Có một hội thi mà ở đó, các thí sinh (TS), các cổ động viên, các thành viên ban giám khảo và ban tổ chức đều rơi nước mắt. Đó là hội thi tuyên truyền viên phòng chống AIDS mang tên "Những trái tim đồng cảm" do Hội LHPN TP.HCM và Dự án Gipa (trực thuộc Hội) tổ chức ngày 19/12/2008.
Những "chuyện đời tự kể"
Bên cạnh phần thi hát karaoké, 15 TS đến từ các đội nhóm và câu lạc bộ (CLB) truyền thông phòng chống AIDS trên địa bàn TP còn trải qua phần thi tuyên truyền theo hình thức "chuyện đời tự kể". Có TS phải dừng lại nhiều lần để nén xúc động, có TS vừa khóc vừa kể câu chuyện của mình.
Thí sinh L.T.H. tự giới thiệu, năm nay bà đã ngoài 60 tuổi, đang tham gia sinh hoạt tại một CLB Đồng cảm của Hội PN. Bà kể, bao nhiêu tình yêu thương, bà đều dành hết cho đứa con trai độc nhất, và bà đã rất hài lòng khi thấy con ngoan ngoãn. Thế nhưng, khi con bà vào cấp III, học hành bắt đầu sa sút. Bà đã vô cùng đau đớn khi một ngày nọ, con trai bà thú nhận là đã nghiện ma túy.
Khóc hết nước mắt, bà trấn tĩnh, đưa con vào trại cai nghiện. Khi ra trại, thấy con đã bớt tụ tập, lại đòi lấy vợ, bà cũng khấp khởi tin rằng con bà đã thực sự từ bỏ "con đường tối". Thế nhưng, một cú sốc lớn lại ập đến với bà khi con trai bà lâm bệnh, xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV. Rồi đứa con dâu cũng đi xét nghiệm với kết quả HIV dương tính. Năm 2003, con trai bà ra đi, năm 2005, con dâu bà cũng qua đời.
|
Thí sinh N.T.K. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sau lời giới thiệu "Tôi xin kể chuyện đời mình", đã òa khóc và câu chuyện của chị được kể trong tiếng nức nở không dứt. Chị sinh ra trong một gia đình rất nghèo, có sáu anh chị em, mẹ bán hàng rong, cha thì làm thợ hồ. Năm 1994, cha chị mất, sự khốn khó càng tăng lên. Tuy nghèo khó, nhưng chị cảm thấy ngập tràn hạnh phúc, vì hai vợ chồng rất thương yêu nhau. Một năm sau, chị sinh con gái đầu lòng, hạnh phúc càng gấp bội.
Nhưng cảnh êm đềm ấy đã không ở lâu với chị. Năm 2003, chị có mang bé gái thứ hai và được BV Hùng Vương thông báo đã nhiễm HIV. "Nghe tin, tôi choáng váng, té xỉu. Tôi chỉ nghĩ mình sắp chết, quãng đời sắp tới sẽ ra sao đây". Chị khóc. Các thành viên ban giám khảo cũng sụt sịt. Các cổ động viên cũng lấy tay quệt nước mắt.
Và những thông điệp
Bà H. nói, sở dĩ bà tích cực tham gia vào CLB Đồng cảm, vì bà muốn đem câu chuyện đau thương của mình nói với nhiều gia đình khác, cả với những ông bố, bà mẹ và những đứa con, rằng: HIV/AIDS không từ một ai, nếu chúng ta không biết tránh xa những hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn.
TS gây bất ngờ nhất tại hội thi là T.N.T. khi cô kể chuyện đời mình. Học năm hai đại học, cô bắt đầu tham gia tư vấn tại một trung tâm phòng chống HIV/AIDS và quen một người có HIV. Cảm phục anh ở sự lạc quan, yêu đời, chia sẻ, hy sinh vì người khác, cô đã đem lòng yêu anh. Dù bị cha mẹ phản đối, cô vẫn tự nguyện lấy anh. Nhờ tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm, cô đã sinh con bình thường, và điều kỳ diệu là bản thân cô cũng bình thường, không bị nhiễm. Hiện, cô là trưởng một nhóm tuyên truyền viên gồm 20 thành viên, đa phần là người có HIV.
"Tôi muốn xóa bỏ mọi rào cản" - cô nói. Thông điệp cô gửi đến hội thi này là: hiện người có HIV vẫn còn chịu sự kỳ thị nặng nề từ cộng đồng. Nhưng thực sự HIV/AIDS không phải là cái gì đó quá ghê gớm, nếu chúng ta có kiến thức phòng chống.
Theo Gipa
▪ Bà đỡ cho những sản phụ có HIV (22/12/2008)
▪ Thương con, thương đến tận cùng (19/12/2008)
▪ Hoa Hải Đường – Chung lòng vì tương lai (26/11/2008)
▪ Điều kỳ diệu ở một gia đình có người nhiễm HIV (18/12/2008)
▪ Nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không được tiền hỗ trợ - Vì sao? (17/12/2008)
▪ Số phận của những em bé có HIV ở Quảng Nam: Rất cần những bàn tay chung sức (17/12/2008)
▪ Teen RMIT: Tưng bừng ngày hội AIDS World Day (16/12/2008)
▪ “Tôi là người có HIV” (13/12/2008)
▪ Chuyện tình của người nhiễm HIV (11/12/2008)
▪ Hai người nhiễm AIDS giúp cộng đồng "tránh" AIDS (10/12/2008)