HỘI NGHỊ LAO VÀ BỆNH PHỔI QUỐC TẾ LẦN THỨ 36:
Các Website khác - 07/12/2005

 

VIỆT NAM CAM KẾT THỰC HIỆN

CÁC MỤC TIÊU VỀ PHÒNG, CHỐNG LAO.

 

Ths. Trần Bích Trà

 

Từ ngày 18 – 22/10/2005, tại Paris (Pháp), đã diễn ra Hội nghị Lao và bệnh phổi Quốc tế lần thứ 36. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên dẫn đầu đã tham gia tích cực vào các hoạt động của hội nghị và được bạn bè Quốc tế đánh giá cao. Thạc sĩ Trần Bích Trà, cùng đi với đoàn, đã chia sẻ với “AIDS và Cộng đồng” cùng bạn đọc của Tạp chí những hoạt động chính của Hội nghị và của đoàn Việt Nam.

 

Theo báo cáo tại Hội nghị, một phần ba dân số thế giới nhiễm lao, gần 2 triệu người chết do lao mỗi năm, mỗi ngày 5.000 người mắc bệnh do lao, trong con số này có tới 11 triệu bệnh nhân lao đang phải sống chung với căn bệnh AIDS. Gần 700.000 người nhiễm HIV/AIDS bị nhiễm lao hàng năm, 229.000 bệnh nhân HIV/AIDS tử vong do lao, mỗi năm tỷ lệ nhiễm lao tăng 1%; 28% bệnh nhân lao bị nhiễm HIV còn ở lứa tuổi 15 – 24, và chủ yếu là ở những quốc gia nghèo đói, các nước đang phát triển.

Tại Hội nghị này, UNAIDS dự báo đến năm 2010 việc kiểm soát bệnh lao sẽ thất bại nếu như căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vẫn đang tiến triển và lan rộng khắp toàn cầu. Cho dù biết được mối liên quan giữa 2 căn bệnh này, nhưng các chương trình phối hợp nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự tiến triển 2 căn bệnh này vẫn còn rời rạc ở hầu hết các nước trên thế giới.

Với gần 100 báo cáo khoa học, trong đó  có 11 báo cáo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật và những thiệt hại về kinh tế do 2 căn bệnh lao/HIV gây ra đặc biệt là những thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với những người hiện đang mang trên mình 2 căn bệnh nan y này. Việc tìm kiếm giải pháp cho kiểm soát lao và AIDS đã được nhóm làm việc khởi đầu từ năm 2000, giải pháp tiếp cận phối hợp trong điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS được đề cập đến dựa trên nền tảng của chương trình DOTS (Điều trị bệnh nhân lao ngắn ngày có kiểm soát). Mục đích chính là nhằm giảm bớt tác động và khoanh vùng dịch tễ của căn bệnh lao và HIV/AIDS (dưới đây viết tắt là TB/HIV). Việc chăm sóc và điều trị phối hợp lao và HIV/AIDS đã giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân, cũng như thiệt hại nhân lực vật lực trong việc kiểm soát TB/HIV. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 20% trong số các quốc gia có tỉ lệ bệnh lao cao nhất thế giới có đề cập đến chính sách quốc gia về kiểm soát TB/HIV. Như vậy để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ, tiến tới thanh toán bệnh lao trên toàn cầu vào năm 2050 thì cần phải tiến hành một chương trình mới trong đó sự phối hợp về thông tin - giáo dục - truyền thông thay đổi hành vi, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân TB/HIV là rất cấp bách và cần thiết. Các mục tiêu chính của chương trình này tập trung vào việc xây dựng hành lang pháp lý và kế hoạch tổng thể về dịch tễ học, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị TB/HIV. Củng cố và nâng cao các cơ sở chăm sóc và điều trị bệnh nhân TB/AIDS, vận động sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích các tổ chức xã hội cũng như các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia.

Báo cáo tham luận của Việt Nam về kinh nghiệm trong đào tạo nâng cao năng lực truyền thông, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân lao, đặc biệt kế hoạch kiểm soát phòng chống lao của Việt Nam  giai đoạn 2006 – 2010 được Hội nghị đánh giá cao.

Ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã chủ trì buổi gặp mặt các nhà tài trợ cho chương trình lao quốc gia Việt Nam. Một lần nữa, các nhà tài trợ hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam một số dự án để ngăn ngừa Lao, cũng như sự ảnh hưởng của HIV/AIDS   đối với bệnh lao. Bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức, các rào cản trong quá trình thực hiện trong công tác phòng chống lao  và các giải pháp tháo gỡ đã được đưa ra bàn bạc  trong buổi gặp gỡ này. Không khí trao đổi hết sức thoải mái, sôi nổi, khẩn trương, khó khăn nào cần khắc phục, công việc gì cần phải gấp rút hoàn thành kế hoạch trong những tháng cuối năm 2005 và kế hoạch cho những năm tiếp theo đã được các nhà tài trợ phân tích và đóng góp nhiều ý kiến sát thực. Việc phối hợp chẩn đoán, chăm sóc và điều trị TB/HIV cũng được các chuyên gia đưa ra như một trong các giải pháp tình thế nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác phòng chống lao, AIDS trong những năm tới.

Thay mặt bộ Y tế Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cảm ơn những thiện chí mà các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam và cam kết Bộ Y tế mà cụ thể là chương trình phòng chống lao quốc gia sẽ thực hiện đúng mục tiêu về phòng chống Lao mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra trong giai đoạn 2006 – 2010. Các vị đại diện cho các tổ chức quốc tế tham gia buổi gặp gỡ này cũng cam kết bằng mọi cách sẽ giúp đỡ chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu của thiên niên kỷ trong công tác phòng chống lao cũng như chẩn đoán chăm sóc và điều trị phối hợp TB/HIV.

 

(*) (Cục phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam)