![]() |
Điều dưỡng viên Lê Thị Dâu. |
19 tuổi, Lê Thị Dâu chính thức bước vào nghề y với vai trò điều dưỡng, hơn nữa lại là điều dưỡng viên tại khu chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS của Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. Bạn bè can ngăn, người thân lo lắng nhưng Dâu vẫn quyết con đường mình đã chọn…
Sau hơn 3 năm liên tục chứng minh điều bản thân mình đã khẳng định bằng hoạt động chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, đến nay, Dâu không những giành được niềm tin yêu nơi người bệnh, bạn bè, đồng nghiệp, mà còn vinh dự là một trong số 12 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của TP Hồ Chí Minh năm 2007.
Trao đổi với chúng tôi, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Dâu cho biết quê cô ở tận Thái Bình. Vì hoàn cảnh gia đình, Dâu học hết THPT thì không có điều kiện học tiếp. Không từ bỏ mơ ước về một ngày được khoác trên mình tấm áo blouse trắng, Dâu chấp nhận "đi đường vòng".
Thay vì thi vào đại học, gia đình phải nuôi ăn học thêm nhiều năm nữa, Dâu đi học điều dưỡng, thời gian học ngắn hơn, đi làm sớm hơn, vừa kiếm sống vừa ấp ủ mơ ước tiếp tục được đi học khi nào có cơ hội. Thế nên, dù sinh năm 1987 nhưng đến nay Dâu đã có thâm niên hơn 3 năm trong nghề điều dưỡng.
Cũng đã có rất nhiều người từng hỏi Dâu rằng còn trẻ thế mà đã trực tiếp chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, lại toàn là những người có nghiện ngập ma túy mà không sợ nhiễm bệnh sao? Nhưng Dâu tự tin bảo mình đã qua đào tạo, được trang bị kiến thức đầy đủ rồi nên không ngại.
Là điều dưỡng viên, nếu không gần gũi, động viên, an ủi tinh thần người bệnh thì rất dễ gặp phải sự chống đối, khó có sự hợp tác điều trị. Hơn nữa, người bệnh, nghiện ma túy thì cũng vẫn là người.
Phần lớn những người bệnh phải chuyển vào khoa săn sóc đặc biệt, nơi cô đang công tác hiện nay đều là người nghiện ma túy, sống lang thang không nơi nương tựa và bị gia đình bỏ rơi, tâm lý thường không ổn định, rất dễ tủi thân hay vô cớ gây những hành động bột phát.
Là người hàng ngày, hàng giờ bên bệnh nhân, làm tất cả các công việc như đối với người thân của mình, từ việc cho ăn, thay đồ, đến vệ sinh, tắm rửa, từng ngày từng giờ chứng kiến họ vật vã chống chọi với bệnh tật nên thương lắm. Thương nhưng đành bất lực. Những lúc như thế, Dâu chỉ tự nhủ mình hãy cố gắng chăm sóc cẩn thận hơn, chu đáo hơn để họ bớt tủi...
Bệnh viện cũng ít người. Rất nhiều đêm trực Dâu thức trắng bên cạnh bệnh nhân ngay tại phòng chăm sóc đặc biệt nên càng hiểu hơn ý nghĩa sự có mặt của mình. Mệt mỏi nhưng vui vì ít nhất mình cũng đã khiến người bệnh yên tâm hơn, được an ủi hơn và đặc biệt là còn được sống, được cảm nhận chút tình người ấm áp lúc cuối đời...
Nhìn vẻ ngoài mảnh dẻ như cô bé mới 15, 16 tuổi của Dâu, chúng tôi không giấu nổi phút ái ngại khi chợt nhớ đến những khuôn mặt lì lợm, những thân thể xăm trổ loang lổ trong một lần ghé vào khoa lây nhiễm lấy tư liệu cho bài viết. Thế nhưng Dâu lại cười rất tươi, rất tự tin bảo rằng hầu hết ai cũng nghĩ rằng họ rất dữ, rất dễ sợ.
Thực tế, trừ những lúc bột phát bất ngờ còn thì họ cũng bình thường thôi. Nhiều năm làm công việc này, có kinh nghiệm nên Dâu dễ dàng xử lý tình huống hơn.
Tuy nhiên, chỉ kinh nghiệm thôi thì chưa đủ, Dâu vẫn mong mình sẽ có nhiều cơ hội được học tập, trang bị kiến thức cao hơn, bài bản hơn nhưng cũng sẽ nỗ lực phấn đấu hơn để biến ước mơ thủa nào thành hiện thực.
▪ Chuyện về bệnh nhân HIV/AIDS : Lòng nhân ái không thể nhiễm HIV (20/03/2008)
▪ Ăn cơm bụi... vác tù và hàng tổng (13/03/2008)
▪ Bệnh viện của lòng nhân ái (10/03/2008)
▪ Yêu thương như con mình (13/11/2007)
▪ Người đàn bà nhiễm AIDS vượt lên số phận (31/10/2007)
▪ Mái ấm Thiên Ân (17/10/2007)
▪ Vẫn còn có ngày mai! (11/10/2007)
▪ Có những ông bố thật tuyệt vời (12/07/2006)
▪ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… (10/07/2006)
▪ Ấn Độ: Bị lăng nhục vì cha mẹ nhiễm HIV, một bé trai tự thiêu (05/07/2006)