích hoạt dịch vụ GPRS. Tuy thế, những khó khăn trong hiện tại không ngăn cản sản phẩm của Dũng có khả năng trở thành thiết bị hữu dụng của tương lai, nhất là khi ngày càng nhiều bạn trẻ miệt mài sáng tạo nhằm thực hiện ước mơ số hoá cuộc sống.

Theo Tiền phong