Bệnh viện Nhân Ái : Nơi không có người xuất viện
Các Website khác - 21/04/2008

Họ, những “lương y kiêm từ mẫu” đã tình nguyện ở lại chăm sóc, tiễn đưa những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

Bệnh viện nằm cách trung tâm thị trấn Phước Long, tỉnh Bình Phước khoảng 30 km, nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Bệnh nhân vào nhập viện không tốn tiền, còn được các nhân viên chăm sóc tận tụy đến hơi thở cuối cùng...

Bệnh viện không người thân

Đêm, trong màn đêm đen kịt chợt lóe sáng ánh đèn ôtô tiến lại gần cổng Bệnh viện Nhân Ái (huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước). Cửa bệnh viện từ từ mở ra. Thêm một bệnh nhân vào viện. Chỉ đêm hôm ấy, tôi đếm có đến tám bệnh nhân nhập viện, không người thân đưa...

Bác sĩ Đồng Văn Ngọc thường hay trò chuyện với bệnh nhân

Trong khuôn viên bệnh viện, tôi không thấy một bóng thân nhân nào đi theo chăm sóc bệnh nhân. Tất cả 78 bệnh nhân hiện có đều được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng phối hợp thay phiên nhau chăm sóc rất nhịp nhàng: Tiêm thuốc, thay quần áo, thay drap và đút cơm, cháo cho từng bệnh nhân một. Họ đến từ các bệnh viện của nhiều tỉnh lân cận. Nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh khi chuyển vào đây được đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc tận tình và đã sống thêm vài năm.

Bệnh nhân Phạm Tuấn Đạt kể, anh nhập viện cuối năm 2006, phải thở oxy và truyền nước biển cả tháng trời. Nhờ bác sĩ khám bệnh và tiêm thuốc mỗi ngày, bệnh lao phổi của Đạt phục hồi nhanh. Giờ Đạt khỏe hẳn, hàng ngày anh phụ điều dưỡng thay drap giường, tẩy trùng và giặt giũ quần áo cho bệnh nhân. Bệnh nhân Nguyễn Thị Chi vào viện cũng không một người thân đưa tiễn. Chị được chăm sóc, thuốc men, ăn uống đầy đủ nên đã khỏe hơn, có thể đi lại, tự chăm sóc cho mình và giúp các bệnh nhân nằm một chỗ.

Điều dưỡng viên Đặng Văn Gần nói: “Họ đều không có người thân, chỉ còn biết trông cậy vào tình thương của bệnh viện. Anh em vào đây làm việc với một quan điểm: Họ cũng là một kiếp người, một bệnh nhân như bao bệnh nhân khác. Mình không điều trị cho họ thì không xứng đáng mang danh thầy thuốc”.

Sự sống và niềm vui

Bác sĩ Đồng Văn Ngọc, Trưởng khoa nội B, cho biết: “Hơn hai năm qua, bệnh nhân vào đến Bệnh viện Nhân Ái là đã kiệt sức, tưởng nằm một, hai hôm là... đi! Nhưng với sự chăm sóc của nhân viên y tế của bệnh viện, nhiều trường hợp bệnh nhân khỏe lại và phụ giúp bác sĩ chăm sóc những người cùng cảnh ngộ với mình”.

Y tá Nguyễn Thị Thảo tiêm thuốc cho bệnh nhân

Đưa tôi đi thăm dãy phòng bệnh nhân nữ, chỉ những chậu cây xanh nhỏ nhắn trong phòng, bác sĩ Kim Anh bảo: “Họ trồng cả đấy. Họ vẫn còn yêu đời, yêu sự sống lắm. Nhiều lúc họ đau đớn, sống bất cần, la lối, gây sự với bác sĩ, điều dưỡng. Biết tâm lý của họ, mình phải dịu dàng, nhỏ nhẹ họ mới nghe. Đôi khi nhìn bệnh nhân nữ soi gương, tô thêm chút phấn son mà thấy vui vì họ biết còn sống ngày nào thì quý trọng sự sống ngày ấy”.

Bác sĩ Đồng Văn Ngọc, từng là bác sĩ của Bệnh viện 115, kể trong đợt đoàn của Bệnh viện 115 lên thăm bệnh viện, thấy nơi này vắng lặng, nhiều bệnh nhân ngồi phơi nắng lặng lẽ, rồi bác sĩ, điều dưỡng, y tá cũng lặng lẽ làm việc, anh về làm đơn xin chuyển công tác. Nghe tin Ngọc đi chăm sóc bệnh nhân AIDS, vợ và gia đình phản đối, ngăn cản nhưng trái tim của người thầy thuốc đã quyết tâm gắn bó với bệnh nhân bởi một lý do hết sức đơn giản là “họ cần mình”.

Y sĩ Nguyễn Bá Thiệp, mới 23 tuổi, tốt nghiệp trung cấp y sĩ tại tỉnh Bình Phước, cũng nộp hồ sơ xin việc ở đây. Giám đốc bệnh viện nhận liền và bảo với anh “họ rất cần chúng ta!”. Lúc đầu bố mẹ Thiệp cũng ngăn cản vì sợ. Nhưng nghe Thiệp phân tích cơ chế lây bệnh HIV/AIDS, cả nhà cũng yên tâm và nhắc Thiệp cẩn thận. Làm việc tại bệnh viện đã hơn sáu tháng, Thiệp bảo không có ý định chuyển đi xin việc nơi khác vì những bệnh nhân ở nơi này “Nhiều người bị chính gia đình bỏ rơi. họ chỉ còn trông cậy vào anh em y, bác sĩ tại đây. mình bỏ đi không đành, anh ạ!” - Thiệp nói.

Theo Quốc Việt