Khi "cơn bão" game online đổ bộ: Những “bài thuốc” chống nghiện
Các Website khác - 20/09/2005

Các nhân viên phòng kỹ thuật, cảnh sát game đang làm việc tại phòng game master Công ty VinaGame - Ảnh: Trần Tiến Dũng
TT - Theo ước tính của các game thủ VN, một người chơi game PTV (Giành lại miền đất hứa) nếu bình quân mỗi ngày bỏ ra hai giờ ngồi bên màn hình máy tính thì ba tháng sau mới chỉ lên đến cấp độ 50.

>> Sẽ có thêm nhiều “cơn bão” mới?
>> Chân dung những "con nghiện"
>> Bấm vào đây để thảo luận về vấn đề này
>> Sống ảo trong thế giới thực
>> Sống thực trong thế giới ảo
>> Phản hồi từ bạn đọc

Trong khi hiện nay có người chơi PTV trong vòng bảy ngày đã đạt đến cấp độ 6x. Điều đó cho thấy dân nghiện game ở VN chẳng kém gì các nước.

Theo các nhà sản xuất game của Hàn Quốc, Trung Quốc, thị trường game online tại các nước đang phát triển có tiềm năng rất lớn. Vì tại các nước này, quĩ thời gian rỗi rãi ngoài công việc của một người còn khá cao nên người ta sẵn sàng sử dụng lượng thời gian nhàn rỗi này cho game.

Nghe các nhà “kinh doanh trên quĩ thời gian nhàn rỗi” bàn tính vậy mà buồn. Lẽ ra, tại các nước đang nghèo như VN, quĩ thời gian của thiếu niên, của giới trẻ phải được khai thác trước hết cho nhu cầu và yêu cầu học tập, nghiên cứu, thì hiện nay đang bị các nhà kinh doanh giải trí “chiếm” mất phần.

Tuy nhiên, không phải các bậc cha mẹ ở VN không có ý thức ngăn chặn con em mình tiêu phí quá nhiều thời gian vào các trò game.

* Biện pháp “cai nghiện game” của Cơ quan Xúc tiến cơ hội số (KADO) của Hàn Quốc bao gồm các chương trình giải trí thay thế và liệu pháp nhóm đồng đẳng để làm giảm sự thôi thúc của cơn nghiện.

Ngoài 40 cơ sở tư vấn đang hoạt động, cơ quan này dự kiến mở thêm nhiều cơ sở khác trên khắp đất nước bằng cách tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các tư vấn viên địa phương.

KADO đã điều nhiều bác sĩ tâm lý tới các tiệm Internet để khảo sát người dùng, phân tích sâu hơn và thậm chí cảnh báo khách hàng về các nguy cơ của chứng nghiện game online.

Bộ Thông tin Hàn Quốc cũng đang triển khai chương trình xây dựng các trung tâm ngăn chặn chứng nghiện chơi game trực tuyến và nghiện Internet, đồng thời bổ sung các khóa học chống nghiện tại các trường đại học.

* Theo qui định về “điều lệ quản lý dịch vụ kinh doanh Internet” của Trung Quốc hiện nay, các dịch vụ Internet phải nằm cách xa trường học 200m, ghi sổ tên họ người truy cập, lưu giữ nội dung truy cập trong 60 ngày.

Điều quan trọng trong các qui định hiện nay là các dịch vụ Internet không được cho trẻ vị thành niên vào. Nếu dịch vụ nào vi phạm sẽ bị phạt 15.000 nhân dân tệ (khoảng 30 triệu VND).

Bên cạnh các biện pháp hành chính cũng đã xuất hiện những liệu pháp y tế. Từ tháng 3-2005, một bệnh viện đặc biệt tại Bắc Kinh đã bắt đầu mở cửa đón các bệnh nhân mắc chứng nghiện game trực tuyến.

Hầu hết “con nghiện” ở độ tuổi 14-24, bị mất ngủ, sụt cân, mất bạn bè sau vô số giờ ngồi trước máy vi tính, thường là để chơi game trên mạng.

Tao Run, một bác sĩ tại đây, cho biết: “Tất cả các em ở đây đã bỏ học vì chơi game hay ở trong các chat room mỗi ngày. Các em bị suy nhược, bồn chồn, sợ hãi, ngại giao tiếp, hoảng hốt và kích động. Ngoài ra còn có chứng khó ngủ, tay bị run và tê cứng”.

Chi phí cho việc cai nghiện Internet ở Trung Quốc không hề rẻ, lên tới 48 USD/ngày và phải kéo dài 10 -15 ngày.

Trong thời gian đó, các bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp, thuốc, châm cứu và tập thể thao như bơi và bóng rổ. Theo bác sĩ Tao, các liệu pháp này tương đối thành công, nhưng việc ngăn bệnh nhân tái nghiện cũng không phải dễ dàng gì.

THÙY MINH - UYÊN KIM

Theo nhận định của ông Trương Đình Anh - tổng giám đốc Công ty truyền thông FPT: “Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều trẻ em tại các điểm cà phê Internet, chắc hẳn các em không thể chơi game online ở nhà được vì cha mẹ không cho.

Như anh bạn tôi, suốt mùa hè qua đã đem chiếc máy tính của gia đình sang gửi ở nhà tôi, vì lý do cậu con trai cứ hở ra là tranh thủ lên mạng chơi game online, mà cha mẹ thì đâu thể lúc nào cũng kè kè bên con để không cho con vào mạng được”.

Ông Trương Đình Anh cho rằng những phản ứng như thế là một cách đẩy con em từ nhà ra các điểm cà phê net.

“Mỗi em chỉ cần ra khỏi nhà vài giờ, với lý do đi học thêm, học nhóm hay làm việc gì đó là có thể ghé vào một tiệm net, online với thế giới game đầy sôi động mà không phải khó chịu trước ánh mắt không hài lòng của cha mẹ như khi chơi ở nhà.

Nhưng nguy hiểm hơn, cà phê Internet càng ngày càng có môi trường tệ hại. Nhiều nơi rất mất vệ sinh, phòng ốc lụp xụp, tối tăm và nhất là có nhiều đối tượng xấu dễ đưa trẻ em đi nhanh đến con đường hư hỏng”.

Ý kiến chung của các đơn vị phát hành game tại VN hiện nay là Nhà nước nên có một hành lang pháp lý quản lý vấn đề chơi game. “Chúng tôi cần những văn bản luật và qui phạm pháp luật cụ thể để quản lý việc này.

Như thế dễ dàng hơn cho nhà phát hành game chúng tôi, vì nếu chúng tôi tự cắt giảm giờ online của khách hàng, chúng tôi sẽ bị phản đối, mà nếu chúng tôi để khách hàng chơi thả giàn thì không có lợi cho sức khỏe.

Ngay trong game Võ lâm truyền kỳ, chúng tôi luôn khuyến cáo mỗi khi đăng nhập online là phải chơi vừa phải, giữ gìn sức khỏe” - ông Lê Hồng Minh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VinaGame, bày tỏ như vậy.

Hiện nay game thủ của Võ lâm truyền kỳ đã lên đến con số 800.000 người, trung bình một game thủ mất ba giờ đồng hồ mỗi ngày cho game online. Do vậy, VinaGame đang tính toán trong tương lai có nên đặt một thiết bị khống chế giờ online đối với các user chơi Võ lâm truyền kỳ như cách của Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc đang giới hạn giờ chơi theo hai mức: cứ online liên tục ba giờ liền, tự động game sẽ hạ điểm kinh nghiệm (tích lũy để tăng đẳng cấp) xuống còn 50%, nếu online liên tục trong hai giờ nữa, mọi hoạt động trong game đều không được tính điểm kinh nghiệm.

Phương pháp này tỏ ra hiệu quả, bởi Trung Quốc hiện nay có khoảng 25 triệu người chơi game online. VN trong tương lai cũng cần thiết phải sử dụng các biện pháp hiệu quả tương tự để khống chế sự mải mê tiêu phí thời gian vào các loại game online.

Còn ông Trương Đình Anh nói rằng FPT từ đầu đã mong muốn Nhà nước nhập cuộc và hiện nay thì còn mong Nhà nước nhanh chóng vào cuộc.

Ông nói: “Ở Hàn Quốc có một hội đồng kiểm soát game để quản lý game. Tất cả game mới đều phải qua cơ quan này kiểm duyệt, nếu đáp ứng đủ các điều kiện do cơ quan này ban hành mới được phép đưa ra thị trường.

Ở Hàn Quốc người ta cũng bắt buộc người chơi phải đăng ký số chứng minh nhân dân để đến tuổi nhất định nào đó mới được chơi game. Nhận thức được một số mặt trái của game, trước khi phát hành chúng tôi đã gửi báo cáo chi tiết về game cho Bộ Văn hóa - thông tin nhưng chưa nhận được khuyến cáo gì.

Hiện chúng tôi chưa biết được cơ quan nào sẽ quản lý, Bộ Bưu chính - viễn thông hay Bộ Văn hóa - thông tin. Khi kinh doanh chúng tôi cũng cảm thấy thấp thỏm, mạo hiểm và cả người chơi cũng cảm thấy như vậy nếu như không có luật lệ rõ ràng”.

LAM ĐIỀN - QUANG HIẾU

>> Sẽ có thêm nhiều “cơn bão” mới?
>> Chân dung những "con nghiện"
>> Bấm vào đây để thảo luận về vấn đề này
>> Sống ảo trong thế giới thực
>> Sống thực trong thế giới ảo
>> Phản hồi từ bạn đọc

Nhà cung cấp game Võ lâm truyền kỳ:

Không ủng hộ việc các game thủ chơi game quá độ

VinaGame xin khẳng định tôn chỉ của chúng tôi là hoàn toàn không ủng hộ việc các game thủ chơi game quá độ. Ngoài sự ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và học tập của các game thủ, việc chơi game quá độ sẽ ảnh hưởng đến tiêu chí hoạt động của VinaGame - là tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xin nói rõ là việc các game thủ chơi game quá độ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của VinaGame (hay Võ lâm truyền kỳ) - vì chúng tôi muốn có những khách hàng khỏe mạnh, cân bằng trong cuộc sống và có thể gắn bó với chúng tôi lâu dài hơn là những khách hàng chỉ đam mê quá mức trong một thời gian ngắn và sau đó phải từ bỏ game online (như những ví dụ mà báo Tuổi Trẻ đã nêu).

Trước những tác động xấu đã xảy ra, ban giám đốc VinaGame đã ngồi lại và tính toán các biện pháp hạn chế có thể áp dụng trong tương lai. Trước mắt, chúng tôi đang xây dựng một công cụ giúp các bậc phụ huynh kiểm tra được số giờ chơi game của con cái.

Cha mẹ khi đăng ký tài khoản chơi này sẽ thiết lập số giờ chơi trong ngày và thời điểm chơi của con em mình (ví dụ giới hạn chơi 1-2 tiếng một ngày, hay giới hạn chơi trong phạm vi thứ bảy hay chủ nhật). Trong vòng ba tháng tới, chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động hệ thống giúp người chơi kiểm soát giờ chơi game của mình.

Và những biện pháp nghiêm khắc hơn như việc áp dụng cơ chế hạn chế giờ chơi như Trung Quốc (khống chế online chơi liên tục năm giờ) thì chúng tôi còn chờ phía Nhà nước ban hành những văn bản pháp qui cũng như một hành lang pháp lý cho những người hoạt động trong lĩnh vực cung cấp game online tuân thủ theo.

Khả năng chuyển tải các hoạt động khác mang tính định hướng hơn như giáo dục văn hóa, lịch sử vào game, huy động sức mạnh cộng đồng qua game là hoàn toàn có thể. Game có lẽ là phương tiện hiện đại nhất để thực hiện các mục tiêu đó nhanh nhất mà từ trước đến nay chưa có được.

Các game xây dựng trên bối cảnh văn hóa xã hội VN, lồng ghép các mục tiêu giáo dục chắc chắn sẽ có hiệu quả rất cao. Thông qua game có thể đào tạo một số kỹ năng sống cho người chơi…

Chúng tôi xin khẳng định chơi Võ lâm truyền kỳ không phải là một hành vi xấu, nhưng việc chơi quá mức sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực. Với tư cách là một công ty tiên phong trong lĩnh vực game online, chúng tôi sẽ đặt cao trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu những khía cạnh tiêu cực của game online.

Ông LÊ HỒNG MINH, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VinaGame