Tự tử tuổi vị thành niên: Không phải chuyện… trẻ con!
Các Website khác - 18/11/2008

Gần đây, những thông tin về tự tử ở lứa tuổi vị thành niên dồn dập như một hiệu ứng. Việc nhiều thanh thiếu niên tìm đến cái chết để từ bỏ cuộc sống đang trở nên đáng báo động. Tự tử vì thất tình, vì bị bố mẹ mắng, vì bị điểm kém, hay đôi khi chỉ vì bị bạn bè, thầy cô  phản bội niềm tin… Những chuyện tưởng như không có gì lại là lý do "chính đáng" để nhiều người trẻ tuổi tìm đến cái chết. 

Tự tử vì thất tình, vì bị bố mẹ mắng, vì bị điểm kém, hay đôi khi chỉ vì bị bạn bè phản bội niềm tin… Những lý do tưởng như không có gì đối với những người ý thức được ý nghĩa cuộc sống, thì với nhiều em tuổi vị thành niên, đó lại là những cú sốc không dễ vượt qua. Trong một cuộc tìm hiểu trò chuyện gần đây của nhóm PV VietNamNet với các em học sinh, chúng tôi rất bất ngờ khi được nhiều em giãi bày: ý nghĩ tự tử luôn thường trực mỗi khi các em gặp bế tắc trong cuộc sống và… không dễ gì vượt qua!

 

"Bạn đã bao giờ muốn tự tử?"

 

Cách đây chưa lâu, ngày 15/11, một học sinh trường THPT Quốc Học (TT-Huế) đã trầm mình xuống sông Hương tự tử. Gia đình và hàng xóm cho biết, em là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng bị trầm cảm kể từ sau cái chết của người bố cách đó 6 năm...

Năm học mới bắt đầu chưa được bao lâu, tối 13/9/2008, một nam học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP Biên Hoà (Đồng Nai) đã thắt cổ tự tử, để lại một lá thư dài 4 trang vở học trò lý giải nguyên nhân cái chết là chỉ vì... giận thầy giáo.

Mới đây, một học sinh nam trường THCS Đống Đa, Hà Nội đã cắt gân tay tự tử với lý do nhà trường bắt... cắt tóc dài. Hay chấn động hơn là vụ hai nữ sinh trường THCS Chu Văn An, Hà Nội rủ nhau thuê nhà nghỉ uống thuốc ngủ tự tử vì chán nản cuộc sống hiện tại.

Trẻ ở tuổi vị thành niên luôn cảm nhận mình có quá nhiều sức ép từ nhà trường, gia đình, bạn bè...
Dư luận vẫn chưa quên, 
ngày 7/6/2005, 3 học sinh đều 13 tuổi cùng uống thuốc ngủ tự tử vì học kém, giáo viên yêu cầu viết kiểm điểm gửi về cho bố mẹ. Ngày 16/2/2006, 9 nữ sinh đều 14 tuổi học một trường THCS ở Hà Nội đã pha 100 viên thuốc ngủ vào ca phê cùng uống do buồn chán vì học kém; ngày 24/5/2006, 2 học sinh THCS, 15 và 16 tuổi ở Hà Nội cùng uống thuốc ngủ tự tử vì bị ngăn cản yêu nhau quá sớm. Chiều ngày 24/5/2006, 5 nữ sinh đều 13 tuổi HS THCS ở Hải Dương, cùng buộc tay vào nhau, trầm mình xuống sông tự tử vì bị cha mẹ phàn nàn.

Điều đáng lo ngại, trong khi xã hội đang phát triển về nhiều mặt, tuổi vị thành niên đã được chăm sóc tốt hơn cả về vật chất và tinh thần thì ý nghĩ tự tử để từ bỏ cuộc sống vẫn tồn tại ở nhiều em.

Trong những cuộc trò chuyện thẳng thắn về vấn đề tự tử với nhóm PV VietNamNet, nhiều em học sinh ở một số trường THPT tại Hà Nội đã thẳng thắn thừa nhận, ý nghĩ tự tử thường xuất hiện ở các em mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống thường ngày.

Qua khảo sát, các bác sĩ BV Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) nhận thấy, một số nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử: do mâu thuẫn trong tình yêu nam nữ  (19%), bất đồng trong quan hệ cha mẹ - con cái (17,7%); 6,1% bệnh nhân có tiền căn bệnh tâm thần trước khi có hành vi tự tử, trong đó trầm cảm chiếm 3,2%...

Hương Cát

L.T.P (Lớp 10, THPT Chu Văn An) cho biết: “Chuyện học sinh tự tử hiện nay em thấy khá nhiều. Cách đây 2 năm bản thân em đã từng có ý định tự tử. Em vốn là một người sống trầm, hay suy nghĩ. Những vấn đề khó nói về cuộc sống, học tập em không hay nói cho bố mẹ mà thường tâm sự với người bạn thân nhất của mình. Em nghĩ là em và bố mẹ thuộc hai thế hệ nên khó có thể hiểu được nên em chỉ chia sẻ với bạn thân.

 

Nhưng khi bạn thân của em không tôn trọng điều đó, đem những tâm sự của em kể cho người khác nghe thì em thấy mình như bị phản bội niềm tin. Em đã rất buồn, thất vọng vô cùng và chỉ nghĩ đến cái chết.

 

Em mất một thời gian dài, khoảng nửa năm trong tình trạng bế tắc. Em không nói với ai cả, nó ảnh hưởng nhiều đến học tập và cuộc sống hàng ngày của em. Em biết, khi không nói ra cứ giữ kiến trong lòng thì mọi chuyện sẽ rất nặng nề nhưng khi tâm sự với bạn mà bị bạn phản bội đem kể cho người khác thì còn thấy nặng nề hơn. Rất may sau đó em tìm đến các bạn bè trong lớp, chơi thể thao… và vượt qua được cảm giác này.

 

Thời gian đó, em nghĩ là bố mẹ không hiểu mình, thầy cô cũng vậy, khi luôn nghiêm khắc và gò bó, nhưng giờ em hiểu là bố mẹ rất thương mình và em tôn trọng các thầy cô”.

 

Cũng từng có ý nghĩ tiêu cực, N. T. L (Lớp 11 -  Khối THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) thẳng thắn: “Hiện nay mọi người luôn nói rằng điểm số không quan trọng nhưng em thấy áp lực học hành vẫn luôn đè nặng học sinh. Khi bị điểm kém, bản thân đã thấy buồn, lại bị bố mẹ trách mắng dễ gây nên cảm giác chán nản. Thêm vào đó chuyện tình cảm khúc mắc, hay bạn bè giận dỗi, … nên nhiều  bạn có ý định tự tử là điều có thể hiểu được”.

 

"Có một số dấu hiệu cho thấy thanh thiếu niên đang bị rơi vào khủng hoảng và có thể tìm đến cái chết. Có một số em thường hay nói về cái chết hoặc tâm sự với bạn bè, người thân rằng mình sắp đi đến một nơi rất xa. Các em cũng có xu hướng tách rời khỏi nhóm bạn hoặc gia đình, không hào hứng tham gia các hoạt động mình vốn yêu thích". 

Ông Nicolas Bosc, Thạc sỹ Tâm lý, Chuyên gia tư vấn của website Tuvantamly...

Lan Hương

 L. cho biết, bản thân L. nhiều lúc bế tắc cũng từng nghĩ đến cái chết. Đó là khi L. bị điểm thấp, học hành sa sút: “Lúc đó em không muốn về nhà nhưng nếu không về thì không biết đi đâu cả, mà về nhà lại bị bố mẹ mắng nên em chán nản và tuyệt vọng vô cùng. Nhất là giai đoạn cuối năm lớp 9, đầu lớp 10, em không chia sẻ được với ai những áp lực của mình… Bây giờ thời điểm khủng hoảng đó đã qua nhưng thú thật, nếu thiếu chín chắn, không đủ sức vượt qua, tìm đến cái chết thì thật là đáng tiếc.”

 

N. T. H một học sinh trường THPT Chu Văn An cho biết: “Em có chơi với một em học sinh lớp 9, hiện tại em ấy đang trong tình trạng trầm cảm trầm trọng. Gia đình em ấy khá điều kiện, nhưng bố em ấy mới bị mất. Mẹ em đi làm cả ngày, khi về thì hay bực dọc, cáu gắt. Em ấy không còn biết chia sẻ với ai, luôn ở nhà một mình và khóc rất nhiều…

 

Em ấy bảo thích sống theo chủ nghĩa Êmo (Emo là trường phái tôn thờ cảm xúc, sống nhiều theo cảm tính, nó thể hiện nhiều ở con người của bạn - PV), đó là thần tượng của em. Em luôn thấy cô đơn và không hòa đồng với mọi người xung quanh.

 

Em nghĩ nếu mọi người xung quanh em ấy nếu quan tâm, chia sẻ thì em sẽ rất khó vượt qua những cảm giác bế tắc như vậy”.

 
Vì sao người trẻ "chẳng muốn sống"?

 

Trong quá trình tiếp xúc, trao đổi với các em tuổi vị thành niên, phần đông người trẻ này đều cho rằng, những lý khiến họ có cảm giác "chán đời", "chán sống" đều rất chính đáng và "người lớn đừng coi những chuyện buồn của chúng em là chuyện trẻ con" - một nữ sinh trường Chu Văn An nói.

 

Phương Linh (Lớp 11 Chuyên pháp, THPT Chu Văn An) cho biết:  “Có bạn bị điểm kém, bố mẹ không quan tâm, đôi khi thầy cô cũng không hiểu mình, nói hơi quá, hay vì  lý do thất tình là bảo “tao đi chết đây”, “chẳng muốn sống nữa”… 

 

Bản thân em cũng có nỗi buồn riêng nhưng chưa từng rơi vào cảm giác như vậy. Gia đình cũng có điều kiện nhưng bố mẹ thường xuyên đi công tác, em thường xuyên ở với bà, em đã quá quen với điều đó rồi. Những lúc như thế em tìm niềm vui bên bạn bè và tìm nhiều cái khác để quan tâm tới.

 

Nhưng với những bạn không quen như vậy rất dễ tự khủng hoảng và mất niềm tin vào cuộc sống. Nói chung người lớn nên quan tâm đến chúng em nhiều hơn”.

 

Mai Anh (Lớp 10 Toán 1, Khối THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội):

Mai Anh: Có nhiều bạn em đã từng nghĩ đến cái chết.
“Em có biết nhiều trường hợp các bạn em vì không nhận sự quan tâm từ bố mẹ, hay học tập kết quả không như mong muốn mà các bạn tự dồn nén mình, suy nghĩ cực đoan rồi hay nghĩ đến cái chết.

 

Bản thân em may mắn hơn các bạn ấy, mỗi khi em bị điểm kém trong bài kiểm tra, em cũng rất buồn nhưng được bố mẹ, bạn bè động viên nên không bị áp lực đè nặng. Bố mẹ luôn cho em tự quyết định chuyện học và chơi, bố mẹ thường xuyên đưa ra những lời khuyên để định hướng cho sự lựa chọn của em, em luôn cảm thấy thoải mái.

 

Còn thầy cô thì thú thật, nhiều lúc vì muốn học sinh tiến bộ nên có khắt khe và nặng lời đôi khi cũng tạo thành áp lực cho học sinh.

 

Em nghĩ nếu như bố mẹ, thầy cô hiểu và quan tâm chia sẻ đúng cách thì sẽ không tạo ra áp lực, gây ức chế làm nhiều bạn nghĩ đến chuyện tự tử”.

 

Đinh Thị Thiên Trang (Lớp 10 toán 1, Khối THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) :


Đinh Thiên Trang: "Tìm đến cái chết là có tội lớn với những người yêu thương mình"
“Theo em thì chuyện các bạn nghĩ đến cái chết là do nhiều nguyên nhân. Nó có thể do tác động của cả quá trình, bạn đó không được người khác quan tâm, luôn cảm thấy đau khổ khi bị đối xử một cách hờ hững, bất công. Hay do bạn đó quá nhạy cảm khi gặp một chấn động về tinh thần. Cũng có thể do gặp gỡ người xấu bị ảnh hưởng…Em nghĩ là trách nhiệm thuộc về nhiều người chứ không chỉ một mình bạn đó.

 

Lứa tuổi bọn em hay có cảm giác bấp bênh trong cuộc sống tình cảm, tự phát những hành vi tiêu cực. Điều này không đáng trách nhưng bố mẹ và thầy cô phải biết để ngăn chặn kịp thời, giúp các bạn sớm thoát ra khỏi cảm xúc đó.

 

Theo em làm được điều đó không khó, mọi người xung quanh cần tạo cảm giác yêu thương, quan tâm, để con và học trò của mình nghĩ rằng mình được yêu thương và không có sự bất hạnh nào cả, giúp các bạn tránh cảm giác tự ti, bất mãn. 

 

Em cũng đã gặp nhiều đau khổ nhưng nghĩ rằng luôn có nhiều người quan tâm chia sẻ nên em đã vượt qua. Em nghĩ nếu mình tìm đến cái chết là có tội lớn với những người yêu thương mình…".

 

  • Vũ Điệp - Trà My