Hoa Hải Đường – Chung lòng vì tương lai
Các Website khác - 26/11/2008

-         Họ là những phụ nữ bị lây nhiễm HIV qua chồng.

-          100% chị em trong nhóm đều không liên quan đến tệ nạn xã hội và họ tất cả đã goá chồng....

-         Họ là những thành viên nòng cốt của nhóm tự lực Hoa Hải Đường – Hải Phòng.

Từ những mảnh đời  bị đánh cắp

Là người  nhiều tuổi nhất của nhóm, chị Lê Thị Thân  (Sn 1956)  tâm sự: “Năm 2004, khi biết mình nhiễm HIV, tôi đau lòng lắm. Gần 50 tuổi rồi, mình  không sợ chết nhưng sợ mọi nghĩ mình tham gia vào tệ nạn xã hội nên bị lây nhiễm HIV/AIDS.”

 Chị Lê Thị Thân. Ảnh : Đặng Thanh

Chị Lê Thị Thân. Ảnh : Đặng Thanh

Nói rồi, chị lại đưa tay lau nước mắt và kể với chúng tôi về hoàn cảnh của mình: “Trước đây  tôi làm công nhân ở nhà máy đóng tàu. Còn chồng tôi thì làm xe ôm. Hằng ngày, anh ấy thường đón khách ở cổng cơ quan tôi làm việc. Trong số khách hàng của anh ấy có cả các cháu tiếp viên ở nhà hàng, khách sạn. Không hiểu, sau những  lần chở các cháu đi “tàu nhanh, tàu chậm” được trả công thế nào mà nhiễm HIV rồi chuyển sang bệnh AIDS. Được một thời gian thì qua đời. Năm 2004, tôi cũng phát hiện mình nhiễm HIV. Lúc đầu, tôi rất xấu hổ, vì tuổi tôi gần lên chức ông bà nội ngoại rồi. Được Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe giới thiệu sinh hoạt nhóm Hoa Hải Đường. Từ đó tôi cũng bớt mặc cảm hơn và tham gia đi tuyên truyền cùng các thành viên trong nhóm. Khi đó, con gái tôi không đồng ý. Cháu bảo, mẹ còn tham gia thì con sẽ bỏ học. Nhưng bây giờ, cháu đã hiểu ra và còn tự hào vì mẹ đã vượt lên bệnh tật, mặc cảm để làm việc có ích cho xã hội. Tôi phụ trách tiểu nhóm An Dương với 25 thành viên. Hàng tuần,  tôi lại về đấy sinh hoạt để tuyên truyền cho các chị em và giới thiệu chuyển tuyến họ đến các địa chỉ tư vấn , khám chữa bệnh...Đến nay, được đi tập huấn nhiều nên 10 chị em chúng tôi ở đây đã có những kỹ năng hỗ trợ, giúp đỡ, chuyển tuyến chăm sóc bệnh nhân AIDS. Đến bây giờ tôi cảm thấy có tự tin trong cuộc sống hàng ngày.”.

Trưởng  nhóm Vũ  Thị  Gái bộc bạch : “Chị có thể hỏi chúng tôi một sào cấy bao nhiêu mạ, thì chúng tôi trả lời được ngay. Chúng tôi làm ruộng được, chứ  làm báo cáo thì khó quá. Không biết diễn đạt thế nào cả. Tôi luôn xác định, công tác tiếp cận cộng đồng phải từ cái tâm của mình. Khi đi tuyên truyền, chúng tôi chỉ biết kể về  hoàn cảnh của mình và khuyên mọi người đừng để có một kết cục như chúng tôi. Năm 2005, sau khi chồng mất, tôi  tham gia sinh hoạt nhóm Hoa Hải Đường. Tôi đã  được hỗ trợ, giúp đỡ về tinh thần và  ổn định cuộc sống. Với  số tiền được vay từ dự án,  tôi đã mở một của hàng may quần áo tại nhà và cho thuê truyện tranh. Hiện nay 3 mẹ con tôi đã ổn định cuộc sống...”

Và còn biết bao nhiêu  thành viên trong nhóm như: Chị Y., chị L., chị, chị H., chị V., chị O…Người già nhất đã bước sang tuổi 53, còn người trẻ nhất cũng qua tuổi 27...tất cả các chị đều có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng  đều bị lây nhiễm HIV từ chồng và cùng vươn lên trong cuộc sống và tham gia công việc tuyên truyền về HIV/AIDS tại địa phương. Tham gia vào nhóm , ngoài công việc thường ngày, 10 thành viên nòng cốt  còn đ ược tạo điều kiện vay vốn để cải thiện phát triển  kinh tế như: nuôi lợn, nuôi bò, cá, buôn bán nhỏ...

Đến “chung sức, chung lòng vì tương lai”.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc trung tâm Truyền thông, giáo dục sức khoẻ Hải Phòng cho biết:  “Chung sức, chung lòng vì tương lai” là một dự án đã đoạt giải của Ngân hàng thế giới (WB) trong cuộc thi “Ngày Sáng tạo Việt nam  phòng chống HIV/AIDS- năm 2007”. Dự án được xây dựng trên nền tảng của nhóm Hoa Hải Đường. Đây là nhóm tự lực của những người nhiễm HIV do các bạn tự  quản, tự hoạt động. Đồng thời điều hành tất cả hoạt động từ việc lên kế hoạch và triển khai. Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ chỉ hỗ trợ kỹ thuật, Nếu các bạn ấy khó khăn về giảng viên thì chúng tôi hỗ trợ chuyên môn theo tiêu chí tự học, tự lực ...cho nên các bạn hoàn toàn tự lực... Các thành viên trong nhóm đến từ 7 quận, huyện của thành phố (chủ yếu là người nhiễm ở khu vực ngoại thành), vì khu vực nội thành là nơi chồng lấn nhiều dự án, chúng tôi muốn dành những ưu tiên này cho những  địa phương mà người nhiễm HIV chưa tiếp cận được các dịch vụ y tế….”

            Kể từ ngày được giải thưởng về dự án “Chung sức, chung lòng vì tương lai”,  các thành viên trong nhóm đã tổ chức các buổi sinh hoạt hàng tuần để bàn kế hoạch tại trụ sở chính của nhóm. Và xây dựng 5 tiểu nhóm khác để triển khai các hoạt động tại địa bàn. Thời gian còn lại, các bạn đã  tiến hành tiếp cận, chăm sóc người có H. ở nhà hoặc ở bệnh viện và giới thiệu chuyển tuyến đi làm xét nghiệm HIV, giới thiệu chuyển tuyến đi điều trị ARV, nhiễm trùng cơ hội... Đồng thời hỗ trợ về mặt tinh thần như đi thăm nom người nhiễm HIV tại gia đình để hỗ trợ chia sẻ các khó khăn trong cuộc sống; Chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân AIDS ...Thời gian còn lại, các thành viên trong nhóm chia nhau đi tuyên truyền ở cộng đồng, trường học và các doanh nghiệp...Tuy hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng các chị  vẫn tích cực   xây dựng các chương trình văn nghệ  truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đi giao lưu với các tỉnh, thành...

            Với những việc làm thiết thực như vậy, các thành viên trong nhóm Hoa Hải Đường đang từng bước khẳng định mình để cùng hành động vì một tương lai không có HIV/AIDS.

Đặng Thanh