Hệ thống định vị vệ tinh của Nga, có tên là Glonass, và hệ thống của Cơ quan Vũ trụ châu Âu Galileo sẽ cạnh tranh và bổ sung thêm cho hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ, vốn được thiết kế để định vị các mục tiêu cho các tên lửa đạn đạo, nhưng giờ đây đang được sử dụng cho một loạt các ứng dụng dân sự.
Hệ thống Glonass của Nga sẽ bao gồm một mạng lưới 24 chiếc vệ tinh địa tĩnh, sẽ chỉ có thể hoàn thành và đi vào hoạt động sau năm 2008. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Ria-Novosti, Tổng thống Putin đã nói với nội các rằng: "Chúng ta phải xem xét xem có thể làm được gì trong hai năm 2006 và 2007 để phát triển khả năng thương mại của hệ thống này".
Hiện Nga đã phóng được 17 chiếc vệ tinh, trong đó bao gồm cả ba chiếc mới được đưa lên quỹ đạo vào ngày 25-12 vừa qua, nhưng ông Putin cảnh báo rằng một số vệ tinh có thể sẽ trở nên quá lỗi thời vào thời điểm khánh thành Glonass trừ khi tốc độ phát triển được đẩy nhanh lên.
Nga cũng đã tham gia vào dự án hệ thống Galileo. Một trong những tên lửa của họ sẽ rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào ngày mai mang theo ba vệ tinh do Anh chế tạo để thử nghiệm cho mạng lưới định vị vệ tinh của châu Âu.
Trong khi cả hai hệ thống của Nga và Mỹ đều thuộc sự kiểm soát của giới quân sự thì Galileo sẽ chỉ áp dụng cho các ứng dụng dân sự sau khi hoàn thành vào năm 2010.
|