Chìm nổi một kiếp người
Các Website khác - 05/08/2008

Như bao làng quê nông thôn thuần chất khác của Việt Nam, nam nữ lấy vợ lấy chồng từ rất sớm là chuyện thường tình. Thương cũng vậy, vốn là một cô gái dịu hiền, có khuôn mặt khả ái, nuớc da trắng ngần, khiến biết bao anh trai làng theo đuổi. Nhưng cô chỉ yêu Thuận, người đàn ông hơn cô 10 tuổi làng bên.

 

Anh có dáng vẻ thư sinh, chậm rãi, với nụ cười hiền và lối nói chuyện nhẹ nhàng. Tim Thương xao xuyến, cô mơ tới một gia đình yên ấm với những đứa con của riêng cô và anh. Mặc cho nhiều người cản trở, nói anh đã góa vợ và có hai đứa con với người vợ trước, cô tin rằng mình có thể đem lại hạnh phúc cho bọn trẻ. Cô chấp nhận lấy anh, đâu biết rằng, chính lúc đặt chân đến làm dâu nhà anh là sự khởi đầu cho những tháng ngày đau khổ.

 

Những tưởng giấc mộng uyên ương sẽ được tiếp tục kéo dài, lãng mạn như những buổi hai đứa đưa nhau dạo chơi trên những triền đê, rồi lên Hà Nội... Sau đêm tân hôn mấy tuần, Thương phát hiện ở Thuận có những biểu hiện rất lạ, từ việc anh sinh hoạt thất thường, đến sức khỏe của anh ngày càng giảm sút. Khi hỏi Thuận thì anh gạt tay, nói không có chuyện gì. Rồi một lần tình cờ, cô phát hiện ra mấy tép heroin anh giấu dưới giường. Cô tá hỏa, từ ngạc nhiên chuyển sang đau đớn. Người đàn ông đầu gối tay ấp của cô là một con nghiện.

 

Đến lúc này Thuận mới đành thú thật “anh đã nghiện từ lâu”. Rồi anh cầu xin cô tha thứ, hứa sẽ tu tỉnh và cai nghiện. Trái tim cô quá choáng váng, cô xót xa cho hoàn cảnh của mình. Ly dị ư ? Chia tay ư ? Biết làm sao khi ván đã đóng thuyền?

 

Dần dà cô mới rõ, người nhà anh đều biết anh là kẻ nghiện hút, nhưng họ không nói vì sợ không ai dám lấy anh. Thương thầm nghĩ: Dẫu sao cũng lấy nhau rồi. Tình nghĩa vợ chồng, cô cắn răng chịu đựng, vẫn tiếp tục yêu thương anh và các con của anh với hy vọng, bằng tình yêu chân thành, cô sẽ cảm hóa, khiến anh từ bỏ được ma túy.

 

Cái chết không báo trước

 

Sự đời nào như ý muốn. Từ bỏ ma túy đòi hỏi một nghị lực phi thường. Thuận vẫn chứng nào tật ấy, tiền kiếm được từ những lần giăng lưới đánh cá, anh nướng tất vào chiếu bạc, vào heroin. Anh ngày càng bỏ bê gia đình, phó mặc cuộc sống.

 

Số phận dường như vẫn tiếp tục mỉa mai Thương khi cô nhận được tin sét đánh, Thuận bị trượt chân đập đầu chết khi chui vào máng nạo vét bể nước nhà của một người bạn trong làng. Nghe tin anh mất, dân làng ai cũng thương cho người vợ trẻ, mới lấy chồng có mấy tháng đã thành quả phụ.

 

Gánh nặng gia đình từ đây trút lên vai của cô, Thuận ra đi chỉ để lại ngôi nhà, mảnh vườn nhỏ với hai đứa con thơ của người vợ trước.

 

Điều an ủi duy nhất chính là hai đứa con riêng của Thuận, chúng đều rất quý cô, coi cô chẳng khác gì mẹ đẻ. Và cô cũng yêu thương chúng như chính con mình sinh ra. Lúc này cô cần sự bao dung, quân tâm, động viên của người thân biết bao.

 

Đâu là ngã rẽ?

 

Sự đời oái oăm, chính những người bên gia đình chồng lại là những người xúc xiểm, bài xích cô với những lời nói bóng gió cay nghiệt.

 

Họ đay nghiến, nói cô có số “sát chồng”. Họ coi việc cô nghiễm nhiên được thừa hưởng nhà cửa, ruộng vườn từ người chồng quá cố là cướp trắng. Họ dọa làm đơn kiện ra tòa, nói cô không có tư cách hưởng tài sản của chồng.

 

Tủi nhục, cô lặng lẽ bỏ về nhà bố mẹ đẻ, để lại hai đứa con chồng đang khóc lóc, van nài, xin cô đừng bỏ rơi chúng. Nhìn những giọt nước mắt trên đôi má của hai đứa trẻ, lòng cô se lại.

 

Người trong làng ngoài xóm ai ai cũng bất bình. Họ nói bố mẹ của Thuận dại, con trai mình đã mất thì vẫn còn đó hai đứa con cần có người chăm, tiếc gì ngôi nhà và mảnh vườn nhỏ, sao còn tham lam đòi bằng được nhà của con trai, hắt hủi con dâu. Hai ông bà già liệu có nuôi cháu mãi được không? Chẳng lẽ mấy người anh chị em của đứa con trai vừa mới mất đang đòi tranh giành, chia chác, xâu xé ngôi nhà sẽ vì tình ruột thịt mà chăm sóc chúng?

 

Chỉ biết thỉnh thoảng hai đứa bé vẫn dắt nhau sang làng bên tìm cô, khóc lóc đòi sống với cô, những lúc đó trái tim yêu thương của người mẹ trong cô lại quặn đau. Nhiều người khuyên cô giờ còn trẻ, còn nhiều cơ hội làm lại cuộc đời, tội gì đa mang nuôi con hộ người khác. Mà có nuôi con hộ người ta cũng mang tiếng hám nhà…

 

Lòng cô giờ ngổn ngang trăm mối, nhiều đêm thức trắng nhìn ra cửa sổ, giữa khoảng không gian tối đen như mực, cô không biết cuộc đời mình rồi sẽ ra sao.

 

Phan Ngọc Anh