Câu chuyện tôi kể có thể không mới, vì nó diễn ra ở rất nhiều nơi. Điều đáng nói dường như chưa có cách giải quyết hoặc nếu có sự can thiệp thì cũng không được lâu dài, chưa đến nơi đến chốn, hoặc nhanh chóng bị lãng quên. | |
| |
Những cái chết đến sớm… Nói như thế vì nếu được chăm sóc, chữa trị tốt, các em có thể kéo dài sự sống. Trường hợp đầu tiên là con của chị Võ Thị Sen, ở Tiên An, Tiên Phước, Quảng Nam. Chồng mất khi đứa con thứ hai của họ vừa chào đời. Nỗi đau chồng mất chưa nguôi, chị bế đứa lớn (3 tuổi) vượt đoạn đường xa về Tam Kỳ xét nghiệm HIV, cả 2 mẹ con đều bị nhiễm HIV. Chị giấu mọi người vì sợ người ta dị nghị, bàn tán và xa lánh. Chị chưa biết cách chăm sóc người có HIV như thế nào, với trẻ nhỏ ra sao… Hàng ngày chị ra đồng, lên rẫy, tối mới về. Con cái chị gửi cho bà ngoại chăm. Do không được chăm sóc tốt, những đứa con của chị chậm phát triển, quặt quẹo. Chúng thường bị đau ốm nhưng không được tới cơ sở y tế để khám và chữa trị. Cách đây nửa năm, khi tôi lên thăm chị cùng với các anh chị trong chương trình hỗ trợ chăm sóc cho người có HIV của Dự án SMARTWork, chúng tôi khuyên chị khi cháu thứ hai đủ 18 tháng nên cho cháu đi xét nghiệm để biết được tình trạng sức khỏe và có chế độ chăm sóc cháu tốt. Cháu lớn lúc đó ốm yếu, xanh xao. Sau đó,tôi được biết cháu lớn ngày càng yếu. Tôi cùng các chị trong nhóm Ban Mai đã khuyên chị nên đưa cháu về Tam Kỳ để được chữa trị. Chị vẫn còn lo ngại sự kỳ thị, phải thuyết phục rất lâu chị mới đồng ý. Tuy vậy, cả nhóm chờ mãi mà không thấy chị về Tam Kỳ, cũng không liên lạc, gặp gỡ được với chị. Cho đến một ngày tôi nghe tin cháu bé mất… Trường hợp thứ hai là bé Trúc, 4 tuổi, con chị Lệ ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn. Tháng 9/2007, lúc tôi đến thăm, cháu khỏe mạnh và dễ thương. Chị Lệ làm công nhân giầy da tại khu công nghiệp gần nhà, cháu bé để ông bà ngoại và người thân chăm sóc. Hàng ngày, cháu chơi một mình, biếng ăn, thích ăn gì chị và gia đình cho ăn nấy, nhưng toàn là quà bánh có ít giá trị dinh dưỡng cần cho trẻ em, nhất là trẻ có HIV. Khi hỏi các kiến thức về HIV/AIDS, cách chăm sóc cho người có HIV như thế nào, chị và gia đình đều không biết. Không một ai giúp và tư vấn họ những điều cần thiết ấy, dù mẹ con chị có trong danh sách người có HIV tại xã, huyện, tỉnh. Họ cũng không được hỗ trợ về thuốc men… Khi hai mẹ con bị bệnh, cách của gia đình là ra quầy thuốc tây mua các loại thuốc thông thường về uống. Chúng tôi khuyên chị nên quan tâm chăm sóc cháu, nên thường xuyên đưa cháu đi khám bệnh để theo dõi sức khỏe, nhất là khi cháu bị bệnh thì càng phải tới cơ sở y tế để được khám, chữa trị và lưu tâm về dinh dưỡng, cách chăm sóc cháu. Đến cuối tháng 11/2007, chị điện cho tôi và nhờ giúp đỡ. Con gái chị bị bệnh nặng, nhưng gia đình không biết phải chữa trị nơi nào, chị vô cùng bối rối và thất vọng. Trước đó một tháng, cháu bị bệnh nhưng gia đình lại chủ quan để ở nhà. Sau đó chị cho cháu đến bệnh viện Nhi tỉnh, với hy vọng ở đó cháu bé sẽ được nhập viện và được chăm sóc, chữa trị nhiệt tình nhưng bệnh viện Nhi không cho nhập viện và chỉ qua bệnh viện Đa khoa; chị qua bệnh viện Đa khoa thì bên đấy cũng không cho nhập viện… Theo chị Lệ, có thể do chị nói với bác sĩ rằng cháu bé có HIV nên bác sĩ đã không cho nhập viện. Cuối cùng, tôi nhờ người quen ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh can thiệp giúp. Cháu Trúc đã được nhập viện Nhi. Đến thăm cháu, tôi thật không tin nổi. Mới có 3 tháng mà cháu đã không còn là bé Trúc đáng yêu nữa. Trúc bị lở loét khắp người, răng rụng, sụt cân rất nhiều, luôn khóc và không chịu ăn uống. Cán bộ y tế đã khám cho cháu, nhưng tôi vẫn nhận thấy sự lo ngại trong họ… Khoảng một tuần sau bé được ra viện, không rõ ở trong tình trạng như thế nào. Cách đây một tháng, tôi được tin bé mất. … và không được đến trường Đó là bé Thảo Nguyên, 5 tuổi, ở xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, con chị Én - một thành viên nhóm Ban Mai. Cô bé đã đến tuổi học mẫu giáo. Khỏe mạnh, dễ thương. Cả xã ai cũng biết mẹ con chị có HIV. Đầu năm học, để giảm sự kỳ thị và phân biệt, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã can thiệp bằng cách tổ chức một hội thảo về HIV/AIDS và vấn đề sống chung với nó. Hội thảo gồm cán bộ chính quyền, cán bộ ngành giáo dục, y tế và một số ngành khác, hiệu trưởng, thầy cô giáo và các vị phụ huynh trường bé Nguyên sẽ theo học; được tổ chức tại xã Tam Anh, huyện Núi Thành – nơi có em Khoa, 12 tuổi, là người có HIV nhưng vẫn sống và học tập bình thường, không bị cộng đồng nơi đây kỳ thị, phân biệt mà lại luôn tạo điều kiện, quan tâm giúp đỡ em Khoa. Hội thảo diễn ra thành công, với sự nhận thức và cam kết của nhiều người (gồm cán bộ và phụ huynh học sinh), con chị Én và nhiều trẻ có HIV khác sẽ được nhập học vào năm học mới. Thế nhưng, đã qua tháng 10, tháng 11 rồi bé Thảo Nguyên vẫn phải ở nhà. Hỏi ra mới hay rằng chuyện không dễ dàng. Dù được tuyên truyền nhiều và biết rất rõ về HIV/AIDS, nhiều phụ huynh vẫn phản đối chuyện bé Thảo Nguyên học cùng trường với con mình. Bạn trai của chị Én đã phản ứng với nhà trường. Kết quả, nhà trường cử giáo viên vào cuối tuần đến nhà để dạy cho cháu; nhưng chỉ được 2 – 3 tuần rồi không thấy cô giáo đến nữa. Bây giờ, Thảo nguyên vẫn ở nhà. Hàng ngày, em nhìn các bạn cắp sách đến trường với ánh mắt buồn rười rượi. Ba câu chuyện tôi kể trên đây, có gợi cho các bạn điều gì không? Riêng tôi, đó là những câu chuyện đau lòng. Trẻ có HIV bị thiệt thòi nhiều quá. Các em mất quyền được bảo vệ, chăm sóc và đến trường, không có môi trường để phát triển như bao trẻ khác và có nguy cơ mù chữ. Các em không được y tế chăm sóc khi đau ốm. Cha mẹ các em thì bất lực, cần có sự giúp đỡ, can thiệp từ chính quyền, cộng đồng. Còn chính quyền thì đã can thiệp đến đâu, đã nỗ lực hết mình chưa? Cộng đồng nhìn nhận thế nào? Những trường hợp như trên chắc chắn sẽ còn diễn ra ở nhiều nơi. Có cách nào can thiệp hiệu quả hơn không? Đó có phải là bài toán hóc búa lắm không?./. |
▪ Hoa Hải Đường – Chung lòng vì tương lai (26/11/2008)
▪ Nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không được tiền hỗ trợ - Vì sao? (17/12/2008)
▪ Teen RMIT: Tưng bừng ngày hội AIDS World Day (16/12/2008)
▪ “Tôi là người có HIV” (13/12/2008)
▪ Chuyện tình của người nhiễm HIV (11/12/2008)
▪ Hai người nhiễm AIDS giúp cộng đồng "tránh" AIDS (10/12/2008)
▪ Lỗi lầm đâu tại các em! (05/12/2008)
▪ Vì biết quý cuộc sống! (05/12/2008)
▪ Đào tạo người có HIV thành điều dưỡng viên (04/12/2008)
▪ Người cán bộ trại giam tận tâm (04/12/2008)