Nạn buôn bán người – Không Chỉ vì Mục Đích Tình Dục
Các Website khác - 21/11/2008

   
Trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người
 

 
Khi nói đến từ “nạn nhân của buôn bán người”, nhiều người nghĩ ngay đến việc phụ nữ và trẻ em bị bán hoặc bắt cóc làm nô lệ tình dục.

Nhiều năm nay, các phương tiện thông tin đại chúng và các chiến dịch của những người làm công tác cứu trợ đã nỗ lực hướng sự quan tâm của công chúng vào vấn đề này để bán được báo, đưa tin nóng và gây quỹ cho các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, sự tập trung vào những người bị buôn bán vì các mục đích tình dục đã khiến chúng ta bỏ qua một thực tế là hàng chục nghìn trẻ em, phụ nữ và nam giới trở thành nạn nhân của những cách thức di cư trong đó sự lừa gạt, dối trá và thiếu thông tin đã đẩy họ vào tình trạng bệnh tật, cô đơn và bị lạm dụng cùng cực.

Rất mừng là thực tế này đang thay đổi khi các quốc gia trong khu vực sông Mêkông - một điểm nóng toàn cầu của nạn buôn bán người – đã áp dụng một chiến lược mang tính khu vực, toàn diện hơn, thiết thực hơn để đối phó với vấn đề phức tạp này.

Trong 2 ngày 5-6 tháng 11 năm 2008, đại diện chính phủ các nước khu vực sông Mêkông đã gặp nhau tại Lào để bàn về cách tăng cường các nỗ lực phòng chống buôn bán người, một tệ nạn tác động chủ yếu tới những người trẻ tuổi ở nông thôn vốn mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đáng buồn là ước mơ của những người này thường kết thúc trong cay đắng khi họ di cư và bị mắc kẹt vào những hoàn cảnh khắc nghiệt ở nước ngoài.

Hàng năm, chính phủ các nước Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam tổ chức cuộc họp về nạn buôn bán người. Đây là một động thái tích cực vì nó không chỉ thể hiện cam kết của chính phủ các nước đấu tranh phòng chống tệ nạn này mà còn thể hiện rõ tính minh bạch ngày một  tăng trước một thực tế vốn được coi là một vấn đề nhạy cảm, không được thông tin rộng rãi. Động thái này cũng cho thấy thái độ sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của chính phủ các nước trên.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận về buôn bán người giờ tập trung vào một vấn đề hóc búa hơn, đó là xác định chính xác những nguyên nhân của nạn buôn bán người và việc chập nhận một định nghĩa rộng hơn về nạn nhân của buôn bán người. Trước đây, rất nhiều ý kiến vẫn cho là một người bị buôn bán là một phụ nữ bị bán cho kẻ môi giới và trao tay cho một chủ nhà chứa động thời cũng là người giam giữ. Tuy nhiên, nạn nhân của buôn bán người, theo Nghị định thư của Liên hợp quốc về buôn bán người, được định nghĩa rộng hơn là bất kỳ ai bị đe dọa, lừa gạt hoặc dễ bị tổn thương và bị lạm dụng quyền lực. Những nạn nhân này này không nhất thiết phải bị bắt cóc.

Theo định nghĩa này, một thanh niên có thể vẫn vượt biên giới trái phép để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn và bởi vì thực tế này mà người đó, tại những thời điểm khác nhau của chuyến đi của mình, có thể bị lừa gạt hoặc ép buộc lao động. Vì nếu anh ta không chịu làm việc, những kẻ buôn bán người đe doạ sẽ giao nộp anh ta cho cảnh sát. Trong trường hợp này, người thanh niên trở thành nạn nhận của bọn buôn bán người.

Trong cuộc họp tháng 11 vừa qua tại Lào, chính phủ các nước đã thẳng thắn đề cập tới những cách thức mà người dân những nước này bị buôn bán.

Campuchia nhấn mạnh việc nhiều nam giới nước này đang bị bóc lột lao động trong các thuyền đánh cá tại Thái Lan.

Những người môi giới tại địa phương thường hứa hẹn các công việc lương cao mà không cho biết thực chất công việc đó là gì. Những người tìm việc thường bị đưa qua biên giới tới Samut Prakan, nơi họ bị buộc phải làm nghề đánh cá.

Trên thực tế, nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế chỉ ra rằng có tới 40% số lao động trong một số ngành nghề đánh cá ở Thái Lan là trẻ em. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rất nhiều người lao động di cư trong lĩnh vực này bị cưỡng bức lao động. Phần lớn trong số họ không có hợp đồng lao động và bị chủ giữ giấy tờ tùy thân, do đó làm tăng nguy cơ họ bị bóc lột lao động.

Buôn bán người vì mục đích hôn nhân là một quan ngại lớn ở Việt Nam. Số liệu của chính phủ Việt Nam cho thấy sự gia tăng của các trường hợp kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Hàn quốc - khoảng 25.000 trường hợp trong vòng năm năm tính từ năm 2007 trở về trước. Tuy nhiên, khoảng 77% số cuộc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài lại là với đàn ông Đài Loan. Chính phủ Việt Nam lo ngại rằng nhiều phụ nữ trong số này có thể bị buôn bán vì mục đích mại dâm hoặc các hình thức bóc lột khác nên họ đang có kế hoạch siết chặt các quy định cho phép kết hôn với người nước ngoài trong tương lai.

Gần đây, chính phủ Campuchia đã đưa ra giải pháp cho vấn đề tương tự khi các cuộc hôn nhân giữa phụ nữ nước này với đàn ông Hàn quốc và Đài Loan đang gia tăng. Hiện Campuchia cấm tất cả các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Mặc dù chính sách này thể hiện sự quan tâm tới cuộc sống của người dân Campụchia nhưng chính phủ cần có cách tiếp cận sao cho vẫn xác định được những cuộc hôn nhân thật sự với những cuộc hôn nhân giả, chứ không phải nghi ngờ tất cả các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Bảy tháng trước đó, tức là vào tháng Tư năm 2008, 54 người Myanmar, phần lớn là phụ nữ, đã chết ngạt trong một chiếc xe container, cách biên giới Thái Lan, khi trên đường nhập cư trái phép tới Phuket là nơi họ được hứa hẹn sẽ kiếm được việc làm. Sau khi thoát chết, những người sống sót bị giam giữ trong khi vụ việc của họ chờ điều tra. Các cơ quan của chính phủ Thái Lan, các tổ chức phi chính phủ và các luật sư đã tranh cãi trong nhiều ngày về việc đối xử với những người này là nạn nhân bị buôn bán hay tội phạm. Cuối cùng, họ được xác định là nạn nhân và được đưa trở về Myanmar, được chính quyền hai bên hỗ trợ các dịch vụ xã hội, chứ không phải “bị trục xuất”, như các trường hợp trước đây. Vào tháng 8, tài xế chiếc xe tải đó bị tuyên án sáu năm tù. Hiện nay, World Vision vẫn đang tiếp tục phối hợp với các bên trong vụ kiện nhằm đòi bồi thường cho những nạn nhân.

Đáng mừng là vào tháng 6/2008, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Luật về Phòng chống buôn bán người trong đó mở rộng định nghĩa buôn bán người, tăng cường bảo vệ nạn nhân của các hình thức di cư vì mục đích bóc lột và lừa gạt. Luật mới này cũng thừa nhận việc nam giới cũng có thể bị buôn bán.

Tại Lào, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy đất nước Thái Lan giàu có có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều thanh niên nông thôn nghèo và trình độ thấp. Mặc dù không ít người di cư trở về với những bài học cay đắng, như không được trả lương hoặc tệ hơn thế nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng mạo hiểm với rủi ro đó một lần nữa, tự đặt chính mình vào những tình trạng dễ bị tổn thương.

Chính phủ Lào cho biết họ quan tâm tới số lượng ngày càng tăng người di cư của nước này bị bắt tại Thái Lan và đưa trở về Lào mà không xác định rõ ai trong số đó là nạn nhân bị buôn bán. Chính phủ Lào kêu gọi tăng cường hợp tác với Thái Lan.

Khi chưa thể tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho công dân nước mình tại quê hương, cách tốt nhất mà chính phủ các nước có thể làm để giúp người dân của mình đối phó được với  sức hấp dẫn của công việc và sự giàu sang tại nơi khác là tạo điều kiện cho việc di cư được an toàn bằng cách tăng các cơ hội di cư lao động hợp pháp và bảo vệ những người di cư – dù bất hợp pháp - khỏi bị bóc lột.

Chính phủ các nước trong khu vực sông Mêkông đang tiến tới một cách hiểu toàn diện hơn về nạn buôn bán người. Các nước cũng đang phối hợp phòng chống tệ nạn này đồng thời cũng thể hiện cho các nước láng giềng thấy rằng họ không muốn nhìn thấy công dân của mình bị bóc lột.

Chúng ta có thể thắng thắn nói rằng những nỗ lực nói trên là chưa đủ, rằng những khoảng trống trong việc thực thi luật pháp đang khiến cho hàng chục nghìn người bị tổn thương, rằng những chính sách pháp luật dù tốt chưa được thực hiện đúng, rằng những người có trách nhiệm tại một số vùng biên giới khu vực Mêkông vẫn đang gây khó dễ cho những người mà đáng lẽ ra họ phải giúp đỡ, nhưng chúng ta tin rằng sự thay đổi đang diễn ra, dù là chậm.

Sẽ có thêm nhiều chuyển biến khi các chính phủ có thêm hiểu biết lẫn nhau, thừa nhận rằng họ có chung một vấn đề và rằng buôn bán người và bóc lột con người không thể che giấu bằng cách chối bỏ mà là thừa nhận đó một vấn đề toàn cầu.

Chúng ta cuối cùng đang vượt ra khỏi phạm vi hạn hẹp của cuộc tranh luận về nạn buôn bán người – trong đó buôn bán người thường chỉ được cho là vì các mục đích liên quan đến tình dục - để tiến tới những thảo luận rộng rãi và thiết thực hơn về những biện pháp giúp cho quá trình di cư được an toàn và vì lợi ích của hàng triệu người đang cố gắng để gặt hái từ quá trình đó.
 
*Hai tác giả hiện là Quản lý các  Dự án  về phòng chống buôn bán người của World Vision tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái lan, Myanmar và Trung Quốc. 
 
Thông tin thêm: World Vision Việt nam hiện đang thực hiện Dự án Vận động chính sách Phòng chống buôn bán người, đặc biệt là trẻ em (RACTP), và Dự án Chiến lược Ngăn ngừa buôn bán Phụ nữ và Trẻ em Tiểu vùng sông Mêkông giai đoạn 2 (MDRTS 2). RACTP hỗ trợ quá trình xây dựng và thực hiện chính sách phòng chống nạn buôn bán người trong khi MDRTS 2 tập trung các hoạt động xây dựng năng lực cho đối tác địa phương trong công tác phòng ngừa và bảo vệ nạn nhân, đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị buôn bán.  
                                                                                                             Theo Worldvision.org.vn