Trẻ em chưa được quan tâm trong phòng chống AIDS
Các Website khác - 22/03/2006

Trẻ em và thanh niên, với tổng số nửa tỷ người trong toàn khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong các chương trình nghị sự về HIV/AIDS. Đề nghị này được đưa ra tại Hội nghị tư vấn khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội sáng nay.

Theo các tổ chức Liên hợp quốc, tốc độ lan truyền HIV/AIDS ở Đông Á thuộc loại nhanh nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2005, có khoảng 450.000 trẻ em trong khu vực bị mất cha hoặc mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ do AIDS. Hơn 30.000 trẻ em sống chung với HIV và AIDS, trong đó, gần 11.000 em mới bị nhiễm năm ngoái. Hàng triệu trẻ em và thanh niên khác trong khu vực có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hoặc bị kỳ thị và phân biệt đối xử.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, tình hình thực tế về HIV/AIDS trong khu vực còn nghiêm trọng hơn. Việc thiếu các số liệu chính xác và nhất quán về trẻ em và thanh niên đã gây cản trở cho các chương trình phòng chống AIDS của khu vực. Hiện, chỉ có một vài nước trong khu vực đã thu thập các số liệu này, nhưng chủ yếu là các số liệu chỉ ở cấp tỉnh.

“Hầu như trẻ em vẫn bị lãng quên khi chúng ta tiến hành xem xét và đánh giá những nguy cơ và tác động của HIV/AIDS. Điều này là không thể chấp nhận được” bà Anupama Rao Singh, Giám đốc UNICEF khu vực Châu Á và Thái Bình Dương nói.

Theo các chuyên gia, sự kỳ thị, phân biệt đối xử là những rào cản không dễ vượt qua trong việc ngăn ngừa bệnh dịch lan tràn. Rào cản đó còn là những tập quán về tôn giáo và văn hóa đã ngăn không cho cha mẹ và những người làm công tác giáo dục đề cập đến những đề tài như an toàn tình dục, sử dụng bao cao su, là nguồn tài chính hạn hẹp cho công tác phòng tránh, là các thông tin không chính xác và các hoạt động giáo dục không phù hợp.

Một cuộc điều tra trong thanh niên mới đây của các Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở 6 nước trong khu vực đã chỉ ra rằng, mặc dù nhiều trẻ em và thanh niên biết được các thông tin về HIV/AIDS nhưng các thông tin này thường không chính xác và thiếu hiệu quả. Hơn nữa, các trẻ em dễ bị tổn thương nhất nói rằng, chúng không được sử dụng các dịch vụ phòng tránh HIV.

Theo một nghiên cứu của Văn phòng phòng chống AIDS, những đứa trẻ sống trong gia đình có người nhiễm HIV phải đối mặt với những vấn đề nan giải, khó khăn, đặc biệt là vấn đề nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, kỳ thị và phân biệt đối xử. Các em thường phải bỏ học, lo kiếm tiền hỗ trợ cho cuộc sống gia đình. Khi cha mẹ chết do AIDS, nhiều em phải tự mình bươn chải, lang thang kiếm sống nơi đô thị. Có em được đưa đến cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Nhiều em bị lạm dụng sức lao động, xâm hại tình tục, bị lợi dụng, lừa gạt tham gia vào các tệ nạn xã hội. Thậm chí có em đã có hành vi bạo lực hoặc vi phạm pháp luật.

Trịnh Vũ