Nỗi đau từ ma tuý
Các Website khác - 19/08/2009

Họa vô đơn chí

Ngôi nhà nhỏ nằm  trên phố Ngô Quyền  - Nam Định bỗng dưng trở nên quá nhỏ bé khi có sự xuất hiện của chúng tôi. Vì diện tích quá trật nên bà chủ nhà phải loay hoay để tìm chỗ mời khách. Còn ông chủ thì cứ ôm mặt khó nức nở khi mọi người hỏi thăm về anh con trai út. Qua câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, ông vừa qua cơn nguy hiểm và  được xuất viện ở Hà Nội về vì tai biến mạch máu não.  Sau một hồi trấn an tinh thần cho ông, bà kể lại:  Ông, bà có 4 người con, tất cả đã lập gia đình. Nhưng  trong số đó, có hai người luôn làm ông bà lo lắng. Đó là cô con gái lấy chồng trên Hoà Bình và anh con trai út. Cuộc sống  của vợ, chồng chị và hai đứa con chỉ còn trông vào nghề bán than tổ ong. Số tiền kiếm được không đủ ăn, vì vậy, hai đứa cháu ngoại  chưa đến 10 tuổi cũng phải đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Cuộc sống vật chất đã khổ nhưng chị luôn bị chồng đánh đập để lấy tiền hút chích. Ma tuý không chỉ “gõ cửa” nhà cô con gái bà mà còn “lôi kéo” cả cậu con trai út. Tuy đã có vợ con ở dưới quê, nhưng sau những lần thăm chị ở Hòa Bình, anh đã được một “máy bay bà già” (hơn anh đến 20 tuổi )lôi kéo vào con đường nghiện ngập...Khi nghe tin con mình phạm tội buôn bán và sử dụng ma túy, ông bà cùng chết lặng. Bà không ngờ đựơc, một lần nữa, nó lại đổ đến với nhà bà. Bà bảo: “ Sau 8 năm nó dính vào ma tuý,  nhà tôi chẳng còn thứ gì đáng giá. Cuộc sống của vợ chồng già lại phải chạy ăn từng bữa. Ông ấy sửa xe đạp, còn tôi thì bán thêm dưa cà. Thu nhập từ việc sửa xe  và dưa cà luôn  thất thường nên cuộc sống bấp bênh. Nuôi hai thân già không đủ nhưng vẫn phải nuôi thêm thằng nghiện. Ông nhà tôi thì luôn ốm đau, còn thằng cháu thì cứ  ăn xong lại bỏ đi lang thang…”

Còn gia đình bà Hà Thị T. ở xã Nam Vân cũng thuộc dạng nghèo nhất xã khi có 2 người con nghiện và một người nhiễm HIV/AIDS. Ông và bà cũng trên 60 rồi nhưng vẫn phải lao động để kiếm sống và nuôi 3 người con. Của nả trong nhà cứ lần lượt ra đi. Cuộc sống thì phải chạy ăn từng bữa. Bà nói với chúng tôi trong nước mắt: “Thảm kịch của gia đình tôi đều do ma túy gây ra. Ma túy đã lấy đi của chúng tôi tất cả. Từ con cái, tiền bạc và cả sự bình yên của một gia đình…Nhà có một thằng nghiện đã khổ tâm rồi, còn gia đình tôi thì cả ba thằng. Đồ đạc trong nhà bây giờ chỉ còn mấy cái bát đĩa và cái bàn uống nước. Hai vợ, chồng già xắp về với tổ tiên nhưng vẫn phải lao động, ra đường thì chẳng dám nhìn mặt ai cả…”

Không đổ lỗi cho xã hội

Bà Phạm Thị Huê 61 tuổi, câu lạc bộ đồng cảm phường Ngô Quyền chia sẻ :“Khi có con cái nghiện ma tuý và nhiễm HIV làm ảnh hưởng tới xã hội, cá nhân tôi xin nhận khuyết điểm vì đã  để xẩy ra những chuyện đó. Xã hội đã giang tay, giúp đỡ và tạo điều kiện cho gia đình và con em chúng tôi. Tuy mất mát rất nhiều về tinh thần và tiền bạc nhưng chúng tôi đã nhận được chia sẻ, động viên, của các ban, ngành, đoàn thể. Hai vợ chồng tôi đều không có lương hưu, vì thế cuộc sống rất khó khăn. Tôi tham gia sinh hoạt ở CLB đồng cảm người cao tuổi trong phường để học tập những kinh nghiệm chăm sóc con cái và bây giờ thì trở thành tình nguyện viên đi giúp đỡ cho những người nhiễm HIV trong phường. Nhiều gia đình luôn cho rằng con cái họ rất ngoan nhưng do môi trường xô đẩy nên con cái họ đã bị lôi kéo. Họ đã đưa ra muôn ngàn lý do để chứng minh con em mình không có lỗi. Nhiều gia đình  có con dính vào ma tuý, có đứa còn nhiễm HIV/AIDS thì họ không quan tâm, bỏ mặc cho xã hội...Còn gia đình tôi thì luôn bên các cháu, giúp các cháu cai nghiện”.

 

Bà Phạm Thị Huê đang phát biểu

Cùng đồng tình với ý kiến của bà Huê, ông Trần Văn Tâm phường Trần Đăng Ninh (Nam Định) chia sẻ: “Là một người có con nghiện ma tuý nên tôi cũng thấu hiểu được sự tuyệt vọng của các ông bố, bà mẹ. Khi biết con mình dính vào ma túy nhiều người hết lòng chăm sóc con nhưng cũng có một số thì muốn đưa đi thật xa. Đặc biệt là một số gia đình có các cháu bị bệnh AIDS giai đoạn cuối thì họ chỉ muốn đẩy việc chăm sóc cho xã hội. Ở gần nhà tôi, có gia đình khi thấy con bị bệnh AIDS đã đưa đến bệnh viện vứt bỏ. Gia đình tôi  may mắn được tham gia vào CLB đồng cảm người cao tuổi nên các anh, chị giúp đỡ nhiều. Họ giúp đỡ về tinh thần và cả vật chất. Đó là việc giúp con tôi cai nghiện và hòa nhập cộng đồng. Bây giờ cháu đã có cuộc sống ổn định và không mặc cảm với thân phận. Được như vậy cũng một phần nhờ vào sự giúp đỡ của các thành viên trong câu lạc bộ và sự chăm sóc vỗ về của gia đình. Gia đình vẫn là người đầu tiên gần gũi, an ủi và chăm sóc cháu,  trước khi có sự giúp đỡ của xã hội. Khi con cái trót dính vào ma túy hay nhiễm HIV/AIDS, các bậc cha mẹ hãy mở rộng vòng tay đón nhận…”

Có lẽ, trên đây chỉ là một trong nhiều gia đình có con nghiện ma túy hay nhiễm HIV đang sinh hoạt tại các CLB đồng cảm người cao tuổi trên địa bàn thành phố Nam Định. Khi biết con em mình nghiện ma túy, họ đã trở thành chỗ dựa vững chắc giúp con em cai nghiện và khi con cái ốm đau, họ  là người chăm sóc, chia sẻ…Nếu gia đình nào cũng có được tinh thần như vậy, thì chắc chắn xã hội sẽ bớt đi một phần nào gánh nặng.

Bài và ảnh Thanh Tâm

Tạp chí AIDS & Cộng đồng số 6/2009