Bi kịch của người lây nhiễm HIV từ chồng
Các Website khác - 14/01/2009
 

“Mua đi chị, cá tươi lắm!”, tiếng chị chào khách lanh lảnh ở một góc chợ quê. Hôm nay là một buổi chiều như mọi buổi chợ chiều bận rộn khác chị đã ngồi bán hàng ở đây.

Nhìn chị tay lựa cá cho khách, tay kia cân hàng, miệng thì không ngớt mời chào, nếu chưa biết chị, ít ai có thể tin là chị đang mang căn bệnh thế kỷ trong người.

Đã mười năm kể từ khi loại vi-rút chết người ấy gieo vào mình, chị vẫn mạnh khỏe, vui vẻ. Ở vùng quê thanh bình này, ai cũng biết nghị lực phi thường của người phụ nữ vui tính ấy.

Chị là Nguyễn Thị Thúy Trang, ngụ tại ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Hai mươi tuổi, chia tay mối tình đầu còn nhiều bồng bột, chị theo chồng mà chẳng có gì bận tâm. Không đến với anh bằng tình yêu nhưng chị bằng lòng với những gì mình đang có.

Hạnh phúc chẳng tày gang

“Ngày đó lấy anh, tuy chẳng phải vì yêu nhưng tôi nghĩ người lớn cũng có lý khi khuyên hai đứa lấy nhau. Học hành chẳng tới đâu, tôi sẵn nghề buôn bán của gia đình, anh ra vào với rẫy điều, tuy không khá giả nhưng cuộc sống bình yên. Ở quê như thế cũng đủ để hài lòng. Tôi chẳng mong gì hơn”, chị kể.

Bằng chất giọng lanh lảnh của người có duyên buôn bán, chị nói mà như đang hồi tưởng. Dường như những ngày hạnh phúc đó đang trở về trong mắt chị.

Chị bảo mới đi đám cưới về và quyết định nghỉ bán buổi chiều để uống cà-phê với tôi. Cuối tuần thường bán đắt, chị chẳng bận tâm vì như lời chị nói: “Lâu lắm rồi mới ngồi quán cà-phê như thế này, thích quá!”. Rồi chị cười khi tiếp tục câu chuyện của mình.

“Hồi đó, tôi thường dậy sớm, đi lấy cá ra chợ bán. Anh cũng thức dậy cùng tôi để vào rẫy, khi mần cỏ, lúc bẻ điều. Bữa trưa, mẹ chồng tôi nấu cơm rồi hai đứa về ăn rất vui vẻ. Chúng tôi mỗi người đều có một việc riêng để vun vén cho hạnh phúc mai sau”.

“Nhà chồng có mỗi mình anh sống với mẹ nên lúc có tôi về, cảnh nhà cũng đỡ quạnh quẽ. Hai đứa khi đó dự định mua thêm rẫy nếu để dành đủ tiền. Khá một chút cất lại cái nhà cho khang trang”.

Không yêu nhưng ở lâu với nhau rồi thấy thương và gắn bó lắm, bản thân Trang không mong gì hơn.

Rồi hạnh phúc dâng lên gấp bội khi Trang mang thai đứa con đầu lòng.

Tai họa đến chẳng ngờ

“Khỏi phải nói lúc đó tôi hy vọng biết chừng nào. Nhưng những ngày đẹp đẽ ấy cũng chẳng được bao lâu…”, mắt chị rơm rớm nước khi kể đến đây.

Tôi phải nói tránh sang chuyện khác để chị đỡ buồn. Hỏi thăm chuyện buôn bán, chị nói vui: “Ở cái chợ chiều này, tôi là người bán cá giỏi nhất đó!”.

Hiểu sự e ngại của tôi, chị chủ động hỏi: “Chắc em vẫn muốn nghe tiếp chuyện của chị chứ!”. Tôi cười thay cho cái gật đầu.

Giọng chị bỗng trầm hơn: “Tôi sinh con trai, hai bên nội ngoại ai cũng vui mừng. Nhất là mẹ chồng tôi, bà rất thích cháu, cứ bế bồng suốt”.

Con được hơn bốn tháng, bất ngờ chồng Trang phát bệnh. Thấy chồng đang mạnh khỏe tự dưng sốt liên tục, uống thuốc không hết, Trang nghĩ chắc chồng làm cực khổ quá mà sinh bệnh.

Rồi những triệu chứng khác như tiêu chảy, đau phổi, dạ dày ngày đêm hành hạ chồng chị. Nhìn anh trong khoảng thời gian rất ngắn mà gầy xọp đi, Trang đâm lo nhưng chưa một lần nghĩ đến căn bệnh thế kỷ ấy.

Thương chồng, chị lao vào làm việc để kiếm tiền lo thuốc thang cho anh.

Trang gửi con cho một người thân để có thời gian buôn bán. Chị thức dậy sớm hơn mọi khi để lấy cá với giá rẻ hơn, kiên nhẫn mời mọc khách hàng để bán được nhiều hơn. Tất cả là để lo cho sức khỏe của chồng.

Mới sinh con mà phải vất vả, nhiều hôm Trang té xỉu giữa chợ vì chứng thiếu ngủ, thiếu máu. Nhưng ngày ngày, người ta vẫn thấy Trang ra chợ. Mục đích chính là phải kiếm tiền lo cho chồng con.

Bao nhiêu thuốc thang cũng không ăn thua, ngày buồn của cuộc đời rồi cũng đến. Con trai được mười tháng, chồng Trang ra đi trong sự ngỡ ngàng đến tuyệt vọng của vợ.

Thương chồng một, thương cho con trai sớm mồ côi cha đến bội phần. Trang khóc đến cạn khô nước mắt. Rồi đất trời như sụt lở dưới chân khi chị nghe nhiều lời xì xào: “Chồng con Trang chết vì bệnh AIDS đó, chắc hai mẹ con nó cũng lây rồi”.

Sinh nghi nhưng nghĩ mãi, Trang cũng không biết được nguyên nhân lây bệnh của chồng. Đoán già đoán non mãi, Trang nghe mấy chị của mình bảo: “Chắc chồng em mắc bệnh từ những ngày còn sống trên đất Campuchia”.

Lo sợ, Trang và người nhà ôm cháu bé đi xét nghiệm máu ở TP.HCM. Có kết quả nhưng cả nhà giấu. Thấy mình vẫn khỏe, tự dưng bác sĩ lại cho uống nhiều thuốc, Trang nghi ngờ. Gạn hỏi mãi rồi người nhà cũng chịu nói thật, chị và con trai đã có HIV, một án tử treo lơ lửng trên đầu.

Đối với tôi khi ấy, tương lai coi như đã chấm hết. Tôi thấy ghê sợ cả bản thân mình. Nhiều ngày tôi cứ nằm hàng giờ trên giường chỉ để khóc. Khóc mãi rồi nước mắt cũng hết, mắt tôi như mờ đục đi, tôi gục ngã hoàn toàn. Tôi nằm như thế suốt nửa tháng”, Trang hồi tưởng lại trong nước mắt.

Đến một hôm, người phụ nữ, người mẹ ấy đã thức tỉnh khi nghe tiếng con trai khóc ngằn ngặt đòi sữa. Đứa trẻ không có tội. Vậy là Trang cố đứng dậy vì con.

Nỗi đau bị xa lánh

Cũng từ ngày biết mẹ con chị có HIV, mẹ ruột đã mang chị và cháu về nhà chăm sóc. Dù sao cũng phải kiếm sống, Trang gửi con cho mẹ và trở lại chợ để buôn bán.

Vẫn là Trang, nhưng sao lúc đó cô có cảm giác khác. Nỗi lo sợ, mặc cảm luôn giày vò người phụ nữ này.

Bữa đầu tiên đi lấy cá lại, bạn hàng ít nói chuyện với Trang. Có người giả vờ hết cá để khỏi bán cho người có HIV như Trang. Đôi mắt khô khốc ấy lại ứa những giọt nước mắt tủi phận, nghĩ thương cho mình nhưng chẳng dám trách ai.

Chán nản, Trang bán một bữa rồi nằm ở nhà ba ngày. Nằm mãi rồi cũng buồn, chị đành nghĩ cách khác.

Trang nhờ chị gái lấy cá giúp, như thế khỏi gây khó khăn cho bạn hàng và cũng tránh cho mình những cảnh tủi thân. Việc còn lại là phải xem mình có buôn bán tiếp tục được nữa hay không.

Chị kể: “Hàng cá của tôi không được đắt như trước đây, bởi lẽ có một số người thấy ghê sợ tôi. Lúc trước, sau khi cân cá xong, ai cũng bảo tôi làm cá giúp họ, nay chỉ một số người”.

“Người hiểu biết và ý tứ vờ như không có chuyện gì nhưng cũng không thiếu người khiến tôi rất buồn. Có khi tôi chào họ, mời mua cá, họ lánh mặt nhìn đi chỗ khác. Có người mua giùm nhưng không dám đưa cá cho tôi làm giúp”.

“Cầm túi cá trong tay, tôi chỉ ước sao đất dưới chân mình nẻ ra để tôi chui xuống, hoặc giả là không bao giờ phải đi bán hàng nữa”.

Buồn bã, đau khổ chán chê, Trang chỉ biết thành tâm cầu nguyện với mong ước duy nhất là mọi người đừng phân biệt đối xử với mình nữa.

Khi bị người đời quay lưng, Trang chỉ biết trông vào tình thương của mẹ, của người thân. Cứ thế, chị sống lay lắt qua ngày.

Rồi một lần nữa, nỗi đau lại tái diễn khi con trai Trang bắt đầu phát bệnh năm nó lên bốn.

Một hôm, thằng bé đi học về bỗng nhiên khóc òa và nói trong nước mắt: “Mẹ ơi, ở trường không bạn nào chịu chơi với con hết, tụi nó bảo con bị si-đa. Con có chết sớm không mẹ?”. Những lời nói của con như những nhát dao bén xé nát da thịt người mẹ.

Dạo đó, thằng bé bị chảy máu cam liên tục. Có hôm đi học, cháu cũng bị như vậy nên nhiều phụ huynh không dám gửi con họ học chung lớp với con của Trang.

Có một buổi trưa cay đắng nhất trong đời mà Trang không bao giờ quên. Bán hàng xong, chị ghé trường thăm con. Không ngờ, một dì phước bế con chị ra, ngần ngại nói khẽ: “Từ nay con cho cháu nghỉ học đi. Nếu cháu còn học, không ai dám gửi con ở đây nữa. Con thông cảm nhé!”.

Nuốt nước mắt, Trang ôm con về nhà. Con đường phía trước như chênh vênh. Về đến nơi, Trang chạy thẳng vào phòng, đóng chặt cửa và ngồi khóc trong đó. Lần đầu tiên Trang nghĩ đến cái chết kể từ khi biết mình mắc bệnh.

Tiếng mẹ gọi lạc cả giọng từ bên ngoài, rồi tiếng con trai kêu khóc. Những âm thanh đó thật mãnh liệt. Trang sực tỉnh, lau khô nước mắt, chuẩn bị cho mình thái độ chấp nhận mọi thứ.

Chị lại gửi con đi học ở trường mẫu giáo. Khi ấy, bệnh cháu ngày càng nặng. Trẻ con thích đi học nên nhiều hôm có mệt vẫn bắt mẹ đưa đến trường. Cũng nhiều lần, thằng bé về nhà ôm mặt khóc, hỏi gì cũng không nói. Nhìn con, Trang đau thắt từng khúc ruột.

Nỗi đau bị xa lánh không chỉ dành riêng cho Trang. Nó đã lan sang đứa con bé bỏng của chị. Nỗi đau nhân lên gấp bội.

Rồi cũng đến lúc thằng bé nghỉ học hẳn vì phải đi viện liên tục.

“Cháu sợ chết nên mới tí tuổi đã chịu khó uống từng nắm thuốc mà chưa một lần kêu ca”, chị òa khóc như trẻ con khi nói về đứa con yêu quý duy nhất của mình.

Trang đã cầu nguyện để con trai sống được với mình ngày nào hay ngày đó. Ước mơ ấy cũng lụi tàn khi mới hơn sáu tuổi, nó đã bỏ Trang mà đi. Niềm hy vọng cuối cùng cũng mất.

…Và một ngày trở về

Chồng chết, con cũng ra đi, Trang như cây khô giữa xa mạc, còn mong gì hơn. Vậy mà thời khắc đó Trang không nghĩ đến cái chết nữa. Trải qua bao đau khổ, mất mát, cảm xúc của chị trở nên chai sạn. Giờ đây, chị sống vì nghĩ đến mẹ già.

Thời gian là liều thuốc quý giá. Rồi mọi người cũng quen với sự hiện diện của Trang. Họ bắt đầu thông cảm với chị.

Chính cuộc sống tích cực của Trang đã chứng minh cho mọi người thấy rằng lây nhiễm HIV không là một cái tội và nó không kinh khủng như người ta vẫn nghĩ.

Hàng tháng, Trang lên thành phố lấy thuốc uống. Bệnh tình không có biểu hiện gì xấu. Công việc buôn bán cũng thuận lợi hơn.

Nói đến đây, cơ mặt Trang dãn ra, tôi nhìn thấy chút ánh sáng hy vọng trong đó. Trang bảo: “Vui nhất là khi tôi không dám làm cá, nhiều người bảo tôi cứ làm đi, không sao đâu. Người xung quanh như quên mất chuyện tôi bị bệnh, họ đối xử thân tình. Nhiều người rủ tôi đi chơi, đi đọc kinh, đi lễ”.

Uống một ngụm nước, chị tiếp lời: “Mong sao những người bị lây nhiễm như tôi biết tin yêu cuộc sống. Mắc bệnh không phải là hết, chỉ khi chán nản, buông thả bản thân mới là điều đáng sợ!”.

Theo Phununet