Quỹ toàn cầu ngừng tài trợ 98 triệu đô la chống AIDS cho Miến Điện
Các Website khác - 23/08/2005

Do những cản trở của lực lượng lãnh đạo quân đội Miến Điện mà mới đây, Quỹ toàn cầu của LHQ đã tuyên bố chấm dứt chương trình chống AIDS kéo dài 5 năm tại quốc gia này. Theo các quan chức LHQ, việc lực lượng quân đội có những hành vi cản trở đã ảnh hưởng sâu sắc tới những hoạt động hảo tâm có liên quan tới đại dịch thế kỷ của LHQ tại Burma (Miến Điện).

Cho tới ngày thứ sáu tuần này (19/8), tin tức về việc trì hoãn chương trình giải ngân 98 triệu đô la cho các chiến dịch phòng chống AIDS ở Burma của LHQ đã tới tai các quan chức của LHQ đang đóng tại Rangoon, thủ đô Miến Điện. Trước tình hình này, họ khẳng định, nếu thế, công tác phòng chống AIDS của Burma sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, chắc chắn những người có trách nhiệm giờ lại phải đau đầu kiếm tìm các nguồn tài trợ mới nhằm bù đắp sự thiếu hụt này.

Quỹ toàn cầu (The Global Fund) là một tổ chức chuyên trách việc cấp phát những nguồn tài trợ của cộng đồng hay cá nhân cho các chiến dịch phòng chống AIDS, lao và viêm phổi. Hoạt động của tổ chức này từ lâu đã gắn bó hết sức mật thiết với LHQ. Mỹ là thành viên đóng góp lớn nhất của nguồn quỹ. Theo ban thư ký của Quỹ toàn cầu, việc chấm dứt nguồn tài trợ cho các chương trình tại Burma là do Rangoon gần đây đã đề xuất những thủ tục mang tính ngáng trở chương trình hoạt động của quỹ.

Còn các quan chức của LHQ tại Rangoon thì khẳng định, gần đây, quỹ toàn cầu đã phải chịu một số áp lực do nhóm ủng hộ đảng dân chủ của Mỹ gây ra nhằm làm khó khăn cho hoạt động của LHQ tại Burma.

Mỹ, Liên minh châu Âu và chính phủ một số nước khác đã áp đặt những sắc lệnh kinh tế lên Burma, chống lại lực lượng quân sự nước này nhằm gây áp lực buộc Burma cải cách chính trị và chỉnh đốn điều luật nhân quyền.

Ông Jean-Luc Lemahieu, chủ tịch nhóm đề tài về HIV/AIDS tại Burma của LHQ cho rằng: "Hiển nhiên việc cải cách chính trị là điều cần thiết. Nhưng người ta không nên làm điều đó vì mạng sống của biết bao người và vì đại dịch AIDS sẽ không chỉ lây lan trong phạm vi một đất nước mà chắc chắn sẽ băng qua biên giới giữa các quốc gia".

Ông Lemahieu cũng khẳng định, việc cắt bỏ nguồn quỹ tài trợ này sẽ gây tác động ngay lập tức lên hoạt động của tổ chức phòng chống AIDS LHQ tại Miến Điện.

Ông nói: "Sẽ có khoảng 5.000 người bệnh không được dùng thuốc kháng virus, 100% các chương trình phân phát bao cao su không được triển khai trên 2/3 khu vực quốc gia, 30 thị trấn trọng điểm sẽ không nhận được bơm kim tiêm dành cho đối tượng nghiện hút và khoảng 36.000 xét nghiệm HIV/AIDS dự kiến trong năm đầu tiên không thực hiện được".

Thế mà, theo lời cảnh báo của một chuyên gia trong lĩnh vực HIV/AIDS, ở Burma hiện nay, AIDS đã lây lan không chỉ trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao nữa mà còn lan tràn rộng cả trong nhóm dân cư nói chung.

Còn theo con số thống kê của UNAIDS (tổ chức phòng chống AIDS của LHQ), hiện có khoảng 170,000 đến 610.000 người ở Miến Điện đã nhiễm phải virus gây căn bệnh thế kỷ.

Thuỳ Dương theo http://www.voanews.com