Khi bị nhiễm HIV: Công khai có nghĩa là một tình yêu lớn
Các Website khác - 19/06/2008
 
Nguyễn Thị Tuyết là một bệnh nhân HIV và
chị đã làm được điều đó.

Cách đây hơn một năm, đến thăm lớp mẫu giáo dành cho những đứa trẻ bị nhiễm HIV tại Trung tâm 02, Ba Vì (Hà Tây), tôi đã gặp chị. Ngày ấy, trong bộ cánh sơ mi giản dị, chị lặng lẽ chăm sóc cho bốn đứa trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi vì HIV, như chăm sóc chính đứa con của mình. Cảnh tượng đó đã làm cảm động tất cả những ai đã một lần đến thăm lớp mẫu giáo đặc biệt này.

Lần đến Trung tâm 09 (huyện Thanh Trì, Hà Nội) gần đây, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra chị, trong vai trò một nữ hộ lý, chị cần mẫn làm công việc chăm sóc cho những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối ở nơi này. Và, câu chuyện cuộc đời chị cứ khiến tôi nghĩ đến câu chuyện của nữ anh hùng Châu Á Nguyễn Thị Huệ, một người bị nhiễm HIV đã dám công khai bệnh tật của mình và đã làm được rất nhiều việc có ích cho cộng đồng.


Sáng nào cũng vậy, cứ 7 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Hằng, một người bị nhiễm HIV, quê ở tận Bắc Ninh, lại bắt xe buýt từ phố Tôn Đức Thắng đi xuống Trung tâm 09 để làm việc. Công việc của chị bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng và kết thúc lúc 4 rưỡi chiều, cứ y như giờ giấc của một công chức nhà nước vậy.

Mới về trung tâm làm việc không lâu, nhưng công việc ở đây, chị đã thông thạo lắm rồi. Gần 3 năm chị làm ở trung tâm 02 rồi còn gì. Với chị, việc chăm sóc cho những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, cũng không khác gì nhiều với việc chị đã chăm sóc cho những đứa trẻ bị HIV trước đây. Tuy nhiên, có một điều rất đặc biệt là ở đây, ngay cả những bệnh nhân từng có một quá khứ bôn tẩu giang hồ nhất, thì trước khi chết vì HIV, có khi họ còn yếu đuối và thèm khát tình yêu thương của mọi người còn hơn cả một đứa trẻ lên ba.


Tình yêu thương đã cứu rỗi tôi


Trước kia, chị Hằng từng là một giáo viên cấp I, dạy ở Bắc Ninh, và chồng chị, một cán bộ quan trọng của một sở, cũng ở Bắc Ninh vốn đang rất hanh thông trong sự nghiệp. Gia đình của chị đã từng là niềm mơ ước của biết bao người, và cứ tưởng sau này, chị sẽ có một cuộc sống tràn trề hạnh phúc. Thế nhưng, cái “gia đình lý tưởng” ấy đã bị HIV, với sức mạnh ghê gớm của nó tàn phá đến không còn gì nữa.


Cho đến lúc này, chị cũng không biết chồng chị đã mang con virus HIV này về nhà và truyền cho chị như thế nào. Nhưng dù thế nào thì chị cũng không trách cứ gì chồng, một người mà chị đã rất mực yêu thương. Chị Hằng kể: năm 2001, chị mang bầu lần đầu tiên, nhưng đứa trẻ đã chết ngay sau khi chào đời. Nguyên nhân của cái chết này được các bác sĩ chẩn đoán là do đứa trẻ bị nhiễm trùng máu. Sau lần sinh nở không thành ấy, vợ chồng chị quyết định sẽ “kế hoạch” cho đến khi nào chồng chị học xong cao học mới sinh thêm. Thế nhưng, khi đang làm khóa luận tốt nghiệp thì chồng chị lâm bệnh. Trong gần một năm liền, chồng chị chỉ đi ngoài, và người thì gầy rộc. Ngày đó, các bác sĩ xác nhận chồng chị bị dạ dày. Thế nhưng, dù đã chạy chữa dạ dày hết bệnh viện công, rồi bệnh viện tư trên Hà Nội, rồi Bắc Ninh, nhưng bệnh đi ngoài của chồng chị vẫn không hề thuyên giảm. Chỉ đến khi phải nằm một chỗ, các bác sĩ ở bệnh viện Bắc Ninh mới tiến hành xét nghiệm máu cẩn thận thì phát hiện chồng chị đã bị HIV giai đoạn cuối. Đến lúc này, xâu chuỗi những sự kiện, chị tin rằng, đứa con chị sinh năm 2001 không phải chết vì bị nhiễm trùng máu, mà chính là do đứa bé đã chết vì HIV.


Sau khi chồng mất được đúng 100 ngày, chị Hằng lặng lẽ một mình bắt xe lên Hà Nội làm xét nghiệm, thì phát hiện mình cũng đã dương tính với HIV từ khi nào rồi. Trở về trường học, chị đã thông báo toàn bộ sự việc này tới Ban giám hiệu, nhưng nhà trường vẫn khuyến khích chị ở lại giảng dạy. Thế nhưng, đứng giảng bài trên bục giảng, chị không còn tâm trí nào tập trung vào bài giảng nữa nên cuối cùng, chị đã xin nghỉ dạy.


Ở nhà một thời gian, chị cứ ốm lăn ốm lóc. Có lần, phải nằm ở Bệnh viện Đống Đa hơn một tháng, cứ nghĩ mình sẽ chết, mà khi ấy, chị cũng không thiết sống nữa nếu không có sự chăm sóc và tình thương yêu của gia đình. Chị bảo, chính tình thương của gia đình đã cứu rỗi chị và chị đã vực dậy để sống. Và, khi sức khỏe bình phục, chị đã làm đơn tự nguyện lên chăm sóc cho những đứa trẻ bị nhiễm HIV ở Trung tâm 02, Ba Vì (Hà Tây).


Có lẽ, với những người khỏe mạnh, họ thường nghĩ về gia đình. - Chị nói. - Nhưng em thì không còn gì cả: Chồng chết, con chết, mình cũng không biết sẽ chết khi nào. Nhưng trước bố mẹ, những người đã rất mực yêu thương mình, mình phải luôn tỏ ra là một người mạnh mẽ, anh ạ, không thể bi quan hay nằm chờ chết được. Vì thế, mình phải đi làm một cái gì đó cho bố mẹ đỡ buồn. Và, ở trại 02, em đã tìm thấy niềm vui của mình. Những đứa trẻ đã bù đắp được ít nhiều tình cảm và khát khao làm mẹ của em”…


Hơn hai năm trời (từ năm 2005 đến năm 2007), chị đã chăm sóc, gắn bó với những đứa trẻ bị HIV, thậm chí, với nhiều đứa trẻ, chị đã coi như con, nhưng cuối cùng, chị cũng bỏ đi. Nhưng chị bỏ đi không phải để được sung sướng hơn, mà chị đã tìm đến một công việc vất vả hơn, ấy là đến chăm sóc cho những người bị HIV giai đoạn cuối, chỉ còn nằm để chờ chết ở Trung tâm 09. Chị bảo, nơi ấy (Trung tâm 09), có nhiều người cần chị hơn. Bởi, ở đây, phần lớn bệnh nhân đều bị gia đình bỏ mặc nên những ngày cuối đời, họ rất thèm khát nhận được sự đồng cảm và chia sẻ. Và, chị đã đến để làm việc đó như nghĩa vụ của một “thiên sứ”.


Vẫn khát khao hạnh phúc


Là một người có H và đã mấy năm là thành viên của nhóm đồng đẳng thuộc Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương (Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội) nên chị Hằng rất hiểu những người bị HIV cần gì và muốn gì ở mỗi thời kỳ. Chị bảo, với những bệnh nhân khi mới phát hiện mình bị HIV, điều đầu tiên người bệnh thường nghĩ tới là cái chết. Sau đó là sự sợ hãi về một cuộc sống đầy bế tắc những ngày trước mắt. Thế nhưng, điều nguy hại nhất với những người mới phát hiện bị nhiễm HIV là sự tự kỳ thị chính mình. Chính sự tự kỳ thị này đã đẩy người bệnh ngày càng xa cuộc sống cộng đồng, nhiều người sau đó còn lao vào cuộc sống tiêu cực.


Với chị, tất cả những sợ hãi, mặc cảm, chị đều đã vượt qua cả rồi. Chị kể, ngày mới lên trại 02, nhiều người bị bệnh, họ hay buồn chán và tìm đến thuốc lào, thuốc lá hút để giải khuây lắm. Nhưng mình thì nhất định từ chối. Chị bảo, mình bị bệnh thế này thì phải sống tích cực, phải sống thật tốt. Rồi biết đâu y học họ sẽ tìm được thuốc để chữa trị…


Có lẽ, vì có cuộc sống tích cực nên dù đã bị HIV đã lâu lắm rồi, nhưng người phụ nữ đã 31 tuổi này này vẫn còn giữ được một nhan sắc đẹp đến kỳ lạ. Chị bảo, ở Câu lạc bộ đồng đẳng Hoa Hướng Dương, nơi chị đang là thành viên, không ít lần, chị đã nhận được lời đề nghị của những người đồng đẳng mà chị rất quý về việc xây dựng lại hạnh phúc gia đình. Những lời đề nghị như thế, chị đã gặp nhiều, nhiều lắm, nhưng chị chưa dứt khoát nhận lời ai cả. Bởi theo chị, đã xây dựng hạnh phúc gia đình là phải có con cái thì hạnh phúc mới toàn vẹn. Mà bệnh tật như chị thì không thể có con cái được nữa nên chị chưa dám nhận lời ai cả. Điều ấy cứ khiến chị day dứt, nhưng những người đàn ông đã từng cầu hôn chị, họ đâu có hiểu được con cái quan trọng như thế nào với chị lúc này?


Bây giờ, chị đang ở nhờ nhà một người bạn trên phố Tôn Đức Thắng. Đó cũng là một hiệu may nhỏ của gia đình người bạn, nhưng chị vẫn ví, đó là một ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương. Ở đây, chị được coi như một thành viên không thể thiếu trong gia đình, không hề có sự phân biệt hay kỳ thị gì cả. Đó có lẽ là một điều may mắn mà không phải người có H nào cũng có được.


Hiện nay, ngoài công việc làm hộ lý tại Trung tâm 09, chị còn là thành viên tích cực của nhóm đồng đẳng Hoa Hướng Dương. Cứ khi nào rảnh, bất kể tối ngày, chị lại cùng nhóm đến bệnh viện tuyên truyền, thậm chí, đến tận nhà người có H để tuyên truyền và chăm sóc người bệnh. Chị bảo, nhiều người bị HIV do sử dụng ma túy và sống buông thả, nhưng khi bị bệnh, họ đều rất cần được sự quan tâm hơn của cộng đồng, người thân. Bởi, nếu không quan tâm, người bệnh sẽ lại lao vào tiêu cực thì sẽ có hại cho cộng đồng.


Bây giờ, nếu có ai hỏi chị đã bao nhiêu năm sống chung với HIV, thì chị cũng không nhớ rõ nữa. Chị chỉ có thể trả lời rằng đã lâu, lâu lắm rồi nhưng chị vẫn sống rất khỏe mạnh. Chị bảo, cho đến lúc này, chị cũng rất muốn công khai bệnh tật của mình, bởi giờ đây chị không còn gì cả. Ngay cả cái chết chị cũng không còn sợ hãi nữa. Nhưng nghĩ lại, mình vẫn còn gia đình, còn bố mẹ già, những người rất mực thương yêu chị. Họ đều là công chức, chỉ sợ nếu công khai thì cuộc sống của họ sẽ ít nhiều bị ảnh hường. Bởi theo chị, sự kỳ thị của cộng đồng với người có H, thậm chí cả với người thân của người có H ở ta vẫn còn lớn lắm. Thế nhưng, dù công khai hay không công khai bệnh tật của mình thì với những công việc chị đang làm, chị cũng đã xứng đáng với danh hiệu “anh hùng” lắm rồi.

Phương Anh (Vietimes) - theo http://www.hoilhpn.org.vn/